Điện Biên coi trọng sự chủ động để giảm thiểu thiệt hại thiên tai
Trao đổi trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên mới đây, Đại tá Lại Mạnh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên đặc biệt nhấn mạnh vai trò, sự chủ động của con người trước thiên tai.

Chiến sĩ các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên giúp người dân xã Mường Pồn thu dọn nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh ổn định cuộc sống sau lũ quét.
Đại tá Lại Mạnh Hùng cho rằng, khi có sự chủ động thì chúng ta có thể làm chủ mọi tình huống, chủ động ứng phó để giảm thiểu thiệt hại (tài sản, tính mạng con người) trước thiên tai.
Nhắc lại thảm họa lũ quét xảy ra tại Lào Cai năm trước, Đại tá Lại Mạnh Hùng cũng đề cập đến sự chủ động của một cá nhân đã bảo đảm an toàn tính mạng cho hơn trăm con người trong cùng thôn. Người đó là anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng.
Anh Chứ là người đã phát hiện vết nứt trên núi ngay sau thôn - dấu hiệu cho thấy nguy cơ sạt lở. Ngày 9/9/2024, cũng chính anh Chứ đã trực tiếp vận động, thuyết phục 17 gia đình với 115 nhân khẩu trong thôn di chuyển đi nơi khác dựng lán trú tạm.
Một ngày sau (10/9/2024), khi người dân thôn Kho Vàng đã di chuyển đi thì lũ tràn về, quả đồi phía sau thôn sạt lở tràn vào khu dân cư, song thật may là toàn bộ dân làng đã được di dời đến nơi an toàn, nếu không thì hậu quả thật khó lường.

Đại tá Lại Mạnh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên, thẳng thắn nêu các tồn tại trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên. (Ảnh: LÊ LAN)
Đại tá Lại Mạnh Hùng cũng chia sẻ những câu chuyện thực tế về việc chủ động ứng phó đã giảm thiểu thiệt hại về tài sản, tính mạng người dân khi thiên tai (lũ quét, lở đất) xảy ra tại địa phương.
Theo Đại tá Lại Mạnh Hùng, mới đây nhất, trong tháng 4/2025, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Tủa Chùa đã khảo sát, phát hiện có vết nứt rộng khoảng 1m x 800m tại cụm dân cư Háng Khúa, thôn Páo Tỉnh Làng, xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa).
Ngay sau đó, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã chủ động tham mưu huyện Tủa Chùa chỉ đạo các lực lượng, gồm: Quân sự, dân quân, công an, chính quyền địa phương hỗ trợ 20 gia đình di chuyển nhà cửa, tài sản khỏi khu vực nguy hiểm.
Có thêm sự hỗ trợ, góp sức của đoàn viên thanh niên, nhân dân trên địa bàn, trong vòng 20 ngày, các lực lượng đã hoàn thành giúp dân di chuyển, tránh được nguy cơ sạt lở hiện hữu đe dọa an toàn tính mạng của hàng trăm con người trong từng ngày, từng giờ.

Dân quân tự vệ và cán bộ, chiến sĩ các lực lượng tại huyện Tủa Chùa giúp các gia đình tại cụm dân cư Háng Khúa, thôn Páo Tỉnh Làng, xã Tả Sìn Thàng di chuyển nhà cửa, tài sản khỏi vùng nguy cơ sạt lở.
Vậy nhưng, ngược lại sự chủ động ứng phó là sự bị động hoặc thờ ơ, coi nhẹ thông tin cảnh báo nguy cơ thiên tai, nên khi xảy ra thiên tai hậu quả thường rất nặng nề; người ở vùng thiên tai lại lúng túng ứng phó, khắc phục.
Dẫn chứng trận lũ quét xảy ra tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên vào rạng sáng ngày 25/7/2024, làm 14 người tử vong, bị thương và thiệt hại tài sản gần 180 tỷ đồng, Đại tá Lại Mạnh Hùng cùng lãnh đạo các ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đều chung nhận định, nguyên nhân thiệt hại có phần do sự thờ ơ, chủ quan từ chính quyền địa phương và người dân sở tại.
Ai cũng rõ, trước khi lũ tràn về là bão số 2 và các thông tin mưa dông ảnh hưởng hoàn lưu sau bão liên tục được cập nhật trên các phương tiện truyền thông quốc gia, thông tin từ báo chí, truyền hình địa phương; cùng với đó là các khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp ứng phó. Thế nhưng, ngay tại xã Mường Pồn, cả người dân và cán bộ xã đều có phần chủ quan với suy nghĩ "70 năm nay chưa có lũ bao giờ". Bởi vậy, khi lũ quét tràn về, người dân đều rất hoảng loạn, không biết chạy đi đâu và chạy đường nào; chính quyền xã cũng lúng túng, bị động.
"Thế rồi, sau khi cơn lũ đi qua thì ngay tại vùng lũ người dân lại thờ ơ, phó mặc việc khắc phục hậu quả cho bộ đội, các lực lượng cứu hộ và các gia đình bị nạn. Sự thờ ơ của người dân nơi đây đã ảnh hưởng nhiều đến thời gian, kết quả khắc phục hậu quả bão lũ", Đại tá Lại Mạnh Hùng thẳng thắn đề cập biểu hiện thờ ơ của một bộ phận người dân ở vùng lũ Mường Pồn.
Đồng tình với ý kiến, nhận định của Đại tá Lại Mạnh Hùng về sự chủ động của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị, mỗi địa phương có vai trò rất quan trọng trong ứng phó, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, đại diện lãnh đạo các ngành: công an, bộ đội biên phòng và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện trong tỉnh Điện Biên đều chung kiến nghị, phải coi trọng thông tin cảnh báo, truyền thông nguy cơ thiên tai đến từng vùng, từng điểm dân cư, từng gia đình và đến mỗi người dân.
Bám theo nội dung thông tin cảnh báo, nguy cơ thiên tai, chính quyền địa phương (huyện, xã) phải chủ động hướng dẫn biện pháp ứng phó, phòng tránh đến từng điểm dân cư để mỗi người dân đều nắm bắt rõ thông tin, từ đó họ chủ động thực hiện phòng tránh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Làm được như thế thì chúng ta mới mong giảm thiểu thiệt hại và khắc phục khẩn trương, hiệu quả hơn.
Sau thiên tai, chính quyền địa phương cần tổ chức ngay việc xem xét, đánh giá, rút kinh nghiệm từ khâu thông tin cảnh báo, tuyên truyền, ứng phó và khắc phục để từ đó chỉ rõ cá nhân nào, tổ chức nào làm tốt để biểu dương, khen thưởng; đồng thời phải chỉ rõ cá nhân nào, tổ chức nào, địa phương nào làm chưa tốt, chưa tròn trách nhiệm để nghiêm túc phê bình, tránh tình trạng "khen chung chung, phê không cụ thể", nên ai cũng thấy "như không phải phê mình", và rồi mọi việc lại lặng lẽ trôi qua như chưa hề có thiên tai xảy ra.