Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 17/2
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 17/2/2025.
Nga tuyên bố chiếm thêm ngôi làng quan trọng tại Donetsk: Các lực lượng Nga vừa tuyên bố họ đã chiếm được ngôi làng Berezivka ở tỉnh Donetsk (Đông Ukraine), đánh dấu bước thay đổi tiềm tàng trong xung đột Nga - Ukraine.
![Lính Nga trên mặt trận Đông Ukraine. Đồ họa: RT.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_17_65_51491929/ec9f9ec1b28f5bd1029e.jpg)
Lính Nga trên mặt trận Đông Ukraine. Đồ họa: RT.
Mặc dù Berezivka chỉ là một khu định cư nhỏ, việc Nga chiếm được làng này có thể là dấu hiệu về bước tiến rộng lớn hơn của Moscow trên toàn tỉnh Donetsk. Hiện giới chức Ukraine chưa phản ứng về tuyên bố của phía Nga.
"Chỉ Tổng thống Nga và Mỹ mới quyết định được vấn đề Ukraine": Một chuyên gia Nga cho hay, chỉ có Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Trump mới đưa ra lời quyết định cuối cùng cho vấn đề Ukraine. Theo chuyên gia này, quan hệ Nga - Mỹ luôn ở cấp “tổng thống”.
Khi được hỏi về những định dạng cho việc Nga thảo luận vấn đề Ukraine với Mỹ và phương Tây tập thể, ông Dynkin - người đứng đầu “Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế Primakov”, nói: “Những định dạng như vậy đã bắt đầu vận hành giữa các cơ quan liên quan của hai nước”. Tuy nhiên, ông lưu ý: Quan hệ với Mỹ luôn ở cấp “tổng thống”. Do vậy tiếng nói mang tính quyết định cuối cùng là thuộc về Tổng thống Putin và Tổng thống Trump.
Hungary cảnh báo các thế lực làm trệch tiến trình hòa bình Ukraine: Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto vừa cảnh báo rằng việc chấm dứt xung đột Ukraine chưa bao giờ lại gần đến thế nhưng có những thế lực tại châu Âu đang muốn phá hoại quá trình này.
Trao đổi với đài truyền hình Hungary DTV mới đây, Ngoại trưởng Hungary bày tỏ lạc quan thận trọng về giải pháp cho xung đột Nga - Ukraine. Ông Szijjarto hoan nghênh cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin, cũng như việc họ nhất trí gặp gỡ trực tiếp trong tương lai gần.
G7 cam kết hòa bình lâu dài cho Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich: Ngày 15/2, trong một tuyên bố chung, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cam kết hợp tác để giúp đạt được hòa bình lâu dài tại Ukraine, cũng như xây dựng nước này trở nên hùng mạnh và thịnh vượng.
Các ngoại trưởng Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ, cùng đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu, đã nhóm họp hôm thứ 7 (15/2) bên lề Hội nghị An ninh Munich. Phiên họp có sự tham dự của Ngoại trưởng Ukraine, Andrii Sybiha.
Các thành viên G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ủng hộ Ukraine cũng như các biện pháp hạn chế kinh tế nhằm vào Nga, bao gồm đóng băng tài sản và kiểm soát xuất khẩu.
Ukraine đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong tiến trình đàm phán hòa bình: Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha và Chánh văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky, ông Andriy Yermak đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh Munich.
Trong một bài viết được đăng trên trang cá nhân X mới đây, ông Andriy Yermak đã ca ngợi Trung Quốc vì "lập trường nguyên tắc" của nước này đối với "các mối đe dọa hạt nhân" của Nga.
“Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn với Ukraine trong việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững. Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc đạt được hòa bình”, ông Yermak cho biết.
Tổng thống Zelensky: "Mỹ chưa bao giờ thực sự muốn Ukraine gia nhập NATO": Tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61, trong một phiên thảo luận với các thượng nghị sĩ Mỹ, Tổng thống Zelensky bày tỏ thất vọng khi cho rằng "Mỹ chưa bao giờ thực sự muốn Ukraine gia nhập NATO".
