Cò đất - Những kẻ 'thổi bùng' cơn sốt ảo nhà đất
Cò đất là những kẻ lợi dụng nhu cầu an cư thiết yếu của người dân để đẩy giá lên cao, trục lợi từ nỗi khát khao có một mái ấm của hàng triệu người.
2024 là năm thị trường bất động sản chứng kiến cơn sốt giá chưa từng có, liên tục leo thang, trở thành tâm điểm bàn tán sôi nổi của mọi tầng lớp xã hội. Đặc biệt, tại thủ đô Hà Nội - trung tâm kinh tế và chính trị của cả nước, cơn sốt giá khuấy đảo dư luận quan tâm, với những cú biến động gần như từng ngày trên tất cả các phân khúc, từ căn hộ chung cư, nhà liền thổ, đất nền cho tới đất vùng ven.
Chẳng hạn, cách đây 3-5 năm, thị trường căn hộ chung cư tại nội thành Hà Nội từng bị coi là “lép vế” so với TP. Hồ Chí Minh - đô thị đắt đỏ nhất cả nước, với mặt bằng giá luôn thấp hơn từ 15 - 20%. Tuy nhiên, cục diện này đã thay đổi chóng mặt, khi mức giá bình quân căn hộ tại Hà Nội đã đạt ngưỡng 65 triệu đồng/m², tăng mạnh khoảng 30% so với đầu năm 2023, bám đuổi TP. Hồ Chí Minh một cách đáng kinh ngạc.
"Cơn lốc" tăng giá lan rộng tới đất liền thổ và đất nền ven đô - những nơi cách trung tâm Hà Nội từ 10-15 km. Giá đất không ngừng leo thang, chạm ngưỡng mà nhiều người gọi là “không tưởng”, trở thành vấn nạn biến giấc mơ sở hữu một căn nhà, một mảnh đất dù ở rất xa thành phố cũng quá đỗi xa vời với người trẻ hoặc những lao động bình dân, không có sự hỗ trợ tài chính từ gia đình.
Cơn sốt giá bất động sản được lý giải bởi nhiều yếu tố khách quan: Nguồn cung ngày càng khan hiếm, hạ tầng quy hoạch liên tục được nâng cấp đồng bộ hay tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khi dư luận dấy lên những nghi ngại về sự thao túng đang ẩn mình trong “cơn lốc” tăng giá này.
Trục lợi từ nỗi khao khát có mái ấm của nhân dân
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản có thể đang chịu sự chi phối của các thế lực ngầm. Họ lợi dụng nhu cầu an cư thiết yếu của người dân để đẩy giá lên cao, trục lợi từ nỗi khát khao có một mái ấm của hàng triệu người. Những chiêu trò “gom hàng”, “thổi giá” hay tạo khan hiếm giả tạo không còn là câu chuyện xa lạ.
Đó là những "chiêu bài" thường thấy của một nhóm lợi ích, điển hình là nhóm cò đất và đầu cơ. Họ rất chuyên nghiệp trong việc thêu dệt thông tin và thao túng tâm lý thị trường, không ngừng tạo ra cảm giác nhu cầu mua bán nhà đất luôn “nóng bỏng”, cao gấp nhiều lần so với thực tế.
Một chiêu phổ biến là cò đất liên tục gọi điện cho cư dân tại các tòa chung cư, giả vờ ngỏ ý mua lại căn hộ với mức giá “không tưởng”, tăng đột biến từng tháng, thậm chí từng tuần. Họ tuyên bố rằng, nếu chủ nhà đồng ý bán, khách sẽ “chốt đơn” ngay lập tức với mức giá gấp đôi, thậm chí gấp ba so với giá trị thời điểm 1 - 2 năm về trước.
Những “cục mỡ” béo bở được treo lơ lửng không chỉ khiến chủ nhà sửng sốt mà còn gieo vào họ tâm lý kỳ vọng giá sẽ còn tăng cao hơn nữa, từ đó thúc đẩy hành vi giữ hàng hoặc đưa ra mức giá chào bán vượt xa thực tế của chủ nhà.
Lúc này, không ít gia đình nảy ra quyết định bán căn hộ cũ với hy vọng tận dụng số tiền chênh lệch để mua một căn hộ mới hơn, đầy đủ tiện ích hơn, phù hợp cho công việc và cuộc sống. Thế nhưng, những căn hộ từng được các cò đất "thổi giá" nay rơi vào tình trạng “ế ẩm” kéo dài, cho dù chủ nhà tích cực rao bán nhiều tháng trời. Có nơi, chủ nhà cố gắng hạ giá dần nhưng vẫn chẳng thể thu hút khách, thị trường vẫn im lìm như tờ.
