Điện ảnh Việt 2025: Hành trình còn lắm gian nan
Ngành điện ảnh Việt Nam năm 2024 ước đạt doanh thu hơn 4.400 tỷ đồng, với sự đóng góp của hai 'bom tấn' phòng vé là 'Mai' và 'Lật mặt 7: Một điều ước', chiếm 1/4 tổng doanh thu của năm.
Đã có tín hiệu cho thấy sự trở lại của điện ảnh sau dịch Covid-19 khi doanh thu năm 2024 đã vượt qua kỷ lục của năm 2019. Tuy vậy, vẫn còn không ít khó khăn, đặc biệt là mối lo về rào cản chi phí có thể cản đường nhà làm phim Việt trong năm 2025.
Nỗi lo tăng thuế
Phim Việt vẫn nằm trong top doanh thu năm nay, cùng với phim Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và các "bom tấn" Hollywood. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi ngành điện ảnh sẽ phải đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt là Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, quy định các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim sẽ chịu mức thuế 10% thay vì 5% như trước.
Theo một số chuyên gia, chúng ta không nên quá vui mừng với con số 4.400 tỷ đồng doanh thu của ngành điện ảnh, bởi nhìn tổng thể, chỉ có một vài phim đạt doanh thu cao, còn lại là các tác phẩm "đều đều", thậm chí có doanh thu “lẹt đẹt”. Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới mọi hoạt động sản xuất phim, có thể khiến một số nhà làm phim đặt mục tiêu kiếm tiền lên trên hết. Bởi vậy, thông điệp mới về thuế đã vô tình kích thích xu hướng thị trường hóa sản phẩm nghệ thuật, làm cho những nghệ sĩ đang khó tiếp cận công chúng lại càng khó hơn.
Có một nghịch lý là Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh mặc dù được quy định trong Luật Điện ảnh sửa đổi nhưng đến nay vẫn chưa được thực thi, trong khi quy định về thuế lại được triển khai và tạo ra tác động ngay tức thì. Có ý kiến cho rằng: Số tiền thu thêm từ khoản tăng thuế có thể đưa vào Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, dùng để làm thêm những bộ phim mới hay giúp đỡ những "tiếng nói" khác trong điện ảnh - mảng phim nghệ thuật hay những bộ phim có ngân sách thấp, của những đạo diễn đầu tay, thì sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Nhiều nghệ sĩ cũng lên tiếng rằng nên cho điện ảnh thêm 5 - 10 năm nữa để trở thành ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa, thu về nhiều nguồn lợi hơn nữa, rồi mới tính đến chuyện thu thuế như thế nào. Điện ảnh Việt đang là một “tiếng nói” rất nhỏ so với những nền điện ảnh lớn trên thế giới. Nếu không có chính sách hỗ trợ, trong đó có ưu đãi thuế thì liệu rằng, trong tương lai, “tiếng nói” ấy có thể vang xa được hay không?
Nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan (Giám đốc HK film) cho rằng, với một ngành nghề như điện ảnh có nhiều rủi ro thì trong việc tăng thuế, nếu không cân nhắc đến đặc thù ngành nghề, có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất phim, đặc biệt là với những dự án cần nguồn vốn lớn và thời gian dài để hoàn thiện. Thuế suất cao hơn có thể dẫn đến sự cắt giảm về chất lượng hoặc số lượng các dự án, tạo áp lực lên khán giả qua việc tăng giá vé hoặc giảm số lượng phim được chiếu rộng rãi. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc đầu tư vào các ý tưởng độc đáo, mà còn khiến các nhà làm phim trẻ gặp trở ngại lớn khi bước vào thị trường.
Hướng đến một nền điện ảnh thị trường
Điện ảnh là một trong những mũi nhọn của công nghiệp văn hóa. Tuy vậy, hoạt động sản xuất phim tập trung ở phía Nam, chủ yếu vốn do tư nhân đầu tư. Nhà nước đặt hàng những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng, lịch sử, tương đối khiêm tốn với khoảng 1 - 2 phim/năm.
Hà Nội có nhiều tiềm lực để phát triển điện ảnh với nhiều cảnh đẹp và kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể giá trị làm nên hồn cốt của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Nhưng có lẽ, song song với phát triển điện ảnh với các sản phẩm mang đặc trưng của mình, Hà Nội cần tập trung chuyển mình, linh hoạt và thích ứng tốt hơn nữa, đặc biệt là tạo ra các cơ chế hấp dẫn để thu hút các đoàn làm phim trong và ngoài nước. Nếu thủ tục cấp phép quay phim, ghi hình linh hoạt, chúng ta sẽ tạo điều kiện cho các nhà làm phim đến và quảng bá cho Hà Nội. Đó là chưa kể việc triển khai Luật Thủ đô 2024 với cơ chế hợp tác công tư tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng phim trong nước kết hợp với hãng phim nước ngoài, các hãng phim nhà nước kết hợp với các hãng phim tư nhân, có thể mở ra cánh cửa mới cho điện ảnh Hà Nội cất cánh.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định: “Ngành Văn hóa đang gặp không ít khó khăn từ sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm văn hóa nghệ thuật từ nước ngoài, trong khi thị hiếu, nhu cầu của công chúng ngày càng cao. Với điện ảnh, vẫn còn những quan niệm rằng đây là lĩnh vực giải trí đơn thuần. Theo tôi, trong thời gian tới, điện ảnh nên tập trung vào việc tự cứu mình trước”.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định: Khi phát triển công nghiệp văn hóa, đầu tư chưa chắc đã có tác phẩm xứng tầm nhưng không đầu tư thì sẽ không có gì cả. Công nghiệp văn hóa thu được tiền với nguồn lợi khổng lồ nếu như đáp ứng được mong muốn của thị trường cũng như sự kỳ vọng của khán giả. Tất nhiên, không thể khẳng định rằng phim ăn khách là có giá trị cao. Nhưng nếu phim không hay theo cách cảm nhận của khán giả thì họ sẽ không đến rạp. Vì thế, chúng ta cần hướng đến một nền điện ảnh lành mạnh, điện ảnh thị trường với nhiều thể loại phim, nhiều cách kể chuyện khác nhau để khán giả có nhiều lựa chọn.