Điểm báo 1/11: Cần sớm thống nhất mô hình chính quyền đô thị

Cần sớm thống nhất mô hình chính quyền đô thị; Đề xuất bổ sung nhiều ngành nghề vào nhóm nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 'Cò đất' thổi giá nhà đất; Đánh thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ - làm sao đơn giản, tiết kiệm chi phí?;...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 1/11.

CẦN SỚM THỐNG NHẤT MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ

Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương. Qua đó, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước.

Hiện nay, các thành phố trực thuộc Trung ương đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình không giống nhau theo quy định của các luật, nghị quyết khác nhau của Quốc hội. Một số đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương trong thời gian qua. Qua đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đồng thời, triển khai các chính sách mang tính phổ biến, hiệu quả để thực hiện thống nhất về mô hình chính quyền đô thị trong phạm vi cả nước. Mặt khác, Khi một số chính sách về tổ chức chính quyền, chính quyền đô thị được đề xuất trong các nghị quyết đã mang tính phổ biến nên cần được luật hóa để áp dụng chung trong cả nước (như quy định về việc không tổ chức HĐND phường, về chế độ công vụ thống nhất đối với cán bộ, công chức cấp xã...).

ĐỀ XUẤT BỔ SUNG NHIỀU NGÀNH NGHỀ VÀO NHÓM NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM

Việc phân loại người lao động phù hợp trong danh mục các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ là căn cứ để người lao động được trang bị các biện pháp đảm bảo an toàn khi làm việc; cũng như giải quyết các chế độ về bảo hiểm xã hội, trợ cấp, nghỉ hưu sớm...

Tại Việt Nam, điều kiện lao động chưa tốt, rủi ro tai nạn cao đã bào mòn dần sức khỏe của người lao động, là nguyên nhân làm tăng ô nhiễm môi trường. Năm 2023, đã phát hiện thêm 696 người mắc bệnh nghề nghiệp, trong số đó đã qua giám định là 600, chủ yếu là là các bệnh bụi phổi silic, bụi phổi than, điếc nghề nghiệp. Do đó, các chuyên gia kiến nghị cần có phương pháp thống nhất để đánh giá, phân loại theo điều kiện lao động, từ đó phân loại lao động theo điều kiện lao động phản ánh được mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của một vị trí công việc cụ thể. An toàn vệ sinh lao động là công việc không của riêng ai, giải pháp cải thiện điều kiện lao động là yếu tố mấu chốt, then chốt trong giảm dần gánh nặng, độc hại của môi trường làm việc cho người lao động.

“CÒ ĐẤT” THỔI GIÁ NHÀ ĐẤT

Giá nhà đất ở một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, nguyên nhân có một phần từ việc tạo giá ảo, thổi giá của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản (BĐS).

Mặc dù Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 được ban hành và có hiệu lực thi hành, nhiều vướng mắc khó khăn về thể chế, quy định pháp luật (đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS, tín dụng...) đối với DN đã từng bước được tháo gỡ, nguồn cung BĐS cũng có sự cải thiện nhưng vẫn còn một số hạn chế. Chủ yếu do cần có thời gian để các cơ chế, chính sách, pháp luật mới được ban hành được thực thi có kết quả và đi vào cuộc sống. Thêm một nguyên nhân nữa tác động đến Việc tăng giá BĐS là do biến động của nền kinh tế trong thời gian qua liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng... Những yếu tố này đã tác động đến tâm lý của người dân, nhà đầu tư, dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền của người dân, nhà đầu tư sang kênh bất động sản, nhà, đất để làm nơi “trú ẩn” an toàn cho nguồn tiền tích lũy, nguồn vốn đầu tư.

ĐÁNH THUẾ HÀNG NHẬP KHẨU GIÁ TRỊ NHỎ - LÀM SAO ĐƠN GIẢN, TIẾT KIỆM CHI PHÍ?

Trước sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, việc bãi bỏ chính sách miễn thuế cho hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng là cấp thiết, nhằm tạo công bằng với sản xuất trong nước, đồng thời tránh thất thu thuế. Tuy nhiên, việc đánh thuế phải bảo đảm nguyên tắc đơn giản, ít chi phí và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Mỗi ngày Việt Nam nhập khẩu từ 4 - 5 triệu đơn hàng TMĐT giá trị nhỏ, với tổng giá trị 800 tỷ đồng. Như vậy, tuy là giá trị hàng nhỏ, nhưng thất thu thuế rất lớn. Điều này không chỉ làm thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế, mà còn tạo sự cạnh tranh không bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước. Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm bãi bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng, để tránh thất thu ngân sách, đồng thời tạo công bằng với doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-bao-1-11-can-som-thong-nhat-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-241505.htm
Zalo