Điểm mạnh của Đà Nẵng đến từ khả năng biến không thể thành có thể

Chia sẻ với các nhà đầu tư tham gia Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc tới điểm mạnh nhất của Đà Nẵng, đó là sự vươn lên mạnh mẽ, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

Tại sao nên đầu tư vào Việt Nam và Đà Nẵng?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã không bỏ sót phát biểu nào suốt tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, từ phát biểu của chính quyền địa phương, phát biểu của các nhà ngoại giao, đại diện các tổ chức nước ngoài, các doanh nghiệp.

Nên trong bài phát biểu của mình, ông đã thẳng vào 3 câu hỏi lớn, cũng là nội dung được Diễn đàn bàn thảo nóng nhất trong hơn 4 tiếng đồng hồ qua, để trả lời, cũng là để chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cấp chính quyền, nhưng cũng để thuyết phục các nhà đầu tư..

Đó là tại sao nên đầu tư vào Việt Nam và Đà Nẵng; các nhà đầu tư nên đầu tư vào lĩnh vực nào tại Việt Nam và Đà Nẵng; các bộ ngành, chính quyền phải làm gì, doanh nghiệp phải làm gì.

Trả lời câu hỏi tại sao doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam và Đà Nẵng, Thủ tướng khẳng định: Việt Nam đang xây dựng một nền tảng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, mọi người dân và doanh nghiệp hoạt động theo luật pháp, được luật pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp. Việt Nam cũng xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng.

Theo Thủ tướng Chính phủ, xuyên suốt việc thực hiện nền tảng này, Việt Nam lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực. Con người là mục tiêu, là nguồn lực cho sự phát triển, phát huy tối đa năng lực con người, tôn trọng quyền con người. Trong đó có người Việt Nam, người nước ngoài, có doanh nghiệp để phục vụ cho sự phát triển.

Ông cũng nhắc lại lời của Tổng Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc rất nhiều lần, đó là không hy sinh công bằng xã hội, tiến bộ xã hội, an ninh và môi trường để đổi lấy phát triển đơn thuần. Việt Nam phải phát triển bền vững, phát triển vì mục tiêu bảo vệ con người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, Việt Nam thực hiện đường lối ngoại giao độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy, vì mục tiêu hòa bình, phát triển, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

“Việc này rất quan trọng, để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư, làm việc. Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý. Là thành viên có trách nhiệm, là dân tộc yêu chuộng hòa bình. Bởi dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến, chịu đựng rất nhiều gian khổ, vì vậy rất yêu hào bình, tôn trọng quý mến bạn bè. Nhưng Việt Nam phải giữ được độc lập tự do, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Chủ động gia nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nếu không có nền kinh tế độc lập tự chủ, nếu không độc lập tự chủ, chống chọi với biến động lớn của thế giới thì không thể ngồi đây để bàn chuyện đầu tư. Việt Nam bảo vệ nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Kinh tế thành phố Đà Nẵng đã có sự phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là đất nước đang phát triển, mới 30 năm đổi mới, còn nhiều việc phải làm, còn nhiều vấn đề hạn chế như hạn chế về nguồn lực, hạ tầng, thế chế… Tuy nhiên, Việt Nam đang nỗ lực để khắc phục những hạn chế; tiếp tục công cuộc đổi mới. song song với đó là thực hiện 3 đột phá chiến lược về hạ tầng, thể chế, cải cách thủ tục hành chính và đào tạo nguồn nhân lực.

Thủ tướng cũng cho biết, nhờ cách tiếp cận đúng đắn và những giải pháp phù hợp, đề cao đoàn kết, Việt Nam đã vượt qua những giai đoạn khó khăn khi thiếu thuốc, vaccine, năng lực y tế hạn chế; đã soát dịch bệnh thành công trên phạm vi cả nước, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tự tin mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ về tình hình kinh tế chung, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh hết sức khó khăn, chịu tác động mạnh từ tình hình thế giới, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện tích cực hơn, an ninh - quốc phòng được giữ vững.

