Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Mỹ và châu Âu
Làn sóng lây nhiễm kép của biến thể Delta và Omicron tiếp tục càn quét châu Âu và Mỹ - 2 điểm nóng về dịch bệnh của thế giới, với nhiều quốc gia châu Âu liên tiếp đạt kỷ lục buồn về số ca nhiễm Covid-19 mới.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 9 giờ sáng 5/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 295.436.446 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.473.043 ca tử vong. Số ca hồi phục là hơn 256 triệu ca.
Trong 24 giờ qua, có hơn 2,1 triệu ca bệnh được ghi nhận trên toàn cầu, trong đó riêng châu Âu đã chiếm một nửa với hơn 1 triệu ca, trong khi Mỹ cũng có thêm tới hơn 567 nghìn ca nhiễm mới.
Hồi đầu tuần này, Mỹ đã lập kỷ lục toàn cầu với gần 1 triệu ca nhiễm mới được báo cáo hôm thứ hai, gần gấp đôi mức đỉnh ghi nhận chỉ 1 tuần trước tại quốc gia này, trong bối cảnh biến thể Omicron dễ lây lan không có dấu hiệu chậm lại.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, biến thể mới Omicron hiện ước tính chiếm 95,4% các trường hợp mắc Covid-19 mới ở Mỹ.
Nhìn chung, Mỹ đã ghi nhận mức trung bình hàng ngày 486 nghìn ca bệnh trong tuần qua, tăng gấp đôi trong vòng 7 ngày và vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Số bệnh nhân Covid-19 nhập viện tại nước này cũng đã tăng gần 50% trong tuần trước và hiện vượt quá 100 nghìn người, lần đầu tiên con số này đạt đến ngưỡng trên kể từ đợt tăng đột biến vào mùa đông 1 năm trước.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Joe Biden ngày 4/1 đã lên tiếng kêu gọi những người Mỹ chưa tiêm chủng nên đi tiêm phòng Covid-19, song song với đó là tiến hành tiêm các mũi tăng cường. Ông Biden cũng cảnh báo các ca mắc Covid-19 đang gia tăng ngay cả tại Nhà Trắng.
Chính quyền của ông Biden cũng đang hoàn tất các hợp đồng mua sắm 500 triệu kit xét nghiệm nhanh Covid-19 và sẽ sớm có kế hoạch phân phối miễn phí cho người dân Mỹ. Sáng kiến này được Tổng thống Biden công bố vào tháng 12, khi biến thể Omicron khiến nhu cầu xét nghiệm tại Mỹ tăng vọt, dẫn đến khan hiếm các kit xét nghiệm.
Tại châu Âu, giới chức y tế Pháp ngày 4/1 thông báo, nước này đã ghi nhận 271.686 ca bệnh mới trong ngày, mức cao nhất được ghi nhận cho đến nay, khiến Pháp trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu khi làn sóng Omicron quét qua lục địa này.
Biến thể mới Omicron với khả năng dễ lây lan hơn các biến chủng khác đã khiến số ca mắc mới ở Pháp tăng lên hơn 160 nghìn ca mỗi ngày trong tuần trước, rồi tiếp tục vượt mốc trung bình hơn 200 nghìn ca/ngày trong 4 ngày liên tiếp vào cuối tuần.
Theo số liệu chính thức công bố hôm thứ bảy, Pháp đã trở thành quốc gia thứ sáu trên thế giới ghi nhận hơn 10 triệu ca nhiễm Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát.
Phát biểu trước Quốc hội Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cảnh báo, làn sóng lây nhiễm “như thủy triều” đã tấn công nước Pháp, song ông khẳng định nhà chức trách Pháp sẽ không để người dân hoảng sợ.
Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, các nghị sĩ Pháp đầu tuần này đã bắt đầu thảo luận về 1 dự luật mới, yêu cầu hầu hết người dân phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 để có thể tới các khu vực công cộng, cũng như sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Dự luật này hướng đến mục tiêu tiêm phòng cho 5 triệu người trên 12 tuổi còn lại chưa tiêm ngừa Covid-19, đồng thời yêu cầu người dân phải xuất trình giấy chứng nhận đã được tiêm chủng, thay vì kết quả xét nghiệm âm tính hoặc đã khỏi Covid-19 để đến các địa điểm công cộng và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Le Parisien hôm qua, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết sẽ hạn chế những người không được tiêm chủng tham gia các sự kiện xã hội.
Cùng ngày, Bộ Y tế Tây Ban Nha công bố con số kỷ lục về tỷ lệ nhiễm Covid-19 trong 14 ngày trên toàn quốc, với 2.433,9 ca trên 100 nghìn người, tăng mạnh so 2.295,8 ca ghi nhận chỉ 1 ngày trước đó.