Bên cạnh các cò đất, nhóm đầu cơ bất động sản cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo ra cơn sốt giá ảo, khiến tình trạng trở nên trầm trọng. Nhắm đến phân khúc đất nền ở ngoại ô – nơi giá ban đầu còn rẻ và dễ thao túng – các nhóm này thường tập trung mua với số lượng lớn tại các khu vực thị trấn, nông thôn.
Sau đó, họ tiến hành phân lô, tạo dự án trên giấy và tung tin đồn thổi để “bơm” giá bán lên cao chóng mặt, bằng những câu chuyện không có thật như "đất sắp tăng giá mạnh", “khu vực này đang có tiềm năng phát triển lớn” hay “hạ tầng sắp hoàn thiện”... cho dù thực tế đa phần khu đất này đều thiếu hạ tầng cơ bản như đường sá, điện, nước, những yếu tố tối thiểu để sinh sống.
Gây hệ lụy nặng nề, cần tiếp tục nghiêm trị
Những hành vi thao túng giá bất động sản từ nhóm đầu cơ và cò đất đang để lại hệ lụy nặng nề, khiến thị trường bất động sản ngày càng méo mó và trở thành lực cản cho sự phát triển kinh tế. Số lượng giao dịch sụt giảm nghiêm trọng, dòng tiền chững lại, khiến không chỉ ngành bất động sản mà cả nền kinh tế bị tác động dây chuyền.
Dù Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát và ổn định thị trường, giá nhà đất vẫn rất khó giảm, bởi tâm lý "neo giá" của chủ sở hữu, kỳ vọng mức giá cao hơn trong tương lai và lo sợ bán ra ở thời điểm hiện tại sẽ bị "hớ".
Hơn nữa, sốt đất ảo còn đẩy tầng lớp lao động và người trẻ tuổi vào tình cảnh "đuổi hình bắt bóng" với giấc mơ sở hữu nhà ở. Khi giá đất bị thổi phồng quá mức, ngay cả một căn nhà nhỏ hay một mảnh đất khiêm tốn cũng trở thành mục tiêu không tưởng đối với họ, buộc họ phải từ bỏ khát vọng ổn định chỗ ở, chấp nhận sống trong điều kiện thuê trọ tạm bợ hoặc tìm đến những khu vực xa xôi, thiếu thốn tiện nghi, ảnh hướng đến chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống lẫn cơ hội phát triển sự nghiệp.
Trước thực trạng đầy rối ren và méo mó, giới chuyên gia cho rằng, cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để xử lý triệt để các đối tượng cò đất phát tán thông tin sai lệch với mục đích tạo sốt ảo và lừa đảo người dân. Pháp luật hiện hành đã có quy định rõ ràng về việc xử lý các hành vi thông tin sai sự thật, với mức phạt tiền nghiêm khắc, và trong trường hợp nghiêm trọng, những đối tượng này sẽ phải đối mặt với trách nhiệm hình sự.
Ngoài việc xử lý cá nhân, các nền tảng đăng tin mua bán bất động sản cũng không thể đứng ngoài cuộc. Các website này cần phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của thông tin đăng tải, đặc biệt là thông tin liên quan đến giá cả và tình trạng thực tế của các giao dịch. Nhà nước cần có những quy định rõ ràng, nếu đơn vị nào đăng tải thông tin sai sự thật hoặc tạo ra tình trạng thao túng giá, sẽ phải chịu xử lý nghiêm khắc, thậm chí là đóng cửa website đó để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, cần tiếp tục nghiêm trị những nhóm đầu cơ, trục lợi trên thị trường bất động sản. Một ví dụ điển hình về việc xử lý nghiêm minh là vụ việc đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn hồi tháng 11/2024, một nhóm đối tượng vi phạm đã bị bắt giữ để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”. Những kẻ này đã công khai "thổi" giá đất lên tới 30 tỷ đồng/m2, gây bức xúc và bất bình trong dư luận.
Đó là một cảnh báo rõ ràng rằng những hành vi thao túng, “thổi giá” bất động sản sẽ không thể được dung thứ và cần phải bị nghiêm trị!
Nếu không có những biện pháp cứng rắn và kịp thời, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục bị chi phối bởi các thế lực xấu, khiến giá cả ngày càng phi lý, khiến người dân lao động và thế hệ trẻ ngày càng xa rời giấc mơ sở hữu nhà ở. Sự can thiệp mạnh mẽ từ cơ quan chức năng chính là yếu tố then chốt để đưa thị trường bất động sản trở về đúng quỹ đạo, bảo vệ quyền lợi của người dân và duy trì sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.