Khu vườn văn học thiếu nhi Phú Yên
Là một bộ phận hữu cơ của chỉnh thể văn học Phú Yên, 50 năm qua (1975-2025), văn học thiếu nhi vẫn lặng lẽ góp những nét vẽ khiêm nhường, nhưng tươi tắn vào bức tranh văn học chung của tỉnh nhà.
Những người gieo trồng

Tác phẩm văn học thiếu nhi của các tác giả người Phú Yên đã được xuất bản. Ảnh: BÍCH DUYÊN
Cánh đồng văn học thiếu nhi Phú Yên 50 năm qua đã được gieo trồng, chăm sóc bởi nhiều cây bút tài năng và tâm huyết. Đó chính là Võ Hồng (đã xuất bản: Vùng trời thơ ấu, Tuổi thơ êm đềm, Hồn nhiên tuổi ngọc), Trần Huiền Ân (đã xuất bản: Một nửa chân trời, Mùa hè quê ngoại, Huyền thoại mở đất), Tô Phương (đã xuất bản: Những sợi chỉ đỏ), Nguyễn Đức Linh (đã xuất bản: Cún con đã lớn, Người khổng lồ của em tôi, Chuyến phiêu lưu kỳ thú trong rừng đại ngàn…), Thanh Quế (đã xuất bản: Cát cháy, Hái tiếng chim, Khi ta giở sách ra…), Huỳnh Văn Quốc (đã xuất bản: Tiếng vọng ngày xanh), Đào Đức Tuấn (đã xuất bản: Ôm tròn trái đất), Lê Pha Lê (đã xuất bản: Cuộc giải thoát siêu đẳng, Biệt thự tường bể, Đại ca Mốc), Đào Trung Uyên (đã xuất bản: 100 truyện ngụ ngôn cùng bé lớn khôn), Phan Thị Hà Tuyên (đã xuất bản: Em vẽ quê hương, Khi em làm thơ). Ngoài ra có thể kể đến một số trường hợp đã/đang sáng tác cho thiếu nhi nhưng chưa in thành sách như Nguyễn Hữu Hôn (thơ), Y Nguyên (truyện ngắn)…
Có thể thấy, đội ngũ viết cho thiếu nhi ở Phú Yên trong suốt 50 năm qua không thực sự đông đảo, hùng hậu. Hầu hết tác giả khi viết cho thiếu nhi đều không chọn đó như là toàn bộ sự nghiệp của mình.
Có tác giả viết cho các em trong khi vẫn miệt mài làm những công việc có khi không hoặc ít nhiều liên quan đến văn chương (như nhà văn Võ Hồng là nhà giáo, Nguyễn Đức Linh là kỹ sư xây dựng, Đào Đức Tuấn là nhà báo…).
Nhiều tác giả viết cho các em song song với viết cho người lớn. Tuy vậy, những tác phẩm văn học thiếu nhi của họ lại có thể khẳng định được tài năng, phong cách cũng như vị trí của họ trong bức tranh văn học thiếu nhi không chỉ trong phạm vi tỉnh nhà.
Các tác phẩm của Võ Hồng, Trần Huiền Ân, Nguyễn Đức Linh, Thanh Quế… đều là những sáng tác mang phong vị riêng, có sức hấp dẫn nhất định và được đông đảo bạn đọc cả thiếu nhi lẫn người lớn cả nước yêu thích.
Những mùa quả ngọt
Tuy số lượng không đông đảo, nhưng mỗi người viết cho thiếu nhi của Phú Yên đều có một chất giọng rất riêng. Chất riêng đó được tạo nên bởi cách lựa chọn đề tài, thể loại, cách xây dựng cốt truyện, nhân vật, thông điệp và bài học giáo dục được truyền tải…
Chính sự đa dạng trong phong cách sáng tác đã giúp bức tranh văn học thiếu nhi Phú Yên trong suốt mấy mươi năm qua dù không có được không khí sáng tác sôi nổi, năng động nhưng vẫn có những nét tươi sáng, nổi bật.
Tác phẩm dành cho thiếu nhi của nhà văn Võ Hồng chủ yếu xoay quanh những câu chuyện trong nhà, trên lớp, quanh làng quanh xóm mà phần lớn trong số đó được lấy từ đời sống thực tế của ông, các con và cả học trò của ông. Truyện Vĩnh biệt cây trứng cá chỉ là cuộc “chia tay” của những người trong một gia đình với cái cây đã gắn bó thiết thân qua nhiều năm; truyện Người bạn nhỏ tên Tô kể về hành trình sống và ra đi của chú chó nhỏ trong gia đình…
Từ những mẩu chuyện, nhà văn - nhà giáo Võ Hồng nhẹ nhàng chuyển tải những bài học giáo dục tuy giản dị nhưng có ý nghĩa lớn trong việc hình thành nhân cách của trẻ, và đặc biệt dù qua bao năm tháng, chúng không bao giờ lỗi thời.
Trong số các tác giả viết cho thiếu nhi của Phú Yên, Nguyễn Đức Linh là người có sự nghiệp sáng tác dày dặn nhất với số lượng tác phẩm nhiều nhất, và mỗi tác phẩm hầu hết đều là truyện dài với dung lượng lớn.