Công suất giường bệnh chăm sóc đặc biệt cũng tăng nhẹ lên mức 21,3%, so với 21,2% hôm thứ hai, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất 45% được ghi nhận vào tháng 2 năm ngoái.
Hy Lạp cũng ghi nhận mức cao kỷ lục 50.126 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, xô đổ mức cao nhất ghi nhận trước đó là 40.560 ca vào ngày cuối cùng của năm cũ.
Số ca bệnh mới ở nước này đang trên đà tăng mạnh trong những ngày gần đây, khi tính đến ngày 27/12 năm ngoái, mới chỉ có khoảng trung bình 9.284 ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày.
Trước tình trạng lây nhiễm tăng cao, đặc biệt là với sự xuất hiện của Omicron trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, Hy Lạp đã phải áp dụng các quy định phòng dịch mới đối với các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm từ tuần trước.
Tuy nhiên, hàng trăm nghìn học sinh và giáo viên sẽ trở lại lớp học theo lịch đã được thông qua kể từ ngày 10/1, song các học sinh sẽ phải xét nghiệm 3 lần trong tuần đầu tiên đi học trực tiếp trở lại. Theo Bộ trưởng Giáo dục Niki Kerameus, không gì có thể thay thế việc học trực tiếp tại trường.
Với dân số gần 11 triệu người, Hy Lạp đã ghi nhận tổng cộng 21.053 ca tử vong liên quan đến Covid-19 kể từ tháng 2/2020 trên tổng số 1.344.923 ca nhiễm cho đến nay.
Vương quốc Anh ngày 4/1 cũng báo cáo kỷ lục mới về số ca mắc mới trong ngày, với 218.724 ca.
Tuy nhiên, Thủ tướng Boris Johnson khẳng định, Anh có thể vượt qua làn sóng lây nhiễm gây ra bởi biến thể Omicron mà không phải đóng cửa nền kinh tế, nhờ chiến dịch tiêm liều tăng cường và việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Theo ông Johnson, các biện pháp này đã được quy định trong "Kế hoạch B" áp dụng ở Anh vào tháng trước, bao gồm việc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và trong các cửa hàng, nhưng không yêu cầu hạn chế tụ tập hoặc đóng cửa các cơ sở kinh doanh.
"Cùng với các biện pháp trong Kế hoạch B áp dụng trước Giáng sinh, Anh hoàn toàn có khả năng vượt qua làn sóng Omicron này mà không phải đóng cửa đất nước 1 lần nữa. Nhưng những tuần sắp tới sẽ còn nhiều thách thức, ở cả Anh và trên toàn thế giới. Sẽ không thể tránh khỏi việc một số dịch vụ sẽ bị gián đoạn do thiếu nhân viên", Thủ tướng Anh nói.
Để ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ tư tại Đức, giới chức nước này đã giới hạn các cuộc tụ tập đối với những người đã tiêm phòng ở mức tối đa 10 người, đồng thời đóng cửa các câu lạc bộ và vũ trường và cấm khán giả tham gia các sự kiện lớn, bao gồm cả các trận đấu bóng đá.
Theo Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach, các hạn chế tiếp xúc, kết hợp với tiêm mũi tăng cường vaccine phòng Covid-19 cho 80% dân số sẽ làm chậm lại đà lây lan của biến chủng Omicron.
Trong số 59,3 triệu người Đức (71,3% dân số) đã tiêm đủ 2 mũi, khoảng 32,7 triệu người cũng đã được tiêm mũi tăng cường. Theo ông Lauterbach, điều này có nghĩa là cần thêm 15 triệu mũi tiêm tăng cường nữa để đạt tỷ lệ 80%, qua đó ngăn đà tăng lây nhiễm do chủng Omicron, cũng như tránh việc các đơn vị chăm sóc đặc biệt phải rơi vào tình trạng quá tải.
Theo dữ liệu từ cơ quan y tế Thụy Điển công bố hôm thứ ba, nước này cũng đã lập kỷ lục về số ca mắc mới hàng ngày, với mốc ghi nhận gần nhất là 11.507 ca vào ngày 30/12.
Cùng ngày, hoàng gia Thụy Điển cũng thông báo, Vua Carl XVI Gustaf và Hoàng hậu Silvia đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Theo thông báo, Vua Carl XVI Gustaf, 75 tuổi, và Hoàng hậu Silvia, 78 tuổi, đã được tiêm đầy đủ ba mũi, có các triệu chứng nhẹ và cảm thấy khỏe mạnh. Cả 2 đều đang tự cách ly, đồng thời công tác truy vết những người họ từng tiếp xúc cũng đang được tiến hành.
Sau một mùa thu khá êm đềm, Thụy Điển đã chứng kiến tình trạng lây nhiễm gia tăng trong những tuần gần đây. Trong khoảng 4 ngày từ thứ sáu đến thứ hai đầu tuần này, Thụy Điển ghi nhận 42.969 ca bệnh mới và 20 trường hợp tử vong.
