Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025: Thế giới khó lường, ASEAN phải thích ứng ra sao?
'Đồng thuận sáng tạo và thông minh', 'xuất khẩu' vai trò trung tâm của ASEAN, phát triển thịnh vượng trên nền tảng hòa bình... là những ý tưởng nổi bật được các diễn giả trao đổi tại các phiên thảo luận trong ngày thứ nhất của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025.

Toàn cảnh Phiên toàn thể thứ nhất với chủ đề “Các xu hướng lớn tác động tới ASEAN và thế giới tới năm 2035”. (Ảnh: Thành Long)
Đồng thuận sáng tạo và thông minh
Phiên toàn thể thứ nhất với chủ đề Các xu hướng lớn tác động tới ASEAN và thế giới tới năm 2035 do Tiến sĩ Dino Patti Djalal, Nhà sáng lập và là Chủ tịch Cộng đồng Chính sách Đối ngoại Indonesia (FPCI) điều phối đã tập trung tìm hiểu biến động và các xu hướng lớn đang định hình cục diện thế giới và tương lai ASEAN đến năm 2035, chia sẻ quan điểm và phân tích những xu hướng chủ đạo dự kiến sẽ định hình thập kỷ tới.
Với chủ đề hấp dẫn, Phiên toàn thể có sự tham dự của các diễn giả là Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa; GS. Simon Tay, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế Singapore; ông Charles Hay, Giám đốc Vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển (FCDO), Vương quốc Anh; ông Tetsuya Watanabe, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA); Đại sứ Nguyễn Trung Thành, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam; Đại sứ Ian G. McKay, Đặc phái viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Canada.
Thế giới đang chia rẽ và khó lường, do vậy, theo Tiến sĩ Dino Patti Djalal một câu hỏi luôn thường trực hiện nay là ASEAN phải thay đổi như thế nào để thích ứng? Tại phiên thảo luận, các diễn giả đã cùng nhau đưa ra quan điểm để trả lời câu hỏi này.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa phát biểu tại phiên thảo luận thứ nhất. (Ảnh: Thành Long)
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa cho rằng không một quốc gia nào tự mình ứng phó được với thách thức và các thành viên ASEAN cũng như vậy. Ông Maris Sangiampongsa nhấn mạnh một số xu hướng tác động tới ASEAN trong thời gian tới như nhân khẩu học, chuyển đổi số, các mối đe dọa xuyên biên giới, bệnh dịch, biến đổi khí hậu… Chuyển đối số là lĩnh vực ASEAN cần phải đặc biệt coi trọng để bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu.
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan nêu cụ thể các nhóm giải pháp mà ASEAN cần hướng tới để ứng phó với thách thức, trong đó bao gồm: Phát triển Cộng đồng ASEAN; khẳng định vai trò trung tâm của Hiệp hội, hợp tác với các cường quốc để duy trì môi trường thuận lợi; thúc đẩy vai trò quan trọng hơn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế vốn ảnh hưởng tới cấu trúc an ninh khu vực.
Từ góc nhìn quan hệ quốc tế, GS. Simon Tay, Chủ tịch Viện nghiên cứu quốc tế Singapore cho rằng thế giới đang chứng kiến sự suy giảm trong hợp tác quốc tế, căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng. Nhưng ASEAN vẫn đang lớn dần lên và phát triển thịnh vượng. Rõ ràng, mô hình hợp tác của ASEAN là nguồn cảm ứng quan trọng. ASEAN cần phải củng cố các diễn đàn do Hiệp hội dẫn dắt, tăng cường hợp tác với các đối tác, các trung tâm tăng trưởng ở khu vực.
Ông Simon Tay nhất trí việc ASEAN cần thúc đẩy công nghệ số, phát triển mạng lưới điện ASEAN, thu hút đầu tư vào khu vực. Ngoài ra, ASEAN cũng cần tập trung vào "các biện pháp cùng thắng".

Đại sứ Ian G. McKay, Đặc phái viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada chia sẻ tại phiên thảo luận. (Ảnh: Thành Long)
Trong bối cảnh quốc tế phức tạp như hiện nay, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam cho rằng, có lẽ sẽ không có một trật tự thế giới mới trước những biến động địa chính trị hiện nay, đặc biệt đến từ các chính sách của Mỹ.
Tuy nhiên, sẽ có sự nổi lên của các chủ nghĩa khu vực, ASEAN đã đủ tự tin để tiến lên phía trước, trở thành lực lượng mạnh mẽ trong quản lý rủi ro, xung đột. Đại sứ Nguyễn Trung Thành lạc quan: "Dù trong một thế giới biến động, ASEAN sẽ vẫn giữ được nhịp phát triển, tiếp tục là ngọn hải đăng vì hòa bình, xử lý khác biệt, đối đầu giữa các nước", Đại sứ nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Nguyễn Trung Thành, ASEAN chỉ có thể thành công khi thực sự gắn kết nội khối, hợp tác với các đối tác bên ngoài. Mặc dù vậy, ASEAN cần linh hoạt hơn để thích ứng hơn với tình hình, không để ai khác đưa ra quyết định thay cho Hiệp hội. "Vậy nên, ứng dụng nguyên tắc đồng thuận một cách sáng tạo và thông minh là điều chúng ta bắt buộc phải cân nhắc", ông nói.
Đại diện từ một đối tác của ASEAN, Đại sứ Ian G. McKay, Đặc phái viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada khẳng định Hiệp hội đang đi đúng hướng khi tôn trọng và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Theo Đại sứ Ian G.McKay, ASEAN phải thúc đẩy mạnh mẽ vai trò trung tâm của mình nếu như muốn tiến xa hơn nữa trong khu vực và toàn cầu.

