Khám chữa bệnh miễn phí: Cần sửa toàn diện Luật Bảo hiểm y tế
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại Hội thảo 'Nâng cao hơn nữa quyền lợi bệnh nhân trong chẩn đoán, điều trị' do Báo Tiền phong tổ chức ngày 8/5 tại Hà Nội. Định hướng trên nhằm cụ thể một số nội dung tiến tới khám chữa bệnh (KCB) miễn phí cho toàn dân theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,2%
Báo cáo của Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho thấy, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) tại Việt Nam đạt 94,2% dân số – một con số đáng ghi nhận. Hiện người lao động, hưu trí, người hưởng trợ cấp… đều đóng 4,5% tiền lương hoặc lương hưu, hoặc mức lương cơ sở. Các nhóm yếu thế như hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi… được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng.
Đáng chú ý, đến cuối năm 2023, quỹ BHYT vẫn cân đối và có kết dư, là nền tảng quan trọng để mở rộng quyền lợi trong các năm tới.
Được biết, chính sách BHYT phân chia thành 5 nhóm đối tượng chính theo trách nhiệm đóng phí: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng (cán bộ, công chức, người làm công ăn lương…); Nhóm do tổ chức BHXH đóng (người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH dài hạn); Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng (trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người có công, người DTTS…); Nhóm do ngân sách hỗ trợ một phần (hộ cận nghèo, học sinh – sinh viên, người lao động tự do…); Nhóm tham gia theo hộ gia đình (người không thuộc 4 nhóm trên, đóng tự nguyện theo hộ).

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo
Mô hình này tạo điều kiện phổ cập BHYT toàn dân, đồng thời bảo đảm chia sẻ rủi ro và trách nhiệm tài chính giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Về phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT: Người tham gia BHYT được hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú tại các cơ sở y tế công lập và một số cơ sở tư nhân có ký hợp đồng với BHYT. Và quỹ BHYT chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí tùy theo.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, mức hưởng (từ 80% đến 100% tùy nhóm đối tượng) theo tuyến điều trị (đúng tuyến hay trái tuyến); dịch vụ kỹ thuật sử dụng (mức chi phí, danh mục được ban hành); phạm vi quyền lợi không ngừng được mở rộng theo hướng bao phủ các loại thuốc, thiết bị, dịch vụ kỹ thuật và hình thức điều trị hiện đại, đồng thời ưu tiên người nghèo, người dân tộc, và các đối tượng dễ tổn thương khác.
Đến hết năm 2023, quỹ BHYT kết dư 40 ngàn tỷ đồng. Năm 2024 quỹ BHYT kết dư tăng thêm; và hiện tại, ngành Y tế đang định hướng sửa đổi Luật BHYT, để cụ thể một số nội dung tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
“Dự kiến thời gian tới sẽ sửa toàn bộ Luật BHYT, trong đó có nhiều nội dung tập trung khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là khám chữa bệnh để sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh nguy hiểm,” GS TS Trần Văn Thuấn cho biết.
Ngành y tế mong được tập trung vào chuyên môn
Chia sẻ tại hội thảo, với vị trí từ một cơ sơ y tế địa phương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Bá Việt khẳng định, ngành y tế hiện đang rất áp lực, cả về chuyên môn lẫn chi phí.
Thời gian qua, dù là bệnh viện địa phương nhưng Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã làm chủ được 60% kỹ thuật cao trong ngành y. Có nhiều ca mổ tim, thận, ghép tạng thành công và là một trong số những bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh mạnh dạn đầu tư cho kỹ thuật cao để KCB cho người dân mà không phải lên tuyến trên.
“Chúng tôi thường xuyên tiếp đón bệnh nhân hưởng BHYT 100% nhưng vẫn thắc mắc tại sao vẫn phải mất một vài khoản phí? Để giải thích cho họ hiểu, quả thật không đơn giản!? Có những trường hợp bệnh nhân được miễn phí hàng trăm triệu để giữ lại mạng sống, trong khi bệnh viện tự chủ, không có thu thì câu chuyện đóng cửa ắt sẽ xảy ra. Đó là lí do vì sao mong muốn lớn nhất của ngành y là chỉ làm sao được tập trung cứu người, và bản thân người dân đi KCB cũng không phải áp lực lo lắng đến chi phí nữa,” Giám đốc Nguyễn Bá Việt chia sẻ từ thực tế.

Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức Dương Đức Hùng đề nghị đa dạng mức đóng BHYT
Chung quan điểm, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương Phạm Ngọc Đông khẳng định, cơ sơ y tế không bao giờ phân biệt bệnh nhân có hay không có BHYT. “Công tác KCB là giống nhau, chỉ khác nhau khi ra viện nếu có bảo hiểm thì bảo hiểm chi trả nếu không thì bỏ tiền túi. Về mặt phác đồ, điều trị là giống nhau dù có hay không có BHYT.
“Thầy thuốc phải đối xử ngang bằng với bệnh nhân. Khi đầu chúng ta nghĩ đến bảo hiểm thì sẽ phân biệt điều trị như thuốc kém hơn một chút, vật tư kém hơn một chút. Nếu nói quyền lợi bệnh nhân cũng phải nói quyền lợi của bệnh viện. Với tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc thay đổi nhanh để hỗ trợ điều trị bệnh nhân. Bảo hiểm có thể chấp nhận điều trị với máy móc mới nhưng chậm. Tôi cho rằng, trong vòng 1 năm, cơ sở y tế có thể cập nhật hệ thống máy móc mới, pháp đồ mới, công nghệ mới… để bảo hiểm chi trả,” PGS TS Phạm Ngọc Đông cho biết.
Là bệnh viện thường xuyên có bệnh nhân sử dụng BHYT đến KCB, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức TS Dương Đức Hùng chia sẻ, ông rất trăn trở với mức đóng hiện tại. Bởi khoản thu của BHYT đang ở mức cơ bản và quá thấp, trong khi đó gói chi trả cho BHYT càng ngày càng cao. Do đó, ngành y tế mới gặp áp lực sợ vỡ quỹ chi trả, đồng thời tạo luôn áp lực về tài chính.
“Như câu chuyện của nhiều giám đốc bệnh viện đã phát biểu, công nghệ y học năm sau “chèn” năm trước, các model mới được cập nhật liên tục và đương nhiên đi kèm đó là giá thành cao. Trong khi vấn đề thanh toán của BHYT tại các bệnh viện vẫn chưa thực sự được hiểu rõ và phù hợp. Bởi lẽ, theo xu hướng công nghệ hiện đại và tiên tiến, các bệnh viện ngày càng đầu tư nhiều máy móc và thiết bị mới với chi phí rất cao. Tuy nhiên, chi trả của người sử dụng đối với các máy móc và thiết bị mới đó lại chưa thực sự được nâng cao, để tạo ra sự hài hòa,” TS Dương Đức Hùng phát biểu.
Đặc biệt, cùng với việc toàn dân có BHYT bắt buộc thì cũng cần có nhiều hình thái bảo hiểm khác tham gia vào ngành y tế, bởi bởi hiện không ít người có nhu cầu KCB ở trình độ cao hơn, so với mức cơ bản của BHYT bắt buộc. Bên cạnh đó, khi có các loại hình BHYT khác nhau sẽ tạo ra sự cạnh tranh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.