Điểm sáng giữa cuộc khủng hoảng vì biến chủng Omicron

Các dữ liệu khoa học mới cho thấy có khả năng biến chủng Omicron không nguy hiểm như biến chủng Delta, đồng thời các loại vaccine vẫn phát huy hiệu quả bảo vệ.

Biến chủng Omicron đã tạo ra làn sóng dịch bệnh mới ở hàng loạt quốc gia khắp thế giới, buộc nhiều nước phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, cũng như đánh giá lại chiến lược mở cửa chung sống với virus.

Tuy nhiên, những tia hy vọng bắt đầu xuất hiện khi dữ liệu y tế từ một số nước cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron nhập viện thấp hơn so với biến chủng Delta, cũng như các loại vaccine vẫn mang lại hiệu quả bảo vệ trước biến chủng mới.

Tỷ lệ nhập viện thấp hơn

Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tại miền Nam châu Phi và Hong Kong cuối tháng 11. Đến nay, Omicron đã nhanh chóng trở thành chủng virus thống trị ở phần lớn các nước Tây Âu. Riêng ở Anh, Omicron khiến số ca mắc Covid-19 mỗi ngày vượt 100.000.

Omicron đã khiến nhiều nước ghi nhận làn sóng ca mắc mới tồi tệ chưa từng có. Nhưng tình trạng ca bệnh nặng phải nhập viện và tử vong ở Nam Phi và Anh từ khi Omicron xuất hiện không tăng mạnh tương đương với số ca mắc mới.

Tại Đại học Edinburgh, các nhà khoa học theo dõi 152.000 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó 22.205 người nhiễm biến chủng Omicron. Khoảng 50% bệnh nhân nhiễm Omicron dưới 40 tuổi.

Kết quả theo dõi cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nhiễm Omicron cần nhập viện điều trị thấp hơn 68% so với nhóm nhiễm biến chủng Delta.

 Nghiên cứu từ Anh cho thấy tỷ lệ người nhiễm Omicron nhập viện thấp hơn so với người nhiễm biến chủng Delta. Ảnh: Reuters.

Nghiên cứu từ Anh cho thấy tỷ lệ người nhiễm Omicron nhập viện thấp hơn so với người nhiễm biến chủng Delta. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Đại học Imperial College London công bố hôm 22/12, nguy cơ nhập viện điều trị của bệnh nhân nhiễm Omicron thấp hơn 40-45% so với bệnh nhân mắc biến chủng Delta.

Những kết quả theo dõi tương tự cũng được báo cáo từ các bệnh viện ở Nam Phi hôm 21/12. Dữ liệu do Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi (NICD) công bố cho thấy số người nhiễm biến chủng Omicron diễn biến nặng thấp hơn so với biến chủng Delta khoảng 70-80%.

Tuy vậy, các quan chức y tế thế giới cảnh báo hiện còn quá sớm để kết luận về độc lực của biến chủng Omicron.

"Chúng ta cần cẩn trọng không dựa vào những gì quan sát được ở Nam Phi để áp dụng cho phần còn lại của khu vực, hay những nơi khác trên thế giới", John Nkengasong, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, cảnh báo.

Ông Nkengasong cho rằng cần thận trọng khi phân tích và lý giải dữ liệu lạc quan do NICD cung cấp bởi đặc điểm dân số trẻ của Nam Phi.

Raghib Ali, chuyên gia nghiên cứu lâm sàng Đại học Cambridge, cho biết bởi Omicron tạo ra làn sóng ca mắc lớn, chỉ một phần nhỏ bệnh nhân nhập viện cũng sẽ nhấn chìm hệ thống y tế.

Hôm 22/12, quan chức WHO Maria van Kerkhove cho biết dữ liệu về biến chủng Omicron vẫn còn quá "lộn xộn" để có thể đưa ra một kết luận chắc chắn.

Hy vọng từ các loại vaccine

Hôm 23/12, hãng dược phẩm AstraZeneca cho biết liều 3 mũi vaccine Covid-19 có thể giúp tạo ra hệ miễn dịch hiệu quả bảo vệ con người trước biến chủng Omicron, dựa trên dữ liệu từ nghiên cứu của Đại học Oxford.

Nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm đủ 3 mũi vaccine AstraZeneca, mức độ trung hòa chống lại biến chủng Omicron tương đương với mức độ trung hòa chống lại biến chủng Delta sau khi tiêm 2 mũi vaccine.

Cũng trong ngày 23/12, Novavax cho biết dữ liệu nghiên cứu ban đầu cho thấy vaccine Covid-19 của hãng này tạo ra hệ miễn dịch bảo vệ con người hiệu quả trước biến chủng Omicron. Đến nay, Liên minh châu Âu (EU) và WHO đã phê chuẩn sử dụng vaccine của Novavax.

Các công ty sản xuất vaccine khác cũng đã công bố một số kết quả nghiên cứu về khả năng chống lại biến chủng Omicron sau khi tiêm mũi tăng cường.

Các thử nghiệm ban đầu trong phòng thí nghiệm của Pfizer và đối tác BioNTech SE cho thấy cần đến liều vaccine thứ 3 để vô hiệu hóa biến chủng Omicron. Nguyên nhân là các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy số lượng kháng thể trung hòa chống lại biến chủng này giảm 25 lần sau hai mũi tiêm.

 Các loại vaccine vẫn cho thấy hiệu quả bảo vệ trước biến chủng Omicron. Ảnh: Reuters.

Các loại vaccine vẫn cho thấy hiệu quả bảo vệ trước biến chủng Omicron. Ảnh: Reuters.

Moderna cũng nhận định rằng liều vaccine thứ 3 sẽ làm tăng số lượng kháng thể chống lại biến chủng Omicron.

Pfizer và Moderna cho biết đã bắt tay nghiên cứu loại vaccine dành riêng để đối phó với biến chủng Omicron ngay từ 25/11. Sản phẩm có thể ra mắt sớm nhất từ tháng 3/2022.

Trong khi biến chủng Omicron đã trở thành chủng thống trị ở Tây Âu, tại các khu vực khác trên thế giới, biến chủng Delta đang tiếp tục lan rộng.

Nga hiện vẫn là một trong các điểm nóng dịch bệnh tại Đông Âu. Số ca mắc Covid-19 mỗi ngày ở Nga duy trì trên 25.000, trong khi số người chết vì dịch bệnh đã vượt 600.000 hôm 23/12. Nga hiện mới chỉ ghi nhận 41 ca mắc biến chủng Omicron, cho thấy Delta vẫn đang là chủng virus thống trị.

Tại Trung Quốc, nhà chức trách đã phong tỏa thành phố Tây An từ 22/12. 13 triệu cư dân thành phố được yêu cầu tự cách ly tại nhà sau khi gần 150 ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại Tây An.

Hàn Quốc hôm 23/12 ghi nhận 109 ca tử vong vì Covid-19, đánh dấu ngày chết chóc nhất từ khi dịch bệnh bùng phát. Số người nhập viện do mắc Covid-19 diễn biến nặng cùng ngày cũng lập kỷ lục với 1.083 trường hợp.

Làn sóng dịch bệnh đang bùng lên đã khiến Thái Lan và Singapore đồng loạt tạm dừng chính sách nhập cảnh miễn cách ly với du khách nước ngoài. Lệnh tạm dừng nhập cách miễn cách ly kéo dài đến 4/1/2022 ở Thái Lan và 20/1/2022 tại Singapore.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-sang-giua-cuoc-khung-hoang-vi-bien-chung-omicron-post1285224.html
Zalo