Đi tìm cột cờ Thành Đông xưa

Là một trong tứ trấn bảo vệ kinh thành Thăng Long, Thành Đông xưa từng có cột cờ (kỳ đài) - biểu tượng thiêng liêng và tự hào, thể hiện vị trí, tầm quan trọng của mảnh đất xứ Đông.

Bản đồ Thành Đông xưa thể hiện thành trì này có cột cờ

Bản đồ Thành Đông xưa thể hiện thành trì này có cột cờ

Biểu tượng của Thành Đông

Ngược dòng lịch sử, trước năm 1804, lỵ sở Hải Dương được đặt tại Lạc Thiên (Chí Linh) gọi là thành Vạn hay doanh Vạn, sau rời về Mao Điền (Cẩm Giàng).

Năm 1804, vua Gia Long quyết định di chuyển lỵ sở của trấn Hải Dương từ Mao Điền về phía đông 15 km, trên ngã ba sông Kẻ Sặt và sông Thái Bình, tại địa phận 3 xã Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao. Trấn thủ Hải Dương khi đó là Trần Công Hiến đã tổ chức di chuyển và xây dựng thành Hải Dương hay còn gọi là Thành Đông. Gần một thế kỷ chấp chính, triều Nguyễn đã không ngừng củng cố Thành Đông thành pháo đài quân sự vững mạnh có nhiệm vụ chặn quân giặc từ phía biển tràn vào.

Giống như các thành trì được xây dựng dưới thời Nguyễn, Thành Đông được xây theo kiểu Vauban. Đây là cách thức xây dựng thành lũy kiên cố của kiến trúc sư người Pháp được ứng dụng ở một số nước phương Tây và xứ thuộc địa trong thế kỷ XVII-XVIII. Thành có hình lục giác đều, ban đầu đắp bằng đất, đến thời vua Minh Mạng được gia cố bằng đá ong. Thành cao 1 trượng 1 thước 2 tấc (4,48 m), bên ngoài thành có hào sâu bao quanh. Hào thành nối với sông Kẻ Sặt rồi thông ra sông Thái Bình qua cống Ba Cửa. Thành mở 4 cửa theo 4 hướng đông, tây, nam, bắc. Từ trong Thành Đông muốn đi ra ngoài phải đi qua 4 cây cầu bằng gạch xây kiểu vòm cuốn bắc qua hào thành.

Cột cờ Thành Đông xưa ở đường Nguyễn Trãi, gần khu vực tập thể Máy Bơm. Ảnh: THÀNH CHUNG

Cột cờ Thành Đông xưa ở đường Nguyễn Trãi, gần khu vực tập thể Máy Bơm. Ảnh: THÀNH CHUNG

Biểu tượng của Thành Đông là cột cờ. Công trình này cao nhất xứ Đông thời điểm đó, tượng trưng cho sự uy nghiêm của vùng đất quân sự chiến lược. Cột cờ được xây dựng ngay cửa vào, cạnh dinh tổng đốc và sở bố tránh. Sáng đầu tuần, quan lại và binh lính sẽ tập trung dưới cột cờ, hướng về phía nam để thể hiện lòng thành kính với nhà vua ở kinh thành Huế.

Nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương, Đông Kiều phố dần hình thành ở khu vực ven sông Sặt. Thành Đông không những là thành trì quân sự mà còn là trung tâm buôn bán sôi nổi, tấp nập. Thương lái, thợ thuyền, cư dân quy tụ về đây sinh sống, lập nghiệp. Từ đó, những con phố mang tên phường hội, nghề nghiệp ra đời như Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Lọng… Người dân Đông Kiều phố sống ngoài thành luôn hướng về phía cột cờ nơi Thành Đông kiên cố, đồ sộ, uy nghi để bày tỏ lòng thành.

Năm 1883, Thành Đông rơi vào tay thực dân Pháp, đến đầu thế kỷ XX thì gần như bị xóa sổ. Cột cờ cũng bị tàn phá. Theo một số tư liệu lịch sử, cột cờ Thành Đông xưa được xây dựng trên đại lộ vệ binh Ney, còn có tên là đường Đề Lao rồi đổi thành đường Nhà Pha. Hiện tại, vị trí này thuộc tuyến đường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) gần khu vực tập thể Máy Bơm.

Trăn trở phục dựng

Nhà sử học Phạm Quý Mùi luôn trăn trở về việc phục dựng cột cờ Thành Đông

Nhà sử học Phạm Quý Mùi luôn trăn trở về việc phục dựng cột cờ Thành Đông

Dành nhiều tâm huyết nghiên cứu lịch sử Thành Đông, ông Phạm Quý Mùi, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị TP Hải Dương rất trăn trở về kỳ đài - minh chứng cho thời kỳ phát triển rực rỡ của Thành Đông. Lật từng trang sử ghi chép về Thành Đông, ông Mùi cho biết cột cờ ở Thành Đông được xây dựng sớm nhất trong 4 cột cờ ở tứ trấn. Kích thước tương đương với cột cờ ở Bắc Ninh, Nam Định và Sơn Tây (Hà Nội), cao khoảng 20 m .

Cột cờ thể hiện chủ quyền, vị trí địa chiến lược nên có giá trị to lớn. Thế nhưng cột cờ Thành Đông đã bị chiến tranh tàn phá, thời gian vùi lấp. Hiện 3 địa phương trên đã phục dựng, trùng tu lại cột cờ để bảo tồn giá trị lịch sử. Duy chỉ có Hải Dương vẫn chưa có kế hoạch phục dựng. “Những người yêu lịch sử, thông hiểu về Thành Đông luôn mong cột cờ được phục dựng. Hiện dấu tích Thành Đông gần như bị xóa nhòa nên cần phải có công trình biểu tượng để thế hệ sau nhắc nhớ”, ông Mùi bày tỏ quan điểm.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Bí thư Chi bộ, Trưởng Khu dân cư số 8 phường Nguyễn Trãi, một số người cao tuổi sinh sống trong khu vẫn còn ký ức về cột cờ dù đó chỉ là câu chuyện được truyền lại qua các thế hệ. Dấu tích của cột cờ không còn nhưng niềm tự hào khi trên địa bàn khu từng có cột cờ thì còn mãi.

Vừa qua, thông tin về việc TP Hải Dương sẽ thực hiện các dự án khu đô thị trung tâm, trong đó dự án đầu tư tại khu vực đường Nguyễn Trãi, tập thể Máy Bơm khiến một số người mong cột cờ được phục dựng. Mọi người mong trong đô thị hiện đại sẽ vẫn lưu giữ giá trị Thành Đông xưa.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Dương đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những cán bộ hưu trí, am hiểu lịch sử về việc xây dựng lại cột cờ để báo cáo Thành ủy.

HOÀNG LINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/di-tim-cot-co-thanh-dong-xua-399044.html
Zalo