Bên trong gói trừng phạt thứ 17 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Liên bang Nga
Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức phê duyệt gói trừng phạt thứ 17 nhằm vào Liên bang Nga vì hành vi tại Ukraine, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với gần 200 tàu thuộc 'hạm đội bóng tối'.

Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Báo The Kyiv Independent của Ukraine cho biết thông tin nêu trên được nhà ngoại giao hàng đầu EU Kaja Kallas thông báo vào ngày 20/5.
“Các biện pháp mới cũng nhằm đối phó với các mối đe dọa hỗn hợp (hybrid threats) và vấn đề nhân quyền. Nhiều biện pháp trừng phạt khác đối với Liên bang Nga đang được chuẩn bị”, bà Kallas viết trên mạng xã hội X.
Động thái này của EU được đưa ra trong bối cảnh Mỹ thể hiện sự không mặn mà với việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Liên bang Nga, mặc dù Moskva (Moscow) từ chối các đề xuất ngừng bắn do phương Tây hậu thuẫn.
Gói trừng phạt thứ 17 đã được các đại sứ EU thông qua vào tuần trước, nhưng kể từ đó đã bị chỉ trích là yếu ớt và bị “pha loãng”.
Các lệnh trừng phạt mới nhắm vào các thành viên trong giới quân sự và chính trị cấp cao của Liên bang Nga, cũng như các thực thể nước ngoài tại Trung Quốc hoặc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bị cáo buộc hỗ trợ Điện Kremlin lách các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt trước đó.
EU cũng sẽ trừng phạt hơn 20 cá nhân và tổ chức phát tán thông tin sai lệch, cùng với 20 thẩm phán và công tố viên tham gia vào các vụ án chính trị chống lại phe đối lập Liên bang Nga, cụ thể là nhà hoạt động chính trị Vladimir Kara-Murza và cố lãnh đạo đối lập Alexei Navalny.
Gói trừng phạt này cũng nhắm vào các linh kiện thiết yếu phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga, bao gồm hóa chất, vật liệu và các hàng hóa lưỡng dụng (dùng được cả trong dân sự và quân sự).
EU đã đe dọa sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nếu Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin không cam kết thực hiện lệnh ngừng bắn và không nghiêm túc tham gia vào các nỗ lực hòa bình. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tuyên bố rằng một “gói trừng phạt mạnh mẽ mới của EU” đang được chuẩn bị.
Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt bổ sung đang được phối hợp với Washington, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã có cuộc điện đàm với Putin vào ngày 19/5, cho biết ông không có ý định áp đặt các biện pháp mới đối với Moskva nhằm tránh làm gián đoạn các nỗ lực hòa bình.
Theo kênh truyền thông độc lập APP của Australia ngày 20/5, vào hôm trước (19/5), khi được hỏi tại sao không áp đặt các lệnh trừng phạt mới để ép Moskva đạt được một thỏa thuận hòa bình như từng đe dọa, ông Trump trả lời các phóng viên: “Bởi vì tôi nghĩ vẫn còn cơ hội để đạt được điều gì đó, và nếu bạn làm điều đó (áp đặt trừng phạt), bạn cũng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nhưng cũng có thể sẽ đến lúc điều đó xảy ra”.
Tổng thống Trump cho rằng trong tiến trình này có “nhiều cái tôi lớn đang can dự”.
Nếu không có tiến triển, “tôi sẽ rút lui”, ông Trump nói và nhắc lại cảnh báo rằng ông có thể từ bỏ tiến trình hòa bình. “Đây không phải là cuộc chiến của tôi”, ông Trump nhấn mạnh.