Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam Bruno Jaspaert: Sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế xanh bền vững

Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam khẳng định Việt Nam cần rất nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài ở các mảng quan trọng như năng lượng, chuyển đổi số, tăng trưởng công nghệ xanh, hệ thống vận tải xanh, đảm bảo tính bền vững về môi trường. Châu Âu là bạn đích thực của Việt Nam, và khi hai người bạn đi cùng nhau, các mục tiêu khó khăn như tại COP26 đặt ra đều có thể đạt được.

Tại Diễn đàn và triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE), ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đã có những chia sẻ về biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến đời sống của người dân và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Theo ông, nhiệm vụ của mỗi quốc gia là phải hành động để giảm thiểu các hậu quả, hướng tới sự phát triển bền vững. EU với vai trò là một trong những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng tại Việt Nam, thời gian qua đã có những thành tựu nhất định trong việc chuyển đổi xanh như chuỗi canh tác cà phê bền vững của Tập đoàn Nestlé, nhà máy LEGO của Đan Mạch tại Bình Dương đạt chứng nhận LEED (là giấy chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ)…, nhưng như vậy là chưa đủ. Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng và cần tiếp tục chuyển đổi sang nền kinh tế xanh trong thời gian tới. Vì vậy, ông Bruno Jaspaert đã đưa ra các sáng kiến hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam

Ông đánh giá như thế nào về tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

Cần phải thẳng thắn nhìn nhận về các vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt. Việt Nam đang đương đầu với ô nhiễm môi trường, có tăng trưởng kinh tế mạnh nhưng khó kiểm soát; có nguồn lao động dồi dào nhưng phải được đào tạo về kỹ năng; và cả nhu cầu lớn về năng lượng.

Ngoài ra, Việt Nam cần rất nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các nguồn FDI này nên nhắm vào các mảng quan trọng như năng lượng, chuyển đổi số, tăng trưởng công nghệ xanh, hệ thống vận tải xanh, đảm bảo tính bền vững về môi trường.

Dù vậy, tất cả những vấn đề trên đều có giải pháp. Việt Nam có nhiều bạn bè. Khi có nhiều bạn bè, càng dễ đạt được các mục tiêu qua thời gian. Châu Âu là bạn đích thực của Việt Nam, và khi hai người bạn đi cùng nhau, các mục tiêu khó khăn như tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đều có thể đạt được.

Chúng ta có tin tức tốt với thách thức liên quan đến vốn đầu tư nước ngoài. Châu Âu hiện có chương trình Global Gateway – cổng kết nối toàn cầu. Đây là một ý tưởng, để EU hỗ trợ các nước đang phát triển đang cần sự hợp tác, không chỉ từ phía chính phủ công, mà còn từ các khối tư nhân.

Vậy, EuroCham có những hỗ trợ như thế nào để kinh tế Việt Nam chuyển đổi xanh bền vững?

EuroCham đã đưa ra các sáng kiến hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á chưa có Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Hàng năm, EuroCham công bố Sách trắng với các khuyến nghị từ 20 Ủy ban ngành để hỗ trợ Việt Nam. Với vai trò là cầu nối giữa lợi ích của nhà đầu tư và tương lai phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nhiều thay đổi, chúng tôi mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững.

Ông đánh giá sao về tiềm năng Việt Nam sẽ trở thành chuỗi cung ứng bền vững?

Việt Nam hiện là điểm đến lý tưởng cho chuỗi cung ứng bền vững. Để tham gia vào chuỗi cung ứng này, các công ty cần tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng cao, mặc dù điều này có thể yêu cầu thời gian và chi phí ban đầu lớn hơn.

Trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đạt được lợi nhuận nhanh chóng từ các mô hình kinh doanh kém bền vững, nhưng về lâu dài, lợi ích sẽ đến từ việc đầu tư vào chất lượng và chứng nhận phù hợp.

Về mặt truyền thông, cũng lưu ý nên truyền tải những câu chuyện thành công từ doanh nghiệp nhỏ, thay vì chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn. Những doanh nghiệp tuy nhỏ nhưng có thể cạnh tranh và tạo ra sự khác biệt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu các công ty Việt Nam nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng xanh, họ sẽ đạt được thành công.

