Địa Đạo - Khi chất liệu lịch sử thổi hồn vào nền điện ảnh Việt

Địa đạo Củ Chi là minh chứng cho ý chí thép của người Việt. Ngày nay, lịch sử không chỉ nằm dưới lòng đất mà còn được tái hiện qua điện ảnh, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về quá khứ hào hùng.

Giữa những cánh rừng bình yên tại vùng đất Củ Chi, vẫn còn đó những dấu vết âm thầm của một cuộc chiến khốc liệt. Những lối đi nhỏ hẹp dưới lòng đất – địa đạo – là di tích cho sự sáng tạo và ý chí thép của con người Việt Nam trong khói lửa chiến tranh.

Nhưng địa đạo - nói rộng hơn là lịch sử - ngày nay không chỉ nằm lại dưới lòng đất, trong những hiện vật trưng bày hay những trang sách giáo khoa, đôi khi được sống lại qua những thước phim điện ảnh.

Địa đạo lấy bối cảnh cuộc tấn công lớn của Mỹ năm 1967 – chiến dịch Cedar Falls, nơi quân đội Mỹ huy động hơn 30.000 lính nhằm san phẳng vùng “Tam giác sắt” – trong đó có địa đạo Củ Chi. Nhưng họ đã không thể ngờ rằng, sâu trong lòng đất, là cả một hệ thống địa đạo kiên cố và linh hoạt – một thành phố ngầm thực thụ, nơi hàng ngàn chiến sĩ Việt Nam vẫn sống, chiến đấu và kháng cự.

Với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, việc đưa câu chuyện lịch sử lên màn ảnh không đơn thuần là tái hiện sự kiện, mà là hành trình sống cùng nhân vật, sống cùng thời đại. Đạo diễn không tô hồng quá khứ, mà dựng lại nó bằng nghệ thuật thị giác chân thực khiến cả không gian dưới lòng đất như cũng biết thở.

Những trận đánh, những hy sinh, những mảnh đời của một thời không xa được kể lại bằng thứ ngôn ngữ riêng của điện ảnh, gần gũi mà không mất đi sự hào hùng.

“Địa đạo” cũng là minh chứng rằng phim lịch sử – chiến tranh không nhất thiết phải khô khan, mà có thể gần gũi, cảm động, khiến khán giả – dù ở thời bình – vẫn có thể cảm được hơi thở của một thời đại khốc liệt./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dia-dao-khi-chat-lieu-lich-su-thoi-hon-vao-nen-dien-anh-viet-post1025031.vnp
Zalo