'Di sản trăm năm' Habeco giằng co trong bài toán thoái vốn Nhà nước
Sau giai đoạn tăng trưởng rực rỡ, Habeco đang đối mặt với thách thức cạnh tranh tiêu thụ giảm và bài toán thoái vốn Nhà nước vẫn bế tắc suốt thời gian qua.
Vào thế kỷ 19, khi người Pháp thiết lập Hà Nội như một trung tâm hành chính, văn hóa và kinh tế quan trọng, họ đã tiến hành xây dựng hàng loạt công trình quy mô lớn với quy hoạch bài bản.
Không chỉ phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, người Pháp còn đặt nền tảng cho ngành công nghiệp tại Hà Nội bằng cách thành lập nhiều cơ sở sản xuất. Trong số đó có nền móng của Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Habeco tiền thân là nhà máy bia Hommel, được xây dựng vào năm 1890. Trải qua hơn một thế kỷ, doanh nghiệp vẫn đang hoạt động với hàng loạt thương hiệu như Bia Hà Nội, Bia Trúc Bạch và đặc biệt là bia hơi – gắn liền với đời sống và văn hóa ẩm thực đặc trưng của Hà Nội.
Một thập kỷ tìm lại ánh hào quang
Năm 2008, Habeco tiến hành cổ phần hóa và Carlsberg trở thành nhà đầu tư chiến lược với tỉ lệ sở hữu trên 17%. Sự tham gia của tập đoàn bia danh tiếng này được kỳ vọng sẽ mang lại bước ngoặt cho Habeco nhờ tận dụng lợi thế về công nghệ, quản trị và thị trường quốc tế.


Habeco tiền thân là nhà máy bia Hommel, được xây dựng vào năm 1890
Giai đoạn đầu sau khi hợp tác, tình hình kinh doanh của Habeco có sự cải thiện, đỉnh điểm là năm 2014 khi lợi nhuận đạt 1.100 tỷ đồng.
Giai đoạn 2015 - 2018, lợi nhuận của Habeco – ông chủ thương hiệu Bia Hà Nội – liên tục sụt giảm, chạm đáy 484 tỷ đồng vào năm 2018, tức giảm tới 56% so với mức đỉnh trước đó.
Trước tình hình kinh doanh kém khả quan, tháng 5/2019, Habeco chính thức thay đổi bộ nhận diện thương hiệu với slogan mới "Sức bật Việt Nam". Bước đi này dường như mang lại tín hiệu tích cực khi lợi nhuận sau thuế năm 2020 phục hồi lên 660 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng này không kéo dài lâu. Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các tỉnh, thành phố lớn thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ bia sụt giảm nghiêm trọng. Kết thúc năm, doanh thu Habeco giảm 6,6% xuống 6.963 tỷ đồng, lợi nhuận ròng công ty mẹ chỉ đạt 317 tỷ đồng – mức thấp nhất kể từ khi niêm yết.
Trước đó, cổ đông đã đặt câu hỏi về kế hoạch kinh doanh khá thận trọng của doanh nghiệp trong năm 2021. Ban lãnh đạo Habeco khi ấy lý giải, họ đã tính toán đến kịch bản dịch bệnh có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Chưa kịp phục hồi, năm 2023, Habeco tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Cạnh tranh trong ngành bia ngày càng gay gắt, sức tiêu thụ giảm do bối cảnh kinh tế - xã hội nhiều biến động, cùng với đó là chính sách kiểm soát nồng độ cồn được siết chặt vào cuối năm. Trước áp lực này, Habeco buộc phải cắt giảm 17% chi phí quảng cáo, khuyến mại, chỉ còn gần 580 tỷ đồng.
Bước sang năm 2024, doanh nghiệp dần lấy lại đà tăng trưởng. Doanh thu đạt 8.219 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước. Đáng chú ý, dù chi phí quảng cáo, khuyến mại và hỗ trợ bán hàng tăng 20% lên 714 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ đồng mỗi ngày), lợi nhuận vẫn tăng 13% lên 402 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh. Theo Habeco, kết quả này đến từ sự cải thiện hoạt động kinh doanh, cùng với các giải pháp tối ưu chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả vận hành.
‘Ì ạch’ không thoái nổi vốn Nhà nước
Theo báo cáo quản trị năm 2024, về cơ cấu cổ đông của công ty, Bộ Công Thương sở hữu gần 189,6 triệu cổ phiếu Habeco, chiếm 81,79% vốn điều lệ; trong khi Carlsberg Breweries A/S nắm giữ 17,34%.
Dù kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại Habeco đã được khởi động từ cuối năm 2016, nhưng đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa thể hoàn tất do vướng mắc nhiều vấn đề phức tạp.
Trong đó, rào cản lớn nhất xuất phát từ thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Habeco và Carlsberg – cổ đông chiến lược đang nắm giữ 17,34% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Theo nội dung thỏa thuận, Carlsberg có quyền ưu tiên mua lại cổ phiếu khi Nhà nước thoái vốn. Doanh nghiệp này từng bày tỏ mong muốn nâng tỉ lệ sở hữu lên 30%, tuy nhiên, mức giá chuyển nhượng lại là vấn đề gây tranh cãi và trở thành điểm nghẽn suốt nhiều năm qua.