Omicron đang lây lan nhanh chóng, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Các nhà khoa học Thụy Điển ước tính, biến chủng mới hiện chiếm 50% hoặc thậm chí cao hơn trong tổng số các ca nhiễm ở nhiều khu vực, bao gồm thủ đô Stockholm.
Vào tháng trước, Chính phủ Thụy Điển đã phải thắt chặt các hạn chế đối với các cuộc tụ tập nơi công cộng và khuyến khích làm việc từ xa.
Ở châu Á, một số quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đang chứng kiến sự gia tăng trở lại các ca nhiễm mới, với số ca mắc hằng ngày tăng hơn gấp đôi ở Saudi Arabia trong 2 ngày qua, lên hơn 2.500 ca. Qatar và Kuwait cũng ghi nhận số ca mắc mới vượt mức 1.000 ca.
Saudi Arabia hôm thứ ba đã ghi nhận 2.585 trường hợp nhiễm mới, tăng so với khoảng 1.000 ca được công bố hôm chủ nhật. Nhà chức trách Saudi Arabia đã áp dụng trở lại yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng từ ngày 30/12, sau khi hồi đầu tháng cũng khuyến cáo công dân nước này không nên đi du lịch nước ngoài không cần thiết.
Nước láng giềng Qatar cùng ngày ghi nhận 1.695 trường ca nhiễm mới, con số cao nhất kể từ mùa hè năm ngoái.
Trong khi đó, Kuwait báo cáo 1.492 ca mắc mới. Kể từ đầu tuần này, Kuwait đã cấm các sự kiện công cộng trong không gian kín cho đến ngày 28/2.
Nhà chức trách vùng thủ đô Delhi của Ấn Độ hôm qua đã yêu cầu người dân ở nhà trong những ngày cuối tuần tới, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại đây đã tăng gấp 4 lần chỉ trong vòng 1 tuần.
Số ca bệnh hằng ngày của Ấn Độ hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 9. Các chuyên gia lo ngại biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao đã bắt đầu vượt qua chủng cũ Delta, mặc dù số người nhập viện vẫn chưa tăng.
Theo Phó Thủ hiến Manish Sisodia, Delhi hiện ghi nhận trung bình hơn 4.000 ca mắc mới mỗi ngày. Người dân sẽ được yêu cầu ở trong nhà vào các ngày thứ bảy và chủ nhật, mặc dù hầu hết các ca bệnh có biểu hiện nhẹ hoặc không có triệu chứng và hồi phục nhanh. Vào các ngày trong tuần, hầu hết các văn phòng sẽ phải bảo đảm một nửa nhân viên làm việc tại nhà.
Delhi cùng Mumbai và trung tâm công nghệ Bengaluru đã áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển vào ban đêm. Một số thành phố khác cũng đã đóng cửa các trường học.
Chính phủ Ấn Độ khuyến khích chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển nếu hơn 5% các xét nghiệm Covid-19 cho kết quả dương tính. Riêng Delhi đã đạt tỷ lệ 6% vào thứ hai.
Australia ngày 4/1 cán mốc kỷ lục số ca nhiễm mới, với 47.799 ca bệnh, tăng gần 1/3 so với con số kỷ lục cũ ghi nhận chỉ 1 ngày trước đó.
Riêng tại Victoria, bang đông dân thứ hai Australia, nhà chức trách cho biết cứ 4 người đến xét nghiệm thì có 1 người cho kết quả dương tính. Victoria ghi nhận 14.020 ca mắc mới trong 24 giờ qua, gần gấp đôi so với ngày trước đó. Hầu như tất cả ca bệnh cần chăm sóc đặc biệt của bang này đều không được tiêm chủng.
Các bang khác vốn trải qua phần lớn thời gian dài không có ca bệnh mới cũng đã ghi nhận mức tăng vọt tương tự. Một tháng trước, Queensland chỉ báo cáo 6 ca bệnh mới trong ngày, nhưng hôm qua, bang này đã ghi nhận tới 5.699 ca.
Bất chấp sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới trong làn sóng Omicron, tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng gần 92% ở người trên 16 tuổi đã giúp Australia duy trì tỷ lệ tử vong thấp hơn so với các đợt bùng phát trước đó. Cho đến nay, 2,5 triệu người Australia cũng đã được tiêm liều tăng cường.
Nước này đã vượt mốc nửa triệu ca nhiễm kể từ khi đại dịch bùng phát, với gần 50% số ca bệnh được ghi nhận chỉ trong vòng 2 tuần qua. Tuy nhiên, tổng số 547.160 ca mắc và 2.270 ca tử vong trong dân số 25 triệu người Australia vẫn thấp hơn so nhiều nước phát triển khác.