Theo dữ liệu mà Nikkei công bố cho tháng 5/2022, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14 trên thế giới về Chỉ số Phục hồi COVID-19. S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định".

Như vậy, dù trải qua cú sốc từ bên ngoài và 2 năm chống dịch vất vả, nhưng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định, lạm phát vẫn trong kiểm soát. 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam phát triển khả quan. Đời sống nhân dân cải thiện tích cực hơn, thu nhập bình quân đầu người tăng, tín nhiệm quốc tế cũng tăng cao…

Việt Nam đang đẩy mạnh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chưa bao giờ việc xây dựng các tuyến đường cao tốc được triển khai mạnh mẽ như hiện nay.

Cùng với đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Điểm mạnh của Đà Nẵng đến từ khả năng biến không thể thành có thể

Chia sẻ với các nhà đầu tư tham gia Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc tới điểm mạnh nhất của Đà Nẵng, đó là sự vươn lên rất mạnh mẽ trong 25 năm qua, sau khi chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phố đã và đang “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.

“Ai nhìn thấy Đà Nẵng cách đây 25 năm sẽ cảm nhận điều đó rất sâu sắc sự đổi thay, phát triển của Thành phố”, Thủ tướng chia sẻ.

Vì vậy, nhắc đến một số lĩnh vực mà Việt Nam và Đà Nẵng đang ưu tiên thu hút đầu tư, như công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp dược, trang thiết bị y tế, các ngành công nghiệp nền tảng như chế biến chế tạo, vật liệu, các ngành đổi mới, sáng tạo, phát triển thị trường vốn… , người đứng đầu Chính phủ cho rằng, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn, có thể có kiến nghị, đề xuất nếu gặp khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chínhdự Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022

Thủ tướng khẳng định, thị trường Việt Nam phát triển lành mạnh. Đồng thời nhấn mạnh quan điểm “không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm nhưng đồng thời bảo vệ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chân chính trên thị trường vốn, thị trường bất động sản…

Vì thực tế, cho dù Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhưng chưa thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống; đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục kiến nghị, đề xuất với các cơ quan, các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hơn nữa các cơ chế, chính sách.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm nhưng đồng thời bảo vệ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chân chính trên thị trường vốn, thị trường bất động sản…

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc đến câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đặt ra, đó là các bộ ngành, chính quyền phải làm gì để doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam an toàn, lành mạnh và cùng phát triển; doanh nghiệp phải làm gì để cùng phía Việt Nam xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục phát huy mạnh mẽ những kết quả đã đạt được, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Các cấp, các ngành phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, đặc biệt là đẩy mạnh, tích cực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính với doanh nghiệp và người dân.

Thành phố Đà Nẵng đã vươn lên mạnh mẽ.

Phát biểu tại Diễn đàn, với hàng trăm nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang tham dự, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam và Đà Nẵng.

Trên tinh thần là “chân thành, tin cậy và trách nhiệm”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, luôn “tự hào và vinh dự” khi lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư, thực hiện thật tốt những gì đã cam kết, “đã nói là làm, đã làm là hiệu quả”, cùng nhau chiến thắng, cùng Việt Nam hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, huy động tối đa mọi nguồn lực, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra tới năm 2025, 2030, 2045 xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

“Đà Nẵng phải phát huy những điều đã làm được, tự lực, tự cường. Đất nước Việt Nam cũng thế và Đà Nẵng cũng thế, phải độc lập tự cường vươn lên. Tuy nhiên, không thể thiếu nguồn lực bên ngoài. Chúng ta cần tích cực hội nhập, các bộ ngành phải phối hợp chặt chẽ, tập trung cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Đối với doanh nghiệp, với sự tin cậy, chân thành, đã cam kết phải thực hiện đầu tư trên tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ. Sự thành công của doanh nghiệp, cũng là thành công của Việt Nam. Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng nước Việt Nam độc lập, hùng cường và thịnh vượng, nhân dân ấm no hạnh phúc”, Thủ tướng chia sẻ.

Hoàng Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/diem-manh-cua-da-nang-den-tu-kha-nang-bien-khong-the-thanh-co-the-d168499.html
Zalo