Điểm sáng ngoại giao kinh tế tạo đòn bẩy thu hút dự án đầu tư mới
Năm 2024, ngoại giao kinh tế trở thành điểm sáng trong công tác đối ngoại, tạo đòn bẩy thu hút dự án đầu tư mới; tranh thủ được các đối tác lớn trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Nhân dịp đầu Xuân Ất Tỵ 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ về kết quả nổi bật của ngoại giao kinh tế của Việt Nam năm 2024. Theo đó, ngoại giao kinh tế đã trở thành một nhiệm vụ trung tâm và cơ bản của hoạt động đối ngoại; góp phần quan trọng tạo động lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Ngoại giao kinh tế đã tận dụng tối đa các động lực tăng trưởng truyền thống như là xuất khẩu, đầu tư, du lịch. Cùng đó, khai thác hiệu quả được các lợi ích của các hiệp định thương mại tự do, các hiệp định đầu tư.
Thông qua ngoại giao kinh tế, Việt Nam khai mở được các nguồn đầu tư, nguồn tài chính mới, thị trường mới, nhất là các nguồn lực từ các khu vực như Trung Đông, Mỹ Latinh, hoặc các doanh nghiệp, quỹ đầu tư lớn.
Năm 2024, ngoại giao kinh tế trở thành điểm sáng trong công tác đối ngoại, tạo đòn bẩy thu hút dự án đầu tư mới; tranh thủ được các đối tác lớn trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Cụ thể, nội hàm kinh tế đang ngày càng chiếm số lượng lớn trong các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp khác, qua đó tranh thủ được các đối tác như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam cũng tham gia cũng tham gia các chuỗi cung ứng mới và mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Đón bắt làn sóng chuyển dịch đầu tư ở khu vực, đón làn sóng FDI chất lượng cao và ODA thế hệ mới với ưu đãi và thời gian dài hơn; mở rộng thị trường cho du lịch, lao động…
Bên cạnh đó, ngoại giao kinh tế còn giúp tham mưu kịp thời về các điều chỉnh chính sách, vấn đề mới nổi, về công nghệ, về tiêu chuẩn. Việt Nam có các đối sách phù hợp, qua đó bảo đảm an ninh kinh tế, tài chính và tiền tệ.
Trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục mới là 786,29 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục là nước trong nhóm tiếp nhận dòng vốn đầu tư FDI lớn của thế giới.
Ngành du lịch cũng đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm trước và đạt mục tiêu năm (17 - 18 triệu lượt). Đây là tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các đối tác, các nhà đầu tư và du lịch quốc tế.
Trọng tâm của ngoại giao kinh tế trong thời gian qua và sắp tới đây sẽ là nhận diện và tranh thủ cơ hội từ các xu hướng mới đang định hình trên thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, tạo lập được sự hợp tác sâu rộng với các trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới, bao gồm các quốc gia, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực mang tính đột phá như công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử…
Các thỏa thuận hợp tác với NVIDIA và các tập đoàn công nghệ số, công nghệ cao gần đây là những ví dụ điển hình. Việt Nam mong muốn xác lập được vị thế của mình trong chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất đang định hình và đưa Việt Nam thành một mắt xích quan trọng, bền vững trong chuỗi sản xuất này.
“Việt Nam đang thúc đẩy các hoạt động ngoại giao chuyên sâu, chuyên ngành, chuyên biệt như ngoại giao về công nghệ, khí hậu, nông nghiệp, hạ tầng, kinh tế số… Ngoại giao kinh tế cần tiếp tục phát huy được vai trò phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp và phục vụ địa phương với tinh thần “hiệu quả hơn, sâu sắc hơn và thực chất hơn”, với một tư duy mới là nhạy bén và sáng tạo hơn”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nhìn lại bài học của các nước đi trước, của các “con rồng, con hổ” ở châu Á thì trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam hiện nay, trọng tâm của ngoại giao kinh tế là phải làm thế nào để đưa đất nước vào vị thế tối ưu trong các xu hướng, trào lưu phát triển chính của thế giới. Thông qua đó, mở rộng không gian phát triển và kiến tạo nên những cơ hội mới cho các đột phá chiến lược của đất nước.
“Thế giới hiện nay đang đứng trước nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và khó dự báo, nhưng cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho các quốc gia tận dụng các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, khoa học - công nghệ để có thể bứt phá đi lên.
Ở trong nước, sau gần 40 năm Đổi mới, với thế và lực mới, với những yêu cầu cấp bách của thời đại, có thể nói đây chính là thời điểm để hội tụ các yếu tố để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nhấn mạnh”, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nói.