Đi tìm bệ phóng cho khát vọng vươn mình của dân tộc
Việt Nam đang nổi lên như một ngôi sao trong khu vực nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và vị thế nổi bật trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, trước những thách thức từ xung đột địa chính trị và địa kinh tế, GS-TS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cho rằng, đất nước cần kiến tạo những động lực tăng trưởng mới để hiện thực hóa mục tiêu vươn mình.
Thưa Giáo sư, Việt Nam hiện có vị thế như thế nào trên trường quốc tế? Những biến động toàn cầu như xung đột chính trị, chiến tranh thương mại… sẽ tác động ra sao tới con đường phát triển sắp tới của nước ta?
Khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn được đánh giá là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới. Riêng trong năm 2024, Tổng cục Thống kê ước tính, GDP của nước ta tăng 7,09% so với năm trước - đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Việt Nam cũng dần khẳng định được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khi ký kết nhiều hiệp định thương mại và “lọt mắt xanh” của hàng loạt nhà đầu tư quốc tế hàng đầu. Kết quả này được phản ánh rõ thông qua dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 38,23 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 25,35 tỷ USD - đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
Đáng chú ý, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn trong ngành bán dẫn. Theo Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu, thị trường bán dẫn nước ta dự kiến có quy mô 7,01 tỷ USD vào năm 2028. Con số này có cơ sở khi nhiều tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới đã và đang xem xét, đánh giá tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị liên tục leo thang, một nền kinh tế mở như Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số thách thức. Đó là áp lực tìm kiếm con đường phát triển thịnh vượng khi tình hình vĩ mô toàn cầu đầy biến số; là bài toán cân đối lợi ích giữa các quốc gia đối tác trong bối cảnh các nước này đang có xung đột và cạnh tranh vị thế ảnh hưởng với nhau.
Một áp lực nữa là việc những biến động trên thế giới sẽ ngày càng tác động tới Việt Nam dưới góc độ trực tiếp hơn, do nước ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
Trước các thách thức trên, Việt Nam cần làm gì để tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế?
Trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã nâng cao năng lực khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Đây chính là đòn bẩy quan trọng giúp nền kinh tế chuyển mình, góp phần xây dựng đội ngũ nhà khoa học và chuyên gia đông đảo, từ đó tạo nên “kỳ tích Việt Nam”. Vào năm 1995, GDP của chúng ta chỉ hơn 20 tỷ USD, năm 2024 đã đạt 476 tỷ USD, tăng gấp 23,8 lần.
Ngày nay, đầu tư cho khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo vẫn nên được coi là hai yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển dài hạn của Việt Nam. Hai yếu tố này sẽ giúp nước ta đào tạo được nguồn nhân lực cao, có khả năng nắm bắt và phát triển công nghệ mới, từ đó tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các thách thức toàn cầu.
Song hành với đó, chúng ta cũng nên thực hiện mạnh mẽ 3 giải pháp ngắn hạn để đảm bảo nền kinh tế vận hành ổn định, tạo được nguồn lực mới cho các chiến lược đầu tư trong tương lai.
Giải pháp đầu tiên là kiên trì đổi mới mô hình tăng trưởng. Thay vì sản xuất những sản phẩm có độ phức tạp thấp, xuất khẩu nguyên vật liệu thô và thâm dụng lao động giá rẻ, Việt Nam cần tìm cách chuyển mình nhanh hơn sang mô hình kinh tế có hàm lượng tri thức cao và áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Để hiện thực hóa điều này, Chính phủ cần tiếp tục nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục, chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên viên kỹ thuật và tăng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Tại Việt Nam, ngân sách dành cho R&D của Chính phủ còn chưa chiếm tới 1% GDP. Trong khi đó, mức trung bình của các nước trong khu vực Đông Nam Á lên tới 2 - 3% GDP.
Giải pháp thứ hai là tập trung thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa. Chính phủ cần nâng mức hỗ trợ về thuế, phí và ưu đãi, để nhóm doanh nghiệp này có điều kiện thuận lợi như các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Khi phát triển tốt, những đơn vị này sẽ là bệ đỡ cho nền kinh tế trước các cú sốc đến từ bên ngoài.
Cuối cùng là cải cách bộ máy hành chính, điều mà chúng ta đang thực hiện rất quyết liệt. Trong môi trường thể chế đề cao sự minh bạch, tăng tính hiệu quả và giảm thiểu quy trình thủ tục, lực lượng doanh nghiệp sẽ tích cực quay trở lại hoạt động, đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, sản xuất. Đây là điều kiện tiên quyết để nước ta có thể kháng cự và tự chủ trước những biến động khó lường của thế giới.
