Di sản truyền thống được 'rọi' bởi AI
Đến triển lãm 'Vọng' vừa khai mạc tại Bảo tàng Đà Nẵng, người thưởng ngoạn không chỉ đắm mình vào không gian hội họa, kiến trúc mà còn có thể tìm hiểu các nét đẹp trong kho tàng văn hóa Việt Nam tích hợp thông qua công nghệ thực tế ảo...

Trải nghiệm công nghệ thực tế tăng cường (AR) tại triển lãm “Vọng”. Ảnh: Thanh Ái - Hải Yến
Triển lãm quy tụ hơn 70 tác phẩm của 30 nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực hội họa, kiến trúc, sắp đặt và công nghệ tương tác. Trong đó, hầu hết là những tác giả trẻ nặng lòng yêu văn hóa xứ Quảng và cả những người con xa xứ vọng nỗi nhớ quê nhà.
Trước dòng chảy của thời đại và nhu cầu thưởng thức ngày càng đa dạng của công chúng, triển lãm mỹ thuật “Vọng” minh chứng cho nỗ lực đưa di sản truyền thống bước ra khỏi những khuôn khổ quen thuộc, tiếp cận người xem bằng những hình thức sáng tạo và gần gũi hơn.
Đối với Đà Nẵng, Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung, bộ môn Bài Chòi được xem là Di sản văn hóa phi vật thể mang đậm hồn quê. Tại triển lãm, trong không gian sắp đặt mang tên “Vọng âm Bài Chòi” lấy cảm hứng từ nghệ thuật Bài Chòi, tác phẩm gồm 30 quân bài làm từ gỗ, tre, ván ép và giấy, kết hợp đồ họa hiện đại phóng tác chi tiết đặc trưng từng thẻ bài. Các quân bài được sắp xếp theo hình tròn nhiều lớp, tạo nên không gian như một “khu vườn Bài Chòi” đầy hoài niệm. Một số quân bài tích hợp mã QR, cho phép khán giả tương tác và tìm hiểu sâu hơn về loại hình nghệ thuật này.
Trong khi đó “Vọng cảnh AR” là không gian lấy cảm hứng từ các làng nghề truyền thống, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Không gian mang đến trải nghiệm mới mẻ, nơi công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) mở ra cánh cửa công nghệ cho người xem tương tác với các di sản văn hóa. Nơi thiên nhiên, con người và truyền thống đan cài trong một trải nghiệm thị giác, thính giác sống động, cảm xúc.
Với sự tham gia của công nghệ AI, những giá trị truyền thống sẽ tiếp tục được “tái sinh” bằng những cách tiếp cận mới mẻ, sáng tạo để tiếp tục phát triển trong đời sống hiện đại. Không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ, việc giới thiệu di sản truyền thống ngày nay còn đòi hỏi sự hòa quyện giữa yếu tố bản sắc và công nghệ, giữa chiều sâu văn hóa và khả năng tương tác đa giác quan.

Triển lãm “Vọng” thu hút đông đảo công chúng.
Gần hơn với công chúng trẻ
Không chỉ là không gian thưởng thức nghệ thuật, triển lãm “Vọng” còn là nhịp cầu nối giữa thế hệ trẻ và các di sản dân tộc dần bị lãng quên. Trong bối cảnh giới trẻ ngày càng quen thuộc với công nghệ số, mạng xã hội và các nền tảng tương tác hiện đại, việc tích hợp những yếu tố như đồ họa kỹ thuật số, thực tế ảo tăng cường (AR)... không chỉ là cách làm mới hình thức thể hiện, mà còn là chiến lược làm cho các giá trị văn hóa truyền thống trở nên phù hợp với xu thế hiện đại.
Thông qua những trải nghiệm đa tầng từ thị giác, thính giác đến cảm giác tương tác trực tiếp, người trẻ được chủ động khám phá các câu chuyện di sản thay vì tiếp nhận thụ động. Họ có thể quét mã để lắng nghe những câu hát Bài Chòi qua giọng nghệ nhân xứ Quảng, “đi dạo” qua các làng nghề bằng công nghệ AR. Đặc biệt giới trẻ ngày nay thích ghi lại những khoảnh khắc đó để có thể chia sẻ lên mạng xã hội, hành động tưởng chừng nhỏ này lại có ý nghĩa lớn lao trong việc lan tỏa giá trị truyền thống đến cộng đồng.

Trải nghiệm công nghệ thực tế tăng cường (AR) tại triển lãm “Vọng”. Ảnh: Thanh Ái - Hải Yến
Triển lãm “Vọng” diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng (số 42 - 44 Bạch Đằng, Đà Nẵng) từ 23/4 đến hết 26/4/2025, trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Khi công nghệ mở lối cho di sản hòa nhập, công chúng trẻ trở thành những người kể chuyện mới, kể lại bằng ngôn ngữ mang xu hướng của thời đại. Điều đó không chỉ góp phần giữ gìn, mà còn tạo điều kiện để những di sản tiếp tục thích nghi và tiếp tục phát triển như một phần tự nhiên của đời sống.
Từ triển lãm “Vọng”, có thể hình dung tương lai của các di sản văn hóa sẽ không còn gói gọn trong bảo tàng, giảng đường hay sách vở, mà sẽ hiện diện sống động trên chiếc điện thoại, máy tính bảng, trên mạng xã hội, nơi mà mỗi cái chạm, mỗi lượt xem, mỗi lượt chia sẻ đều đang tiếp sức cho các giá trị truyền thống, lịch sử trường tồn cùng thời gian.
“Triển lãm “Vọng” là nét chấm phá, mong muốn cộng hưởng vào bức tranh văn hóa nghệ thuật thành phố, đan xen những nỗ lực tôn vinh di sản văn hóa, giữ gìn những giá trị nguyên bản nhưng không tách rời với dòng chảy hiện đại” - đại diện Ban tổ chức, ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng nhận định.