Mãi nhớ 'Tiếng nói Nam bộ Kháng chiến'
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, CQTT khu vực ĐBSCL phối hợp các đơn vị, thực hiện về nguồn tại xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau - nơi Đài Tiếng nói Nam bộ Kháng chiến từng hoạt động.
Chương trình cũng là một trong những hoạt động hướng tới 80 năm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (07/9/1945 - 07/9/2025).
Trường THPT Tân Bằng cuối tuần qua bỗng nhộn nhịp, đông bà con nhân dân đến khám bệnh. “Lâu rồi ở địa bàn mới có chương trình khám bệnh quy mô, tặng quà lớn đến vậy”, ông Nguyễn Văn Chỉ, cựu chiến binh, người cao tuổi ở ấp Tân Công, xã Tân Bằng đưa mắt nhìn không gian buổi khám bệnh nói.
Về lại “ngôi nhà” Tiếng nói Nam bộ Kháng chiến
Đời sống người dân xã Tân Bằng nay đã có nhiều chuyển biến, nhưng cái nết của người dân vùng quê là chưa thấy bệnh, chưa đi khám bệnh. Dịp này, CQTT Đài TNVN khu vực ĐBSCL phối hợp Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, đưa cả máy X quang, điện tim, siêu âm… về chuẩn đoán nên bà con đến khám nhiều hơn số lượng 500 người dự kiến được thăm khám theo kế hoạch.

Đông người đến khám chữa bệnh tại chương trình về nguồn của VOV ĐBSCL
Gần trưa, vẫn còn người dân đến khám, các y bác sĩ đổ mồ hôi nhễ nhại bởi cái nắng gay gắt mùa này nơi “Vùng đất Cực Nam” nhưng vẫn tươi cười tiếp từng người. Thiếu tướng Vũ Cao Quân - nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân Khu 9, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo-Medic Cần Thơ, Phó Giám đốc Bệnh viện, đã lớn tuổi nhưng vẫn đi qua lại trông coi việc khám bệnh. Ông thấy các cụ lớn tuổi đến khám bệnh còn ân cần hỏi thăm sức khỏe, động viên tinh thần.
Cạnh đó, nhiều em học sinh, người có công với cách mạng đang nhận học bổng, quà từ chương trình. Em Nguyễn Ngọc Hà lớp 10C3, trường THPT Tân Bằng chia sẻ: “Nhà em khó khăn, được quan tâm trao học bổng em rất biết ơn. Đây là động lực để em tiếp tục học tốt hơn nữa”.

Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo-Medic Cần Thơ đưa xuống những thiết bị hiện đại để chuẩn đoán bệnh cho bà con

Bác sĩ Chuyên khoa II, Chu Văn Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ trao học bổng cho học sinh
Chương trình về nguồn cũng trao 2 căn nhà đại đoàn kết, trong đó, 1 căn được trao cho gia đình cô Bùi Thị Ngàn - người con xã Tân Bằng, từng góp công sức cho Đài Tiếng nói Nam bộ Kháng chiến.
Bên cạnh đó, có 30 phần quà, mỗi phần là 1 triệu đồng được trao cho những gia đình từng đóng góp cho Đài Nam bộ kháng chiến, gia đình chính sách tại địa phương; 50 xuất học bổng, mỗi suất là 1 triệu đồng trao đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, còn có 100 phần quà, mỗi phần trị giá 500 ngàn đồng được trao cho các hộ nghèo, khó khăn của huyện Thới Bình.
Phát biểu tại buổi lễ trao quà, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN khẳng định những đóng góp của Đài TNVN, Đài Tiếng nói Nam bộ Kháng chiến và Đài Phát thanh Giải phóng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN phát biểu tại buổi lễ (ảnh: Phan Ánh)
“Chúng tôi rất xúc động vì để tồn tại trong sự bao vây, truy lùng của địch nhằm dập tắt tiếng nói của cách mạng thì Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến cũng như Đài TNVN và Đài Phát thanh Giải phóng luôn nhận được sự đùm bọc thương yêu, bảo vệ, che chở của đồng bào, đồng chí và các lực lượng để có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị của mình. Đến thời điểm này, đồng bào ở đây cùng với đài TNVN, cùng sự giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của huyện, của xã vẫn lưu giữ được chứng tích lịch sử của Đài Nam bộ Kháng chiến, chúng tôi rất xúc động vì điều đó”, ông Phạm Mạnh Hùng bày tỏ.
Nhớ mãi lời hẹn dở dang
Đài Tiếng nói Nam bộ Kháng chiến ra đời vào 1/12/1947 giữa vùng Tháp Mười (nay thuộc huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An). Ngày Đài phát sóng, cả Thường vụ Xứ ủy, trong đó có cố Tổng bí thư Lê Duẩn hay các bậc lão thành cách mạng như Hà Huy Giáp, Phạm Hùng,… đều chăm chú lắng nghe.
Đài đã góp phần đập tan luận điệu của thực dân Pháp khi chúng huênh hoang cho rằng đã bình định Nam bộ, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ tuyên truyền đường lối cách mạng, động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước và củng cố niềm tin thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp của nhân dân Nam bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Những năm qua VOV ĐBSCL có nhiều hoạt động về nguồn tại các nơi Đài Nam bộ Kháng chiến từng đứng chân
Quá trình hoạt động, thời gian dài Đài Tiếng nói Nam bộ Kháng chiến hoạt động ở tỉnh Cà Mau. Khi mới về Đài đóng gần nhà cô Bùi Thị Ngàn (ở kênh 9, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình). Cô Út Ngàn nay đã 95 tuổi nhưng vẫn còn nhớ rõ hoạt động của đài khi xưa: “Năm 1948 đài về đây chỉ có hơn 10 người. Khi các chú đi lấy tin không biết đường tôi đưa đi. Sau đó, việc đi lấy tin về phát được giao cho tôi. Hàng ngày tôi còn được các cô chú dạy cho hát với đọc”.
Thời gian hoạt động ở kênh 9, Đài Tiếng nói Nam bộ Kháng chiến từng bị máy bay địch tập kích, ném bom. Khi đó, cô Út đang trên đường đi lấy tin về thì thấy 3 chiếc máy bay lượn trên khu vực Đài đóng. Sau vài vòng bay lượn thì chúng thả bom, cô đã bị thương ngất xỉu và được các cán bộ của Đài sơ cứu, đưa đến bộ phận quân y điều trị. Cũng sau lần đó, Đài phải di dời. Cô Út ngàn còn nhớ như in kỷ niệm với hai cán bộ đến thăm hỏi, chào tạm biệt và hẹn cô giải phóng sẽ gặp lại.
“Lời hẹn đó tôi mãi nhớ nhưng chiến tranh kéo dài tiếp mấy mươi năm. Giờ biết không thể gặp lại hai bác nhưng tôi vẫn mong... Lời hẹn đã mãi dở dang bởi bom đạn”, cô Út ngàn kể đến đây thì nước mắt đọng thành giọt, bà nhìn xa xăm nấc nghẹn.