Thưa Giáo sư, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đâu là những động lực tăng trưởng mới của Việt Nam?
Trong các giai đoạn lịch sử, Việt Nam không bao giờ ngừng vươn mình. Vào thời điểm hiện tại, thông điệp đó càng trở nên quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập nước, với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Theo tôi, quá trình vươn mình trong 10 - 15 năm tới của Việt Nam sẽ gắn với 3 động lực chính. Đầu tiên là kinh tế số, Việt Nam đã đặt mục tiêu đưa lĩnh vực này chiếm tỷ trọng 30% GDP vào năm 2030. Tôi cho rằng, con số này là khả thi và chúng ta có thể làm tốt hơn khi đầu tư hiệu quả vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Động lực thứ hai đến từ việc chuyển đổi xanh. Hoạt động này sẽ đáp ứng hai mục tiêu chính: giải quyết bài toán tăng trưởng nhanh, song vẫn đảm bảo phát triển bền vững về môi trường và xã hội; giúp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn về giảm phát thải trong sản xuất, kinh doanh, từ đó duy trì và phát triển hoạt động thông thương với các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Động lực thứ ba chính là những nỗ lực đổi mới sáng tạo. Các nước đang chạy đua trong việc phát triển công nghệ, từ trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật cho đến blockchain, công nghệ tài chính (fintech). Việc xây dựng những trung tâm công nghệ cao để thúc đẩy phát triển các khu vực kinh tế trọng điểm là một yêu cầu cấp thiết, giúp đất nước vươn lên, tự lực, tự cường.
Việt Nam đang là điểm đến, là “ngôi nhà thứ hai” của các doanh nghiệp lớn. Trước cơ hội đó, chúng ta cần làm gì để tạo ra một làn sóng đầu tư mới?
Để thu hút các doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại Việt Nam, điều đáng lưu ý đầu tiên là chất lượng của hạ tầng số và hạ tầng cứng, trong đó đặc biệt là hệ thống cầu cảng, vận tải và logistics. Ngoài ra, năng lực chuyên môn của lực lượng lao động tại các khu công nghệ cao cũng phải được đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Điều thứ hai cần được chú trọng là nguồn cung cấp về năng lượng. Những ngành mà Việt Nam đang tìm cách tham gia chuỗi giá trị toàn cầu như sản xuất bán dẫn, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo đòi hỏi nguồn năng lượng không chỉ lớn, mà còn phải ổn định.
Lưu ý thứ ba là chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ mới. Bên cạnh việc tăng mức đãi ngộ và cung cấp các điều kiện sinh sống - làm việc, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng cần được xem xét và hoàn thiện. Đây sẽ là yếu tố thuyết phục các doanh nghiệp quốc tế an tâm hợp tác và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Việt Nam đang thực hiện một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lớn chưa từng có. Giáo sư đánh giá như thế nào về sự thay đổi này? Khi hệ thống vận hành ổn định, làm sao để Nhà nước thu hút nhân tài về làm việc?
Kế hoạch tinh gọn bộ máy tại Việt Nam là “một mũi tên trúng hai đích”. Cuộc cách mạng nhân sự này không chỉ giảm thiểu sự chồng chéo trong hoạt động quản lý, tăng hiệu quả điều hành, mà còn giúp tiết kiệm một khoản ngân sách lớn. Đây sẽ là nguồn lực để chúng ta tái đầu tư, phục vụ sự phát triển của đất nước.
Về việc thu hút nhân tài, chúng ta cần phải đẩy mạnh các chính sách liên quan đến nhập tịch, sở hữu nhà và môi trường làm việc. Việc chiêu mộ hiền tài cần được mở rộng, hướng tới cả các chuyên gia quốc tế hàng đầu, không chỉ giới hạn ở người gốc Việt.
Chúng ta nên chủ động tìm kiếm những “tổng công trình sư” sở hữu tầm nhìn chiến lược, có khả năng lãnh đạo và sẵn sàng đương đầu với các thách thức lớn trong các lĩnh vực trọng điểm. Ví dụ, các trường đại học trong nước có thể xem xét và mời những chuyên gia, nhà quản lý có năng lực và tầm vóc trên thế giới về làm hiệu trưởng. Điều này sẽ giúp các trường nâng cấp nhanh về chất lượng nghiên cứu và đào tạo, cũng như hợp tác quốc tế.