Về mặt thương mại, tác phẩm của ông cũng rất thành công khi có tác phẩm được tái bản nhiều lần với số lượng lên đến vạn bản như trường hợp Cún con đã lớn. Nếu sức hấp dẫn của truyện ngắn Võ Hồng nằm ở những điều giản dị, nhỏ bé, giàu cảm xúc và giá trị giáo dục cao, thì tác phẩm của Nguyễn Đức Linh được tạo nên từ cốt truyện phiêu lưu, thỉnh thoảng còn có sự kết hợp với yếu tố kỳ ảo (Người khổng lồ của em tôi).
Những cây bút văn xuôi khác cũng tự tìm cho mình một không gian sáng tạo riêng, như Lê Pha Lê chuyên chú vào những truyện ngắn có dung lượng nhỏ, tình huống đơn giản, nhân vật đa số là trẻ em bất hạnh; cây bút Đào Trung Uyên tập trung viết những câu chuyện đồng thoại, mang màu sắc ngụ ngôn hoặc làm mới những truyện ngụ ngôn quen thuộc…
Ở địa hạt thơ ca, số lượng tác giả và tác phẩm khiêm tốn hơn hẳn so với văn xuôi. Đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của “thi sĩ nhí” Phan Thị Hà Tuyên với hai tập thơ khi còn rất nhỏ. Những bài thơ của Tuyên đa dạng trong nội dung, thể loại, có khi phản ánh sự trong trẻo, hồn nhiên, ngây thơ của tác giả, có khi lại bất ngờ bộc lộ những cái nhìn sâu sắc, chững chạc, chín chắn như người lớn và khiến người đọc thật sự bất ngờ.
Các tập thơ thiếu nhi khác xoay quanh các đề tài quen thuộc như thiên nhiên, gia đình, trường học… Thể thơ sử dụng chủ yếu là 4, 5 chữ quen thuộc với thơ thiếu nhi. Nhìn chung, các tập thơ đảm bảo được nội dung và nghệ thuật phù hợp với trẻ em.
Dù không đông đảo, nhưng mỗi cây bút đều có hướng đi của riêng mình và khẳng định được lựa chọn của mình qua những tác phẩm có chất lượng tốt. Một số tác phẩm của các tác giả tỉnh nhà đã đạt được những giải thưởng về văn học thiếu nhi, như Một nửa chân trời và Mùa hè quê ngoại của Trần Huiền Ân đều đạt giải khuyến khích cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi “Vì tương lai đất nước”; Bí mật của rừng của Nguyễn Đức Linh đạt giải khuyến khích cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng năm 1999; Cuộc phiêu lưu kỳ thú trong rừng đại ngàn của Nguyễn Đức Linh đạt giải nhì văn học tỉnh Khánh Hòa năm 2016; Tiếng vọng ngày xanh của Huỳnh Văn Quốc đạt giải thưởng của Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2001; hai truyện đồng thoại Vai diễn đầu tiên của rùa và Mây nhỏ tìm chỗ khóc của Đào Trung Uyên đã mang lại cho tác giả giải xuất sắc, hạng mục tự do, của giải thưởng Đóa hoa đồng thoại năm 2022...
Không chỉ vậy, sự yêu mến của đông đảo bạn đọc với các sáng tác dành cho thiếu nhi của Phú Yên được thể hiện thông qua số lần tái bản, số lượng xuất bản cũng là cơ sở để có thể nói rằng văn học thiếu nhi tỉnh nhà trong những năm qua đã có những thành tựu nhất định, đáng ghi nhận.
Khu vườn mai sau
Trước thực tiễn sáng tác như hiện nay, có thể thấy, văn học thiếu nhi Phú Yên, trước hết, cần nhiều hơn nữa những cây bút và những tác phẩm mới để có thể lấp đầy những khoảng trống hiện có.
Lực lượng sáng tác luôn là chủ thể kiến tạo nên diện mạo của văn học, thế nên, làm sao để khuyến khích, động viên, mời gọi các nhà văn sáng tác cho các em là điều cần phải được coi trọng hơn nữa. Những cuộc thi viết, những giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi, những hội thảo, những trại sáng tác, những không gian trên truyền thông dành cho văn học thiếu nhi… sẽ là những hình thức thúc đẩy người viết không ngừng sáng tạo.
Có thể thấy, văn học thiếu nhi Phú Yên, trước hết, cần nhiều hơn nữa những cây bút và những tác phẩm mới để có thể lấp đầy những khoảng trống hiện có. Lực lượng sáng tác luôn là chủ thể kiến tạo nên diện mạo của văn học, thế nên, làm sao để khuyến khích, động viên, mời gọi các nhà văn sáng tác cho các em là điều cần phải được coi trọng hơn nữa.
Làm thế nào để văn học thiếu nhi vẫn đóng vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ em, là một phần quan trọng của văn học Việt Nam và có khả năng bắt nhịp với văn học thiếu nhi thế giới là nhiệm vụ của các thế hệ nhà văn thiếu nhi trong và ngoài tỉnh.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, khu vườn văn học thiếu nhi của tỉnh nhà có thêm nhiều người gieo trồng, gặt hái thêm nhiều mùa quả ngọt, góp phần làm giàu có hơn văn học thiếu nhi không chỉ của Phú Yên mà của nước nhà.