Diễn biến thị giá cổ phiếu BHN.
Sau khi niêm yết vào cuối năm 2016, cổ phiếu BHN của Habeco biến động mạnh về giá. Thời điểm mới lên sàn, mã này từng vọt lên hơn 225.000 đồng/cổ phiếu – mức giá cao nhất thị trường chứng khoán lúc bấy giờ, trước khi giảm về 80.000-90.000 đồng vào năm 2017, rồi tiếp tục lao dốc xuống khoảng 37.000 đồng vào đầu năm 2025.
Chính sự chênh lệch quá lớn giữa mức giá cao nhất và giá thị trường hiện tại đã khiến các bên không thể đạt được sự đồng thuận. Nếu bán với giá quá thấp, Nhà nước có nguy cơ thất thoát tài sản, nhưng nếu giữ giá cao, quá trình chuyển nhượng cổ phần lại gặp khó do Carlsberg không sẵn sàng chấp nhận mức giá này.
Thực tế, Bộ Công Thương từ lâu đã nhìn nhận việc thoái vốn tại Habeco là một bài toán khó. Cuối năm 2016, cơ quan này từng đánh giá quá trình đàm phán với đối tác chiến lược là "rất rắc rối và đòi hỏi sự khéo léo trong xử lý". Đến nay, dù đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ, nhưng thỏa thuận giữa các bên vẫn chưa đạt được kết quả cuối cùng.
Không chỉ vướng mắc về đàm phán với đối tác chiến lược, sự trì trệ trong việc thoái vốn Nhà nước tại Habeco còn đến từ nguyên nhân nội tại của chính doanh nghiệp. Theo ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Công Thương thời điểm đó, một trong những yếu tố then chốt nhất chính là yếu tố con người. Ông nhấn mạnh, người đứng đầu doanh nghiệp không chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật mà còn cần có chiến lược kinh doanh hiệu quả, cũng như khắc phục những tồn tại để thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu.

Sau giai đoạn tăng trưởng rực rỡ, Habeco đang đối mặt với thách thức cạnh tranh tiêu thụ giảm và bài toán thoái vốn Nhà nước vẫn bế tắc suốt thời gian qua.
Xuất phát từ nhận định này, Bộ Công Thương đã thực hiện một loạt thay đổi nhân sự chủ chốt tại Habeco. Trước năm 2016, doanh nghiệp do Chủ tịch HĐQT Đỗ Xuân Hạ và Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Linh điều hành. Tuy nhiên, đến ngày 21/8/2017, ông Nguyễn Hồng Linh bị tạm dừng nhiệm vụ điều hành không thời hạn, và Phó Tổng Giám đốc Ngô Quế Lâm được giao quyền tạm thời thay thế.
Đến tháng 5/2018, ông Linh chính thức hết nhiệm kỳ, và chỉ hơn một tháng sau, ngày 28/6/2018, ông Ngô Quế Lâm được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc chính thức. Cùng thời điểm này, ông Đỗ Xuân Hạ cũng rời vị trí Chủ tịch HĐQT, nhường lại vai trò này cho ông Trần Đình Thanh.
Dù đã trải qua nhiều thay đổi về mặt nhân sự, nhưng thực tế cho thấy, quá trình thoái vốn tại Habeco vẫn còn bỏ ngỏ. Đến nay, ông Trần Đình Thanh và ông Ngô Quế Lâm vẫn là những người đứng đầu doanh nghiệp, song các vướng mắc lớn vẫn chưa được tháo gỡ, khiến kế hoạch thoái vốn tiếp tục bế tắc.