Một khảo sát của EuroCham mới đây cho thấy các nhà đầu tư châu Âu đang rất quan tâm đến năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và pin lưu trữ tại Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút các nhà đầu tư?

Hiện nay, Việt Nam vẫn thiếu khung pháp lý phù hợp cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Điển hình là theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt vào tháng 5/2023, Việt Nam đặt mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi đạt 6.000MW vào năm 2030. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Châu Âu gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên. Nói đúng hơn là mọi chuyện chỉ mới dừng ở khâu lên kế hoạch trên giấy, chứ chưa được tiến hành trên thực tế.

Có hai vấn đề chính cản trở đầu tư năng lượng tại Việt Nam: giá năng lượng và quy trình phê duyệt đầu tư. Theo đó, mặc dù giá năng lượng ở Việt Nam thấp, nhưng quy trình phê duyệt lại phức tạp, buộc các nhà đầu tư phải bỏ ra vốn mà không có gì bảo đảm.

Thêm vào đó, việc phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là quy trình xin cấp phép chưa rõ ràng. Nếu không có quy định cụ thể, nhà đầu tư sẽ gặp trở ngại trong việc triển khai các dự án.

Ông có thể nói rõ hơn về các thách thức trong chuyển đổi xanh tại Việt Nam?

Vấn đề lớn nhất ở đây là Việt Nam chưa có hệ thống pháp lý tương thích để đạt mục tiêu phi carbon như đã cam kết.

Việt Nam có nhiều luật, nhưng lại chưa khớp với nhau và cần nhiều thời gian để điều chỉnh. Chỉ khi nào có khung pháp lý và các quy định chặt chẽ mới có thể thu hút được các nhà đầu tư chúng ta cần, và xử lý được vấn đề cần giải quyết.

Vấn đề thứ hai là năng lượng. Việt Nam áp dụng cơ chế định giá năng lượng từ châu Âu để đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng cũng cảnh báo rằng việc duy trì giá năng lượng thấp trong bối cảnh phát triển bền vững là một thách thức lớn. Chi phí năng lượng đang rất rẻ, vốn là một trong những điểm thu hút FDI của Việt Nam. Nhưng chuyển đổi sang năng lượng xanh, sạch thường đắt đỏ. Vậy làm sao để duy trì sự cung ứng năng lượng rẻ một cách hợp lý, song song là chuyển đổi sang năng lượng sạch, đắt đỏ hơn, đây là bài toán khó cho Việt Nam.

Trung Quốc bắt đầu quay lại chuyển đổi xanh sạch, nên giá điện của Trung Quốc đắt hơn Việt Nam 30%; châu Âu có giá đắt hơn gấp 3 lần Việt Nam. Như vậy để nói rằng Việt Nam cần phải cân nhắc rất nhiều trong việc tính toán lại giá điện.

Thách thức nào trong việc triển khai mục tiêu kiến tạo tương lai xanh tại Việt Nam?

Việt Nam còn nhiều luật và chưa khớp với nhau, cho nên cần nhiều thời gian để điều chỉnh. Chỉ khi có một bộ khung pháp lý và các bộ luật của các quy định liên quan đúng đắn thì mới thu hút được các nhà đầu tư vào những lĩnh vực mà chúng ta cần được giải quyết. Hiện tại, sản xuất năng lượng tại Việt Nam là năng lượng rẻ và không sạch. Còn năng lượng chuyển đổi, năng lượng xanh thì đắt đỏ.

Chính vì lý do này cho nên việc cân bằng giữa duy trì cung ứng nguồn năng lượng rẻ một cách hợp lý và song hành việc chuyển đổi năng lượng sạch, đắt đỏ hơn chính là khó khăn đối với Việt Nam, nhưng trong mọi vấn đề, tôi tin Việt Nam luôn có các giải pháp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Hà (thực hiện)

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chu-tich-eurocham-tai-viet-nam-bruno-jaspaert-san-sang-ho-tro-viet-nam-phat-trien-nen-kinh-te-xanh-ben-vung-1104296.html
Zalo