Diện mạo giáo dục đại học đến 2030

Dự thảo quy hoạch hệ thống đào tạo cấp đại học đến năm 2030 giúp công chúng mường tượng nhanh diện mạo của nền giáo dục đại học nước nhà trong vòng 7 năm tới.

Dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050 của Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) cho biết hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục ĐH. Việc sắp xếp tới đây cơ bản giữ ổn định số lượng và cơ cấu, tập trung nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô các trường.

Theo dự thảo nói trên, Bộ GDĐT dự kiến đến năm 2030, cả nước có khoảng 250 cơ sở giáo dục ĐH và 50 phân hiệu, trong đó có 30 cơ sở đào tạo trọng điểm (gồm 5 ĐH quốc gia, 5 ĐH vùng, 18-20 trường trọng điểm ngành).

Cũng theo Bộ GDĐT sẽ có khoảng 100 trường ĐH đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương. Có ít nhất 70 trường ĐH tư thục bao gồm cả trường hoạt động không vì lợi nhuận và có vốn đầu tư nước ngoài. Từ nay tới năm 2030 sẽ củng cố, sắp xếp những trường ĐH không đạt chuẩn theo các phương án: Tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3 đến 5 năm; sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc phân hiệu của một trường có có uy tín; đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.

Theo Bộ GDĐT, về cơ bản không thành lập trường ĐH công lập mới, ngoại trừ ở một số vùng có mức độ tiếp cận ĐH thấp như Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với phân hiệu của các trường trong giai đoạn tới năm 2030, đình chỉ hoạt động đào tạo cơ sở không đạt chuẩn hoặc chưa hoàn thành xác lập vị trí pháp lý trước năm 2028; sáp nhập hoặc giải thể các phân hiệu không đạt chuẩn trước năm 2030. Bộ sẽ cho phép thành lập phân hiệu trong các trường hợp như thành lập từ các cơ sở đào tạo đang được phép hoạt động hoặc chuyển giao phân hiệu từ một trường ĐH khác đang được phép hoạt động, hoặc trên cơ sở sáp nhập trường cao đẳng sư phạm (CĐSP).

Riêng với các trường đào tạo giáo viên, theo tinh thần dự thảo nói trên, Bộ dự kiến sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, căn cứ năng lực và uy tín, khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của các địa phương, từng vùng và cả nước. Đến năm 2030, cả nước có khoảng 50 cơ sở giáo dục ĐH đào tạo giáo viên các trình độ. Trong đó, 11 trường giữ vai trò hạt nhân với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo sư phạm toàn quốc. Những trường này là ĐH Sư phạm Hà Nội, Sư phạm 2, Sư phạm TP HCM, trường ĐH Sư phạm (thuộc ĐH Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng), trường ĐH Giáo dục (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội), trường ĐH Vinh, Quy Nhơn, Tây Nguyên, Cần Thơ…

22 trường ĐH, hầu hết trực thuộc UBND tỉnh, đào tạo đáp ứng nhu cầu giáo viên của địa phương và các tỉnh lân cận với khoảng 44% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc. 17 trường ĐH khác đào tạo một số ngành giáo viên đặc thù.

Ngoài ra, đến năm 2030 sẽ giảm hơn một nửa số trường CĐSP trên cả nước. Cụ thể 38 trường CĐSP và cao đẳng đa ngành có đào tạo sư phạm sẽ bị sáp nhập.

Cụ thể, theo phân tích của Bộ GDĐT, số lượng các trường CĐSP trong những năm gần đây giảm một phần do thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU về tinh giản đầu mối và biên chế, và thực hiện Luật Giáo dục 2019, yêu cầu trình độ của giáo viên tiểu học và THCS được nâng lên ĐH, do đó các trường CĐ chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non. Hiện nay hệ thống các trường, khoa sư phạm cung cấp hàng năm hơn 20.000 sinh viên tốt nghiệp. Với nhu cầu giáo viên cần được đào tạo hằng năm như trên, cần tập trung năng lực đào tạo cho các trường ĐH đa ngành có đào tạo giáo viên, trong đó, có từ hai đến ba trường ĐH sư phạm trọng điểm và 5-6 trường ĐH sư phạm chủ chốt đào tạo giáo viên. Một số trường CĐSP trở thành phân hiệu của các trường ĐH sư phạm hoặc trường ĐH đa ngành, hoặc sáp nhập với các trường CĐ địa phương.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dien-mao-giao-duc-dai-hoc-den-2030-10267266.html
Zalo