Ông Zelensky từ chối ký thỏa thuận đất hiếm với Mỹ: Nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky đã từ chối ký một thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận khoáng sản đất hiếm của nước này, Washington Post và Reuters đưa tin.
Theo Washington Post, một phái đoàn các nghị sĩ Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich đã đề nghị Tổng thống Ukraine ký một thỏa thuận chuyển giao cho Mỹ 50% tài nguyên khoáng sản trong tương lai của Ukraine, song ông lịch sự từ chối.
Ông Trump và Putin có thể sẽ gặp nhau ở Saudi Arabia: Reuters ngày 15/2 đưa tin, các quan chức Mỹ và Nga dự kiến sẽ gặp mặt tại Saudi Arabia trong những ngày tới để bắt đầu tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt xung đột đột Nga-Ukraine.
Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết Ukraine không được mời tham dự các cuộc đàm phán ở Saudi Arabia và Kiev sẽ không hợp tác với Nga trước khi tham vấn với các đối tác chiến lược.
Ngoại trưởng Mỹ Rubio, Cố vấn an ninh quốc gia Waltz và Đặc phái viên Nhà Trắng về Trung Đông Witkoff sẽ tới Saudi Arabia. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Nga sẽ cử nhân vật nào tới cuộc gặp này.
Mỹ gạt châu Âu ra khỏi đàm phán hòa bình Ukraine: Ông Kellogg - Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Trump về tình hình Ukraine, hôm 15/2 cho biết châu Âu sẽ không có ghế trong cuộc đàm phán về hòa bình Ukraine.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Mỹ gửi cho các nước châu Âu bảng câu hỏi về những gì họ có thể đóng góp nhằm bảo đảm an ninh cho Ukraine.
Khi được hỏi về triển vọng đại diện châu Âu có mặt tại bàn đàm phán hòa bình, Đặc phái viên Kellogg nói: “Tôi thuộc trường phái thực tế. Tôi cho rằng điều đó sẽ không xảy ra”.
Phản ứng của ông Zelensky khi bị Nga-Mỹ gạt ra khỏi đàm phán: Phát biểu tại hội nghị an ninh Munich ngày 15/2, Tổng thống Ukraine Zelensky khẳng định nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ một thỏa thuận được thực hiện đằng sau lưng và cuộc xung đột Ukraine không thể được quyết định chỉ với “một vài nhà lãnh đạo”.
Tuyên bố của Tổng thống Ukraine nhằm ngầm chỉ trích những cuộc thảo luận giữa Nga - Mỹ về cuộc xung đột Ukraine mà không có sự có mặt của nước này.
Ngoại trưởng Anh: Mỹ và Ukraine nên tăng cường quan hệ đối tác: Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Munich ngày 15/2, Ngoại trưởng Anh David Lammy cho biết ông sẽ khuyến khích Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Ukraine Zelensky tăng cường quan hệ đối tác trong tương lai. Để nhận được các đảm bảo an ninh, Ukraine và Mỹ cần ràng buộc các lợi ích kinh tế.
Ba Lan kêu gọi châu Âu lập kế hoạch khẩn cấp đối với Ukraine: Ngày 15/12, trên tài khoản cá nhân, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã thúc giục các quốc gia châu Âu xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp của riêng khối này đối với Ukraine, nếu không các cường quốc trên thế giới sẽ có thể quyết định số phận của châu Âu.
Thủ tướng Tusk cho rằng châu Âu cần lên một kế hoạch hành động khẩn cấp liên quan đến Ukraine và an ninh của châu lục, nếu không những thế lực khác sẽ quyết định tương lai của châu Âu. Ông cũng kêu gọi các quốc gia châu Âu cần lên kế hoạch ngay lập tức để đảm bảo lợi ích chung.