'Địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cách mạng
Trên mảnh đất Tiền Giang anh hùng, nơi từng ghi dấu những cuộc chiến oanh liệt chống giặc ngoại xâm, có một nhà bia tưởng niệm đặc biệt nhắc nhớ về sự hy sinh quên mình của 2 nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (LLVTND): Lê Thị Lệ Chi và Lê Thị Ngọc Tiến. Đây không chỉ là nơi tưởng niệm, mà còn là biểu tượng cho tinh thần yêu nước kiên trung, bất khuất của phụ nữ việt nam.
NHỮNG “BÔNG HỒNG THÉP”
Sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn khói lửa chiến tranh, ngay từ nhỏ, chị Lệ Chi và chị Ngọc Tiến đã sớm giác ngộ cách mạng. Dưới sự dẫn dắt của lực lượng kháng chiến địa phương, cả hai đã tham gia vào nhiều phong trào đấu tranh, làm nên những chiến công vang dội, đồng hành cùng quân và nhân dân trong cuộc chiến bảo vệ độc lập dân tộc.
Theo tài liệu lịch sử ghi lại, những năm 1970, tình hình chiến trường ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) diễn ra rất ác liệt. Vì thế, vào khoảng tháng 3-1970, Trạm xá Dân y huyện Chợ Gạo buộc phải mở hướng sang tỉnh Bến Tre để tránh mũi nhọn của địch, xây dựng cơ sở điều trị và nuôi dưỡng thương binh. Trên cương vị Phó trạm, chị Ngọc Tiến cùng Trưởng trạm và 3 y tá khác đã nỗ lực vừa chăm sóc, điều trị cho các thương binh. Vài tháng sau, Trạm trưởng hy sinh, chị Ngọc Tiến điều hành công tác của trạm, tổ chức phòng thủ, lo liệu thuốc men, lương thực, thực phẩm; đồng thời, trực tiếp chăm sóc và chữa trị cho thương binh.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao Bằng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh sự kiện 2 nữ Anh hùng LLVTND Lê Thị Lệ Chi và Lê Thị Ngọc Tiến hy sinh tại xã Hòa Định.
Vào đầu năm 1972, tình hình chiến sự tại huyện Chợ Gạo ổn định, vùng giải phóng được khôi phục và mở rộng. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, chị Ngọc Tiến chỉ huy việc di dời trạm, chuyển an toàn thương binh và dân y từ tỉnh Bến Tre về huyện Chợ Gạo, đóng tại xã Hòa Định, nơi chị Lệ Chi giữ cương vị Trưởng trạm.
Sáng ngày 16-4-1972, lực lượng của địch càn quét vào Trạm dân y xã Hòa Định, khi đó trạm xá còn 18 thương binh. Lúc bấy giờ, hai chị cùng các đồng chí khác đưa hết số thương binh xuống hầm bí mật, ngụy trang xong, gài lựu đạn bảo vệ căn cứ sau đó trở về hầm trú ẩn của mình. Với bản tính hung tàn, bọn địch dò dẫm tìm hầm và không may, chúng phát hiện ra được hầm của 2 chị. Bọn địch yêu cầu 2 chị lên, ép đầu hàng và khai ra nơi trú ẩn của bộ đội, thương binh nhưng 2 chị quyết ở dưới hầm và không lên. Chúng bắn và ném lựu đạn để trấn áp tinh thần nhưng 2 chị vẫn rất kiên quyết.
Trong tay không tấc sắt, nắp hầm sập xuống, 2 chị bị địch bắt. Chúng buộc 2 chị khai báo cơ sở cách mạng, chỉ sơ đồ bố trí các hầm bí mật. Dù 2 chị biết rất rõ nơi giấu các thương binh cách đó không xa nhưng với tinh thần, khí tiết quả cảm của người chiến sĩ cách mạng, 2 chị vẫn không khai. Trước sự kiên cường của 2 chị, chúng không thu được thông tin gì và hành quyết 2 chị ngay sau đó.