Các đại biểu tham gia các phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025. (Ảnh: Thành Long)
Duy trì thịnh vượng dựa trên nền tảng hòa bình
Phiên toàn thể thứ hai trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 có chủ đề Củng cố các nguyên tắc nền tảng của ASEAN nhằm ứng phó với các thách thức trong tương lai do GS.TS. Mohd Faiz Abdullah, Chủ tịch Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Malaysia điều phối.
Phiên thảo luận nhằm rà soát, đánh giá những nguyên tắc nền tảng của ASEAN trong bối cảnh địa chính trị mới, trong đó nhấn mạnh Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như nhận thức về cả cơ hội và thách thức của những biến động địa chính trị trong khu vực, qua đó nêu bật tầm quan trọng của việc thúc đẩy các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Sự kiện có sự tham dự của các diễn giả là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn; Đại sứ Bilahari Kausikan, Bộ Ngoại giao Singapore; Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam; Đại sứ Elizabeth Buensuceso, nhân vật nổi tiếng của Nhóm công tác cấp cao về Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025, Philippines; ông Kavi Chongkittavorn, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Thái Lan; bà Vithaya Xayavong, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao Lào.

Toàn cảnh phiên toàn thể thứ hai trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025. (Ảnh: Thành Long)
Tại phiên họp, các đại biểu đã đưa ra những đề xuất mới mẻ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ASEAN từ cải cách thể chế đến tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới; tìm ra những giải pháp đột phá giúp ASEAN vừa duy trì đoàn kết, tăng cường sức chống chịu, vừa gìn giữ những giá trị cốt lõi và bản sắc được định hình suốt nhiều thập kỷ qua.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn cho rằng điều thuận lợi mà ASEAN đang có là Hiệp hội "sống" giữa môi trường bất ổn nhưng có thể duy trì chung sống hòa bình và không chọn bên, luôn cố gắng hết mình để giải quyết khác biệt để giữ sự gắn kết trong ASEAN và giữa ASEAN với đối tác.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Thành Long)
Để có thể vượt qua những khó khăn đang hiện hữu, Phó Thủ tướng Prak Sokhonn nhấn mạnh ASEAN phải nỗ lực duy trì sự thịnh vượng của ASEAN dựa trên nền tảng hòa bình: "Hòa bình đang ngày càng trở nên mỏng manh ở khu vực và trên thế giới nhưng phải luôn là ưu tiên của chúng ta, ASEAN càng cần phải đề cao tầm quan trọng của việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế".
Đánh giá về những nguyên tắc nền tảng của ASEAN, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam cho rằng nguyên tắc cân bằng và không can thiệp cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh hiện nay.
Song song với đó, ASEAN cần thực hiện song song các chính sách phát triển của từng quốc gia thành viên với xây dựng thể chế hợp tác khu vực. ASEAN cũng cần khởi động các lĩnh vực hợp tác một cách chủ động mà mạnh mẽ hơn nữa.

Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ tại phiên thảo luận. (Ảnh: Thành Long)
Về vai trò trung tâm của ASEAN, ông Kavi Chongkittavorn, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Thái Lan khẳng định rằng vai trò trung tâm của ASEAN “ra đời” khi ASEAN đưa thêm các cơ chế hợp tác bên ngoài ASEAN. Vai trò này bắt nguồn từ bên trong ASEAN, ngày càng được củng cố và lan tỏa ra thế giới. Do đó, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt sẽ ngày càng được quan tâm hơn.
ASEAN có thể nghĩ tới việc thúc đẩy Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) thành hình mẫu mới của thế giới, để các đối tác của ASEAN tuân theo những luật chơi mà Hiệp h ội đưa ra, xây dựng một cộng đồng vững chắc, mềm dẻo, linh hoạt, sẵn sàng đương đầu với thách thức.
Các phiên thảo luận trong ngày thứ nhất của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 diễn ra trong bầu không khí sôi động, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các quan chức, chuyên gia, học giả trong khu vực và quốc tế. Các đại biểu đã cùng tìm ra những ý tưởng mới để trả lời cho câu hỏi ASEAN phải đổi mới và thích ứng ra sao trước các thách thức đang hiện hữu.