Điểm hẹn vì hòa bình và phát triển bền vững
'Một chương mới trong quan hệ Sri Lanka-Việt Nam!' , Tổng thống Anura Kumara Dissanayaka chia sẻ như vậy khi bắt đầu chuyến thăm từ ngày 4-6/5. Lịch trình bận rộn với những cuộc gặp cấp cao tại Hà Nội, chuyến thăm chùa Bái Đính ở Ninh Bình đến Lễ khai mạc Đại lễ Vesak 2025 tại TP. Hồ Chí Minh khắc sâu một dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương.

Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka và các đại biểu dự Lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025. (Nguồn: TTXVN)
Việt Nam mở đầu tháng Năm đầy ý nghĩa khi tiếp đón Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka thăm cấp Nhà nước và đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) 2025.
Từ niềm tin đến quyết tâm chung
Diễn ra từ ngày 4-6/5, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam và dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc của Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường mang nhiều ý nghĩa. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trong vòng 16 năm qua của một nguyên thủ quốc gia Sri Lanka, cá nhân Tổng thống Anura Kumara Dissanayaka kể từ khi nhậm chức vào tháng 9/2024 và đặc biệt hơn khi diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/7/1970-21/7/2025).
Tại Thủ đô Hà Nội, Tổng thống Anura Kumara Dissanayaka đã dự lễ đón trọng thể và hội đàm, hội kiến với các Lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam.
Trong các cuộc tiếp xúc, Tổng thống Anura Kumara Disanayaka đều nhấn mạnh về quan hệ hữu nghị khăng khít, gắn bó và luôn ủng hộ lẫn nhau qua các thời kỳ lịch sử giữa hai nước, đồng thời bày tỏ kỳ vọng đưa quan hệ song phương phát triển lên những nấc thang mới.
Chia sẻ niềm tin này, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định với những thế mạnh của mình, Việt Nam mong muốn đồng hành và hợp tác với Sri Lanka trong phát triển kinh tế - xã hội. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường hơn nữa tin cậy và gắn kết giữa hai quốc gia, hai Đảng cầm quyền, thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tăng cường hợp tác, kết nối nhân dân hai nước, tiếp nối tình hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam và Sri Lanka – đất nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần dừng chân trong quá trình tìm đường cứu nước.

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka tại Phủ Chủ tịch, ngày 5/5. (Ảnh: Thành Long)
Trong khi đó, Chủ tịch nước Lương Cường và nguyên thủ Sri Lanka nhấn mạnh cần nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, đặc biệt là Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật để rà soát và đề ra biện pháp hợp tác cụ thể; sửa đổi, bổ sung, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác phù hợp với tình hình mới, nghiên cứu khả năng nâng cấp quan hệ.
Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa hai nước; mở rộng hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, an ninh lương thực, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, tôn giáo, y tế, du lịch, giao lưu nhân dân; đồng thời tăng cường chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế biển, vận tải biển, kết nối hàng hải; khuyến khích các hãng hàng không mở đường bay thẳng.
Trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, hai nước tiếp tục truyền thống phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và khu vực, nhất là tại Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, hợp tác Nam - Nam cũng như trong các vấn đề cùng quan tâm.
Quyết tâm thúc đẩy gắn kết hai nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Anura Kumara Disanayaka nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1 tỷ USD, tiến tới xem xét ký Thỏa thuận thương mại tự do song phương, Hiệp định bảo hộ và khuyến khích đầu tư trong thời gian tới. Trong kỷ nguyên mới, hai bên sẽ tăng cường mở rộng hợp tác về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ mới.
Đánh giá cao hợp tác giữa cơ quan lập pháp của hai nước thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh việc Quốc hội Sri Lanka thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị Sri Lanka-Việt Nam và mong muốn hai bên sớm ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Quốc hội, qua đó thúc đẩy hơn nữa các hoạt động tiếp xúc cấp cao, trao đổi kinh nghiệm lập pháp và giám sát, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.
28 điểm của Tuyên bố chung Việt Nam-Sri Lanka thể hiện rõ quyết tâm kế thừa tình hữu nghị nồng ấm và sự gắn kết sâu sắc từ các giá trị, niềm tin chung, từ đó tạo đột phá cho quan hệ song phương trong tương lai. Quyết tâm này phần nào gửi gắm qua năm văn kiện hợp tác ký kết nhân dịp này trong các lĩnh vực ngoại giao, thương mại, hải quan, nông nghiệp và chế tạo máy.
