Điển hình phát triển kinh tế vườn đồi ở Cẩm Thủy

Ở huyện miền núi Cẩm Thủy, mô hình kinh tế vườn đồi của gia đình anh Bùi Văn Hiển ở thôn An Tâm, xã Cẩm Tâm là một trong những điển hình kinh tế tổng hợp có tính khoa học và hiệu quả kinh tế bậc nhất. Với sự năng động và đổi mới trong sản xuất, chủ mô hình sinh năm 1979 đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Khu sản xuất mới của anh Bùi Văn Hiển đang phát triển xanh tốt.

Khu sản xuất mới của anh Bùi Văn Hiển đang phát triển xanh tốt.

Với 1,3ha đất vườn đồi thấp sau nhà, từ năm 2016 sau khi đi học tập kinh nghiệm ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình và đồi rừng nhiều nơi, anh Bùi Văn Hiển quyết tâm về cải tạo, phá bỏ cây tạp, hình thành vùng trồng cây ăn quả thâm canh. Sau khi thuê đào hố, lót phân để trồng 300 cây ổi lê Đài Loan, 500 cây bưởi da xanh và bưởi Diễn, anh tiếp tục đầu tư hệ thống tưới tự động đến từng gốc cây. Đây được xem là bước đột phá trong canh tác trên đồi dốc ở địa phương bởi nước tưới là khâu hạn chế khiến nhiều gia đình khác chỉ trồng được keo hoặc cây ăn quả nhưng năng suất thấp. Khu sản xuất còn được đầu tư cả nhà kho để công cụ, xây dựng nơi ủ chất thải thành phân hữu cơ có che đậy, xây dựng tường bao xung quanh để bảo vệ cây trồng và vật nuôi. Những tuyến đường chính và đường xương cá được xây dựng trong vườn đồi giúp anh đưa cơ giới hóa vào sản xuất dễ dàng, các xe vận chuyển phân bón và thu mua sản phẩm nông sản có thể đến từng góc khu sản xuất.

Đến năm 2019, khi cây trồng cho thu hoạch, anh đầu tư thêm hoạt động chăn nuôi, mang lại thu nhập lớn cho gia đình. Từ nhiều năm qua, anh Hiển xây dựng 120m2 chuồng trại khoa học, duy trì đàn thỏ mẹ khoảng 60 con. Toàn bộ thỏ con sinh ra được bán giống một phần, số còn lại được anh nuôi thỏ thương phẩm bán cho thương lái đến thu mua quanh năm. Theo anh, thức ăn cho thỏ chủ yếu là các loại cỏ, lá trong vườn đồi và bờ bụi rậm rạp địa phương. Do chỉ tốn công đi hái mà không mất tiền đầu tư nên hiệu quả khá cao.

Thời điểm trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ khi chúng tôi có mặt, hàng trăm cây bưởi đã được hái tỉa nhiều lứa mà vẫn còn rất nhiều quả. Khó tưởng tượng được những cây trồng 8 - 9 năm tuổi lại có thể cho tới hơn 200 quả. Gần như các cây đều phải chống để khỏi gãy cành. Theo anh Hiển, “Bưởi và cây trồng trong vườn đồi của gia đình 100% được bón phân hữu cơ nên có vị thanh mát, ngọt đậm, lại để được vài ba tháng mới hỏng nên khách hàng ưa chuộng. Nhiều người thường xuyên mua cả trăm quả để ăn dần. Các thương lái đưa cả ô tô đến lấy đưa đi các vùng tiêu thụ nên năm nào cũng không đủ nguồn cung. Cũng vì chất lượng bưởi khẳng định được uy tín mà giá bán ở đây có khi cao gấp rưỡi thị trường vẫn nhiều thương lái mua”.

Năm 2022 anh quyết phá bỏ đồi keo và cây trồng kém hiệu quả để hình thành thêm mô hình kinh tế tổng hợp thứ 2. Khu đất đỏ bazan màu mỡ 2,5ha trên đồi cách nhà hàng trăm mét đến nay cũng thành khu sản xuất xanh mướt. Ở đây, 800 cây bưởi, 500 cây ổi, 500 gốc chanh và 1.000 cây cau tứ quý đã xanh tốt, nhiều loại cây đã cho thu hoạch bói. Do cây chưa tỏa tán, những năm qua được anh trồng xen dứa gai giống mới nhập khẩu từ Đài Loan, mỗi năm cho thu nhập thêm hàng chục triệu đồng. Dưới tán cây của 2 khu sản xuất, được anh nuôi những đàn gà thả đồi, tận dụng thức ăn tự nhiên, cho thêm thu nhập đáng kể.

“Ngay từ khi quyết định cải tạo vườn đồi để trồng cây ăn quả, tôi đã tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường và xác định canh tác hữu cơ, sản xuất sạch mới bền vững. Toàn bộ nguồn phân thỏ, phân gà và các chất thải trong quá trình sản xuất đều được rải men vi sinh, ngâm ủ hoai mục thành chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Khâu nọ phục vụ khâu kia, nên cả 2 khu sản xuất hầu như tuần hoàn mà không có chất thải ra môi trường bên ngoài. Hoạt động nuôi thỏ và gà cũng được xử lý triệt để, hầu như không phát tán mùi hôi”, anh Hiển chia sẻ.

Chỉ phải thuê thêm 2 lao động thường xuyên, anh Hiển vẫn là lao động chính, vừa là người hạch toán, chỉ đạo kỹ thuật. Với tính cần cù và nghị lực của người lính xuất ngũ, người đảng viên Bùi Văn Hiển đã gây dựng được mô hình kinh tế điển hình cấp huyện. Từ đây, tạo được sự lan tỏa để nhiều hộ gia đình trong vùng đến tham quan, học tập. Theo hạch toán của chủ mô hình, chỉ tính riêng tại khu sản xuất 1,3 ha sau nhà, mỗi năm cũng đem lại lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại xã Cẩm Tâm Trương Công Tùng, cho biết: “Anh Bùi Văn Hiển là hội viên năng động, đi đầu trong phong trào sản xuất của địa phương. Ngoài tạo được sự lan tỏa trong khơi dậy quỹ đất để phát triển kinh tế, anh còn tích cực ủng hộ các phong trào của thôn, xã cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong phong trào XDNTM ở địa phương anh còn ủng hộ cây giống, cùng bà con trong thôn trồng dọc các tuyến đường dân cư. Ngoài nhiều giấy khen của xã, huyện, năm 2022 anh Hiển còn vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào “Chung sức XDNTM” của tỉnh”.

Bài và ảnh: Linh Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dien-hinh-phat-trien-kinh-te-vuon-doi-o-cam-thuy-239263.htm
Zalo