Điện mặt trời thế hệ mới: Giải pháp cho hộ gia đình và doanh nghiệp

Ngày 31/12, tại Bình Dương đã diễn ra Hội thảo 'Điện mặt trời thế hệ tiếp theo' do Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Năng lượng tái tạo tỉnh tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo "Điện mặt trời thế hệ tiếp theo" do Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Năng lượng Tái tạo tỉnh tổ chức. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Quang cảnh Hội thảo "Điện mặt trời thế hệ tiếp theo" do Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Năng lượng Tái tạo tỉnh tổ chức. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Sự kiện này mang đến nhiều giá trị hữu ích về định hướng phát triển năng lượng tái tạo cùng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cả hộ gia đình và doanh nghiệp.

Ông Phan Thanh Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng tái tạo tỉnh

Bình Dương nhấn mạnh, những công nghệ quang điện tiên tiến kết hợp với hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) đang không ngừng nâng cao hiệu suất và tối ưu chi phí. Điện mặt trời thế hệ mới không chỉ dành riêng cho hộ gia đình mà còn phù hợp với mô hình thương mại và nhà máy công nghiệp. Đáng chú ý, chi phí lắp đặt các hệ thống này đã giảm đáng kể, giúp nhiều đối tượng dễ dàng tiếp cận năng lượng sạch.

Quang cảnh Hội thảo "Điện mặt trời thế hệ tiếp theo" do Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Năng lượng Tái tạo tỉnh tổ chức. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Quang cảnh Hội thảo "Điện mặt trời thế hệ tiếp theo" do Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Năng lượng Tái tạo tỉnh tổ chức. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Một trong những điểm nổi bật tại hội thảo là các mô hình đầu tư linh hoạt, chẳng hạn như hình thức không cần bỏ vốn ban đầu. Điều này đặc biệt có lợi cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ giảm gánh nặng tài chính trong khi vẫn tiết kiệm chi phí điện hằng tháng.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), nhận định việc sử dụng hiệu quả của điện mặt trời đối với các hộ gia đình là quá rõ ràng, không chỉ giúp giảm hóa đơn điện mà còn góp phần thúc đẩy xu hướng sử dụng năng lượng bền vững.

Ngoài ra, hội thảo còn giới thiệu nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn trong nền kinh tế năng lượng mới, như mô hình kinh doanh chênh lệch giá với BESS hay trạm sạc xe điện thông minh tích hợp năng lượng mặt trời. Những bước tiến này không chỉ thúc đẩy phát triển bền vững mà còn góp phần xây dựng

Bình Dương thành trung tâm năng lượng tái tạo hiện đại.

Xu hướng các hộ gia đình tại Bình Dương chuyển qua sử dụng điện mặt trời. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Xu hướng các hộ gia đình tại Bình Dương chuyển qua sử dụng điện mặt trời. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Với công nghệ tiên tiến, điện mặt trời thế hệ mới hoạt động dựa trên nguyên lý chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành điện năng, sử dụng hệ thống quang điện và bộ inverter. Phần năng lượng dư thừa có thể được lưu trữ trong pin để sử dụng vào ban đêm hoặc khi cần thiết. Hệ thống này mang lại nhiều lợi ích vượt trội, như: giảm phụ thuộc vào lưới điện quốc gia, tiết kiệm chi phí, cung cấp nguồn điện ổn định và đảm bảo an ninh năng lượng. Đây không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn góp phần giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, hướng tới sự độc lập về năng lượng.

Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, như Nghị định số 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp hay Nghị định số 135/2024/QĐ-TTg khuyến khích phát triển điện mặt trời tự tiêu thụ, đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng nổ của điện mặt trời mái nhà. Hiện nay, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cũng đang trình UBND tỉnh ban hành các thủ tục hành chính cần thiết để triển khai các chính sách này.

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển điện mặt trời mái nhà nối lưới được đặt ra ở mức 185 MW. Đối với các khu công nghiệp, nhu cầu điện mặt trời tự sản xuất và tiêu thụ kết hợp với hệ thống lưu trữ năng lượng dự kiến đạt 3.200 MW vào năm 2030 và tăng lên 5.359 MW vào năm 2050. Ngoài khu công nghiệp, các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ cũng có tiềm năng phát triển điện mặt trời với công suất đạt 3.200 MW vào năm 2030.

Các doanh nghiệp cũng gia tăng đầu tư điện năng lượng mặt trời phục vụ cho sản xuất. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Các doanh nghiệp cũng gia tăng đầu tư điện năng lượng mặt trời phục vụ cho sản xuất. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, việc phát triển điện mặt trời thế hệ mới không chỉ đáp ứng mục tiêu năng lượng tái tạo mà còn góp phần thúc đẩy Bình Dương trở thành trung tâm kinh tế xanh và bền vững. Theo đó, Bình Dương cũng đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng hệ thống trạm sạc điện nhằm hỗ trợ sự phát triển của giao thông xanh. Sở Công Thương đang phối hợp với các địa phương để cập nhật vị trí các trạm sạc vào quy hoạch chung, với mục tiêu mỗi đơn vị hành chính cấp xã sẽ có ít nhất năm trạm sạc điện.

Điện mặt trời thế hệ mới không chỉ là một giải pháp kinh tế và môi trường, mà còn mở ra cơ hội kinh doanh và phát triển bền vững cho các hộ gia đình muốn giảm chi phí tiền điện và doanh nghiệp. Với sự hỗ trợ từ chính sách và công nghệ, đây sẽ là xu hướng không thể bỏ qua trong năm mới 2025.

Dương Chí Tưởng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dien-mat-troi-the-he-moi-giai-phap-cho-ho-gia-dinh-va-doanh-nghiep/358629.html
Zalo