Một hoạt động điểm nhấn khác của Tổng thống Sri Lanka tại Thủ đô Hà Nội là cùng Chủ tịch nước Lương Cường thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và thả cá chép tại ao cá Bác Hồ, thể hiện sự kính trọng, trân quý đối với Lãnh tụ Việt Nam - Người đã được dựng tượng đài ở Thủ đô Colombo. Qua đó, khẳng định những giá trị văn hóa Hồ Chí Minh tiếp tục trở thành cầu nối cho quan hệ gắn bó Việt Nam-Sri Lanka ngày càng phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.
Thắp sáng đoàn kết và bao dung
Mối lương duyên giữa Việt Nam và Sri Lanka một lần nữa được tô đậm với lịch trình tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tại TP. Hồ Chí Minh của Tổng thống Anura Kumara Dissanayake. Việc Tổng thống Anura Kumara Dissanayake tham dự Đại lễ với tư cách là khách chính và có bài phát biểu tại phiên khai mạc khẳng định sự coi trọng của Sri Lanka đối với sự kiện do Việt Nam đăng cai tổ chức, đồng thời đề cao hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong lĩnh vực Phật giáo.
Việt Nam là đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời, gắn bó sâu sắc với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong suốt hơn 2.000 năm qua, Phật giáo đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, tâm linh người Việt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam nêu cao tinh thần “hộ quốc an dân”, đồng hành cùng dân tộc. Những giá trị như lòng yêu nước, tinh thần khoan dung, ý thức hướng thiện của Phật giáo thấm sâu vào tâm hồn người Việt và góp phần hun đúc bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đây là lần thứ tư Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được tổ chức tại mảnh đất hình chữ S và là lần đầu tiên diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, nơi vừa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) - biểu tượng sống động của khát vọng hòa bình, hòa hiếu, của hành trình dân tộc Việt Nam vượt qua chia cắt và hận thù, gác lại quá khứ để hướng tới một tương lai đoàn kết, hòa hợp, tốt đẹp và thịnh vượng.
Diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) vào mùa sen nở rộ, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm nay đón tiếp hơn 2.700 đại biểu, trong đó có khoảng 1.200 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”, Đại lễ năm nay lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa trong bối cảnh thế giới đầy biến động khó lường và nhân loại đang phải chịu nhiều khổ đau do tác động của xung đột, biến đổi khí hậu, khủng hoảng môi trường, thiên tai, động đất, lũ lụt, dịch bệnh và nghèo đói.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Chủ tịch nước Lương Cường tại sự kiện khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025. (Ảnh: Phan Hải)
Phát biểu khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka tin rằng Đại lễ Vesak tại Việt Nam sẽ là dịp để cộng đồng Phật tử toàn cầu cùng nhau lan tỏa ánh sáng chánh pháp, vượt qua thách thức thời đại.
Đề cao ý nghĩa chủ đề của Đại lễ năm nay, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mong muốn những người con Phật khắp thế giới đoàn kết, hòa ái và tích cực cùng nhân loại kiến tạo thế giới thái bình, an lạc.
Qua thông điệp video nhân dịp này, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho rằng những nguyên lý vượt thời gian của Đức Phật cần tiếp tục soi sáng con đường chung của nhân loại, qua đó cộng đồng quốc tế cần hàn gắn những chia rẽ, vun đắp tình đoàn kết và cùng nhau hành động vì thế giới hòa bình, bền vững và hòa hợp hơn.
Trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 diễn ra hàng loạt hoạt động, sự kiện như triển lãm văn hóa Phật giáo; hội thảo khoa học quốc tế; đêm hội hoa đăng quốc tế cầu quốc thái dân an, hòa bình thế giới; lễ tắm Phật truyền thống; các chương trình biểu diễn nghệ thuật… Đặc biệt, xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bảo vật quốc gia Ấn Độ, được cung thỉnh và xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức lần đầu tiên được cung rước về tôn trí tại Đại lễ năm nay để các tăng ni Phật tử và người dân đến chiêm bái.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20 tại Việt Nam không chỉ là lễ hội của cộng đồng Phật tử mà còn là sự kiện lan tỏa thông điệp đoàn kết, bao dung, hòa bình và hợp tác giữa các dân tộc, tôn giáo trên toàn thế giới. Qua đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến tin cậy, là quốc gia giàu bản sắc, hòa bình, phát triển, hội nhập và luôn đồng hành cùng các giá trị tiến bộ toàn cầu.