Cô Út Ngàn kể về hoạt động của Đài Phát thanh Nam bộ Kháng chiến
Trong 7 năm hoạt động, Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến 16 lần phải di chuyển, 5 lần bị địch tập kích. Trước mưa bom, bão đạn cán bộ, nhân viên của Đài không hề run sợ mà luôn cống hiến hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đài hoàn thành sứ mệnh là “tiếng nói cách mạng của nhân dân Nam bộ” vào tháng 12/1954 và đã được nhận Huân chương kháng chiến hạng nhất.
Tri ân cội rễ - Đài Tiếng nói Nam bộ Kháng chiến
Các cán bộ, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam hiện nay luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của Đài Tiếng nói Nam bộ Kháng chiến. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đã qua, mỗi khi đến dịp kỷ niệm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 7/9, Đài lại tổ chức các hoạt động về nguồn đầy ý nghĩa tại các địa phương Đài Nam bộ Kháng chiến từng hoạt động.
Trực tiếp là Cơ quan thường trú khu vực ĐBSCL đã tổ chức nhiều hoạt động tặng nhà tình nghĩa, học bổ cho học sinh, quà cho người nghèo, khám bệnh và cấp phát thuốc cho bà con nhân dân địa phương.
Ông Phạm Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Cơ quan thường trú khu vực ĐBSCL cho biết: “Trong điều kiện chiến tranh gian khổ, thiếu thốn trăm bề, Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến đã phát đi tiếng nói của lòng dân, của ý chí cách mạng miền Nam, tiếp thêm niềm tin cho phong trào kháng chiến của nhân dân ta. Chuyến “về nguồn” hôm nay với VOV không đơn thuần là một hoạt động xã hội, mà là hành trình trở về với cội rễ, với ký ức lịch sử, với nghĩa tình đồng bào, để tri ân, tiếp nối và lan tỏa giá trị của lịch sử”.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen cho VOV ĐBSCL và bệnh viện Hòa Hảo (ảnh: Thạch Hồng)

Nhiều cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã tạo điều kiện thuận lợi để CQTT khu vực ĐBSCL thực hiện tốt chuyến về nguồn
Ông Trần Minh Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình bày tỏ ghi nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân tài trợ cho chương trình, cảm ơn sự quan tâm của CQTT khu vực ĐBSCL.
Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến mãi là niềm tự hào, sẽ sống mãi trong lòng những người làm phát thanh. Phát huy truyền thống của những “Chiến sĩ phát thanh” khi xưa, lãnh đạo, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam đang tiếp tục xây dựng, phát triển Đài ngày càng vững mạnh, trở thành kênh báo chí quốc gia chủ lực, đáng tin cậy.
“Lời hẹn tôi mãi nhớ nhưng chiến tranh kéo dài tiếp mấy mươi năm. Giờ biết không thể gặp lại hai bác nhưng tôi vẫn mong... Lời hẹn đã mãi dở dang bởi bom đạn”, cô Út ngàn kể đến đây thì nước mắt đọng thành giọt, bà nhìn xa xăm nấc nghẹn.
Chương trình về nguồn của CQTT khu vực ĐBSCL nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau; Huyện ủy, UBND huyện Thới Bình và Đảng ủy, UBND xã Tân Bằng.
Chương trình có sự đồng hành của Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ, Công ty TNHH Sản xuất – Dịch vụ - Thương mại Nhất Huy, Agribank Tây Nam Bộ, Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cà Mau, Công ty TNHH xây dựng Vạn An Phát.