Lúc bấy giờ, tên Son, Trung đội trưởng thám báo ác ôn đem chị Ngọc Tiến ra mổ bụng, moi gan trước mặt chị Lệ Chi để áp đảo tinh thần. Không uy hiếp được chị, bọn giặc lồng lộn dùng lưỡi lê mổ bụng sống, moi gan chị Lệ Chi. 2 chị hy sinh anh dũng, bảo vệ an toàn cho 18 thương binh. Chị Ngọc Tiến hy sinh ở tuổi 21, chị Lệ Chi ở tuổi 31. Sự hy sinh oanh liệt của hai chị lan truyền khắp vùng Chợ Gạo, Mỹ Tho. Nhân dân thương tiếc 2 chị và ghê tởm hành động man rợ của giặc. Ngày 23-5-2005, chị Lê Thị Lệ Chi và chị Lê Thị Ngọc Tiến được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
TỰ HÀO VÀ PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG
Cảm phục trước khí tiết anh hùng của hai chị, nhân dân địa phương đã lập miếu thờ tại nơi hai chị hy sinh. Chính quyền địa phương đã đầu tư kinh phí để xây dựng Nhà bia tưởng niệm trên diện tích 1.000 m2 đất tại ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định, với tổng mức đầu tư gần 4,9 tỷ đồng. Nhà bia tưởng niệm được xây dựng khang trang là niềm vui mừng của Đảng bộ, chính quyền, thân nhân gia đình hai liệt sĩ, đồng đội và nhân dân địa phương. Ngày 12-11-2022, UBND huyện Chợ Gạo tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh sự kiện hai nữ liệt sĩ Anh hùng LLVTND Lê Thị Lệ Chi và Lê Thị Ngọc Tiến hy sinh ngày 16-4-1972 và khánh thành Nhà bia tưởng niệm hai nữ Anh hùng LLVTND Lê Thị Lệ Chi và Lê Thị Ngọc Tiến.

Nhà bia tưởng niệm 2 nữ liệt sĩ Anh hùng LLVTND Lê Thị Lệ Chi và Lê Thị Ngọc Tiến là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau.
Khu nhà bia tưởng niệm 2 nữ liệt sĩ Lê Thị Lệ Chi và Lê Thị Ngọc Tiến nằm ngay trên mảnh đất nơi các chị đã từng chiến đấu được xây dựng khang trang, tái hiện các hiện vật lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của 2 nữ liệt sĩ. Nhận thức được ý nghĩa lịch sử quan trọng của di tích, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của khu nhà bia tưởng niệm nơi này. Hằng năm, vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hay các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, di tích trở thành nơi tổ chức nhiều hoạt động tri ân, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân và học sinh, sinh viên.
Bên cạnh việc tưởng niệm, nhà bia này còn là một “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước. Nhiều trường học trên địa bàn đã tổ chức những chuyến tham quan thực tế, giúp học sinh hiểu rõ hơn về những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh. Những câu chuyện về lòng kiên trung của 2 nữ liệt sĩ trở thành bài học sống động về tinh thần yêu nước, khơi gợi ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ.
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Minh Tuấn, đoàn viên xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo: “Không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử, Nhà bia tưởng niệm còn thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người đi trước. Những buổi sinh hoạt truyền thống, kể chuyện lịch sử, dâng hương tưởng niệm tại đây đã và đang tiếp tục nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc trong trái tim mỗi người con đất Việt. Là thế hệ trẻ hôm nay được sống trong môi trường hòa bình, chúng tôi nguyện sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước, ra sức học tập, rèn luyện xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Nhà bia tưởng niệm 2 nữ liệt sĩ anh hùng không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Tiền Giang, mà còn là một minh chứng sống động về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của nhà bia tưởng niệm không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương, mà còn là tâm nguyện của mỗi người dân, để những trang sử hào hùng không bao giờ bị lãng quên.