Điện khí LNG muốn được bán điện trực tiếp tới người dùng không qua EVN
Các nhà máy điện khí LNG muốn được bán điện trực tiếp tới người tiêu dùng lớn là các nhà máy, khu công nghiệp
Tại diễn đàn "Chuỗi phân phối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu và vị thế của Việt Nam" mới đây, TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nên kiến nghị này.
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển 13 dự án nhà máy điện khí LNG với tổng công suất 22.524 MW.
Song, hiện cả nước mới chỉ có dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 với tổng công suất 1.624 MW đã hoàn thành, chuẩn bị đi vào vận hành thương mại. Một số dự án khác đang triển khai thi công hoặc tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Với tiến độ trên, TS Nguyễn Quốc Thập lo ngại khả năng để các dự án điện khí vận hành như mục tiêu đặt ra là khó khả quan.
Một trong những cách tiếp cận mới được ông kiến nghị là phải mở rộng cơ chế mua bán điện trực tiếp cho các nhà máy điện khí LNG, theo đó được bán điện trực tiếp tới người tiêu dùng cuối là nhà máy, khu công nghiệp.
Theo ông Thập, sản phẩm công nghiệp của Việt Nam xuất khẩu đang cần phải chứng minh xuất xứ, sử dụng điện sạch, vì vậy nhu cầu sử dụng năng lượng sạch rất cao.
Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đang muốn thu hút công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, các nhà đầu tư yêu cầu lớn về điện sạch và ổn định, thì chỉ có điện khí LNG đáp ứng được tiêu chí.
Do vậy, điện khí LNG có thể tham gia thị trường này và thị trường quyết định giá điện khí LNG.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Việt Nam, hiện giá dầu Brent thế giới được dự báo sẽ giữ ổn định ở mức 75-85 USD/thùng. Giá khí LNG được tính theo giá dầu (từ 12-15%), dao động tùy vào mức đàm phán nếu có hợp đồng mua LNG dài hạn. Muốn có điều này phải có hợp đồng mua bán điện dài hạn với tối thiểu cam kết từ 70% trở lên.
Về cơ chế cho phép khách hàng sử dụng điện lớn ký hợp đồng mua bán trực tiếp với các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (cơ chế DPPA), ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), đánh giá đây là một bước khởi đầu mới và quan trọng tại Việt Nam.
DPPA được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, mong mỏi được Chính phủ ban hành sớm để thực hiện; tiềm năng, nhu cầu tham gia cơ chế này cũng lớn. Song, việc triển khai DPPA vẫn tồn tại một số thách thức như: Tính mới mẻ và sự cần thiết để thích nghi; các thỏa thuận, hợp đồng và chi phí; nguồn cung chưa đáp ứng ngay nhu cầu và khả năng tài chính.
Hiện, DPPA mới chỉ cho điện mặt trời, điện gió tham gia. Theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, nhu cầu mua điện xanh - sạch qua cơ chế DPPA đang tăng cao.
Tuy nhiên, nguồn cung hiện tại lại chưa đáp ứng được do quy mô điện mặt trời mái nhà đã đạt đến giới hạn Quy hoạch điện VIII dành cho cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (2.600 MW), trong khi các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn cần thời gian để triển khai.