Chiến dịch truyền thông: Giải pháp nâng cao nhận thức cho người dân miền núi

Trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông thiết thực, góp phần lan tỏa các mục tiêu của Dự án 8 tới các hội viên, phụ nữ và cộng đồng.

 Hội LHPN tỉnh tổ chức chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng môi trường an toàn đối với phụ nữ và trẻ em tại huyện Na Rì.

Hội LHPN tỉnh tổ chức chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng môi trường an toàn đối với phụ nữ và trẻ em tại huyện Na Rì.

Chiến dịch truyền thông là một trong những hoạt động được ưu tiên khi thực hiện giải pháp tuyên truyền trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), giai đoạn 2021-2025. Thông qua chiến dịch truyền thông, nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với cuộc sống của từng người dân và cả cộng đồng được nâng lên, từ đó làm đổi thay chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Chiến dịch truyền thông cũng là một phần không thể thiếu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

 Hội LHPN huyện Chợ Đồn phát động chiến dịch truyền thông về xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Hội LHPN huyện Chợ Đồn phát động chiến dịch truyền thông về xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Để đạt được mục tiêu đề ra, chiến dịch truyền thông của Dự án 8 đã được Hội LHPN tỉnh xây dựng, thiết kế bài bản, nội dung phong phú, phù hợp, linh động và được truyền tải thông qua nhiều phương tiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào vùng DTTS&MN về những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em cần được giải quyết.

Hội LHPN tỉnh tổ chức chiến dịch truyền thông điểm cấp tỉnh, mời Hội LHPN các huyện, thành phố đến tham gia, học tập kinh nghiệm; đồng thời trực tiếp hướng dẫn hỗ trợ Hội LHPN các cấp chuẩn bị các điều kiện (như địa điểm, hậu cần, trang trí khánh tiết, chương trình, kịch bản, nội dung truyền thông, thành phần, số lượng…) đảm bảo cho chiến dịch truyền thông tổ chức đạt hiệu quả…

 Diễu hành hưởng ứng chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới.

Diễu hành hưởng ứng chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới.

Tại các buổi truyền thông, đại biểu đã được tuyên truyền về bình đẳng giới, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, các giải pháp giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em; tham gia diễu hành hưởng ứng chiến dịch truyền thông trên các trục đường chính, nơi có đông dân cư sinh sống để lan tỏa rộng rãi các thông điệp truyền thông trong cộng đồng...

Các chiến dịch truyền thông được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở, góp phần đưa dự án 8 đi vào cuộc sống; hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, từng bước ngăn chặn và giảm dần tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững...

Đến nay, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tổ chức được 296 chiến dịch truyền thông, thu hút trên 21.000 đại biểu tham dự. Bên cạnh hoạt động truyền thông trực tiếp, Hội LHPN các cấp còn đẩy mạnh truyền thông gián tiếp thông qua hệ thống loa truyền thanh ở địa phương, mạng xã hội. Trên trang Fanpage của các tổ chức Hội thường xuyên đăng tải các tin, bài về Dự án 8; xây dựng các video, phóng sự tuyên truyền về những vấn đề xã hội đang được quan tâm bằng tiếng phổ thông, tiếng Tày, tiếng Mông.

Trong thời gian tới, Hội LHPN các cấp trong tỉnh tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án 8 để phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể các cấp; đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như tổ chức hội thi, đối thoại, diễn đàn, giao lưu, tập huấn,... nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Công tác tuyên truyền thông qua các chiến dịch truyền thông của Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, giúp hội viên, phụ nữ, trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn về Dự án 8. Qua đó, tạo đồng thuận, chuyển biến trong nhận thức và hành động thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện thuận lợi trong chăm sóc và giải quyết những vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Ngọc Lan (Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn)

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/chien-dich-truyen-thong-giai-phap-nang-cao-nhan-thuc-cho-nguoi-dan-mien-nui-post67591.html
Zalo