Điểm nóng xung đột ngày 20-2: Tổng thống Trump thực sự muốn gì trong đàm phán về Ukraine?
Tổng thống Mỹ Donald Trump gấp rút tìm cách đạt thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột Ukraine dù có thể không đảm bảo lợi ích của Brussels và Kiev.
Căng thẳng giữa Mỹ và đồng minh bị đẩy lên cao sau khi ông Trump quyết định gạt Ukraine và châu Âu ra khỏi vòng đàm phán với Nga, diễn ra tại Ả Rập Saudi hôm 18-2.
Cuộc gặp kéo dài hơn 4 giờ và được một thành viên trong đoàn đàm phán của Moscow mô tả là "tích cực".
Với việc cố gắng đạt thỏa thuận với Nga, ông Trump dường như đang nuôi hy vọng có thể sớm giành được thắng lợi chính trị để củng cố hình ảnh và xây dựng con đường dẫn đến giải Nobel Hòa bình.
Nhưng theo các chuyên gia, để xung đột có được cái kết công bằng cho mọi bên là điều khó xảy ra một sớm một chiều, bởi nó liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Ukraine và an ninh của châu Âu.

Các nhà ngoại giao Nga và Mỹ trao đổi sau cuộc gặp tại Riyadh, Ả Rập Saudi. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga.
Hành động và phát ngôn của ông Trump trong quá khứ khiến nhiều người lo ngại ông có thể chấp nhận thỏa thuận bất lợi cho Ukraine chỉ để sớm tuyên bố thắng lợi chính trị.
Ông từng công khai nói rằng Ukraine không thể giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất và cũng từng đề xuất Mỹ có quyền kiểm soát một phần tài nguyên đất hiếm của Ukraine như một phần của thỏa thuận hòa bình. Đề nghị này vừa bị phía Kiev bác bỏ.
Ngoài ra, ông Trump còn tỏ ra cảm thông với một số luận điểm của Nga, đồng thời quay lưng với các đồng minh châu Âu - những nước đã cùng Mỹ chung tay viện trợ cho Ukraine sau khi chiến sự bùng nổ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth thậm chí còn tuyên bố châu Âu nên tự chịu trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình sau này, ám chỉ Mỹ có thể giảm bớt vai trò trong khu vực.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích hội đàm Mỹ - Nga hôm 18-2 vì không có mặt của đại diện Ukraine, theo Guardian. Ảnh: Anadolu
Trước thềm cuộc đàm phán tại Ả Rập Saudi, Tổng thống Putin đã tạo bầu không khí thuận lợi bằng cách trao cho ông Trump một số "chiến thắng" như việc trả tự do cho một số tù nhân Mỹ.
Ông Trump cũng tin rằng sau cuộc điện đàm với ông Putin vào tuần trước, Nga đã cam kết với Mỹ sẽ tiến hành đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân quy mô lớn.
Giới quan sát chỉ ra rằng điều ông Trump đang cố gắng thực hiện là canh bạc mạo hiểm cho phương Tây và có thể chính là điều Nga mong muốn. Nếu được tiến hành trong nóng vội, thỏa thuận hòa bình Ukraine có thể gây bất lợi cho châu Âu và gieo mầm mống bất ổn cho tương lai - theo đài CNN.