Đi giữa gió mà giữ hương chữ nghĩa
LTS: Trong guồng quay báo chí đầy tính thời sự, có những nhà báo không chỉ dùng ngòi bút để truyền tải thông tin, phân tích sự kiện, phản ánh hiện thực mà còn dùng ngòi bút thể hiện cung bậc cảm xúc. Đó là lúc nhà báo sáng tác văn, thơ để thoát khỏi áp lực tin, bài. Thơ, văn của nhà báo đôi khi là một góc nhìn khác về những vấn đề xã hội, những phận người mà họ đã gặp trong quá trình tác nghiệp. Họ là những người đi giữa gió mà giữ hương chữ nghĩa. Xin trân trọng giới thiệu trang thơ, truyện của các nhà báo Thái Nguyên.

Các nhà báo Thái Nguyên tác nghiệp tại vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên).
Mời anh đến hội danh trà
Minh Châm
Mời anh đến hội danh trà
Gặp người em gái mặn mà năm xưa
Miệng cười con mắt đón đưa
Bàn tay ngà ngọc sớm trưa chăm chè.
Năm nay mùa hội lại về
Tay em bưng chén nước chè mời anh
Đậm đà hương vị trà xanh
Mùi thơm ngan ngát ngọt lành tỏa hương.
Thương em dãi nắng dầm sương
Chăm chè tươi tốt, vấn vương nghĩa tình
Chè xanh bát ngát quê mình
Có cô em gái đẹp xinh xứ trà.
- - -
Thăm lán Nà Lưa
Nguyễn Niên
Tháng Năm con đến Tân Trào (1)
Rừng thưa, trưa nắng, con vào lán xưa.
Đây rồi, lán nhỏ Nà Lưa (1)
Vẫn đôi ống nước như vừa dựng bên
Đơn sơ cột gỗ, vách phên
Mà như thành lũy dựng nên cơ đồ.
Bác ơi! Thương bác vô bờ
Gian nan thuở ấy bây giờ đã qua
Con về, Bác đã đi xa
Mà lán vẫn ấm đêm qua Bác nằm.
Bồi hồi nghe chuyện tháng năm
Bác ốm, vẫn dặn tướng Văn mấy lời: (2)
“Dù phải đốt cháy Trường Sơn
Thời cơ đã đến không sờn hy sinh” (3)
Lời Bác là ánh bình minh,
Là kèn xung trận, là tình nước non
Con xin tìm đến lối mòn
Suốt đời theo Bác vẹn tròn, thủy chung.
(1)Thuộc Sơn Dương (Tuyên Quang).
(2)Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
(3)Thời cơ giành chính quyền cách mạng tháng 8-1945.
- - -
Những em bé trên đường thiên lý
Nguyễn Thúy Quỳnh
Trong đôi tay tê dại của mẹ
Sau tấm lưng bạt gió của cha
Trên yên xe nóng rẫy đường xa
Dưới bầu trời hầm hập lửa
Bên tán cây dại ven đường
Phút bấu chặt nhau băng qua cánh đồng bão dông
Con lớn
Trên triệu triệu vòng lăn của cặp bánh xe vẹt mòn
Nhẫn nại cõng cả một gia đình
Gia tài duy nhất là sinh mạng
Lầm lũi trở về nơi đã từng hăm hở ra đi
Rồi lại dứt ruột giã từ nơi đã có bao nhiêu ấm êm
Con lớn
Giữa dòng - sông - người rùng rùng chảy xuyên đêm
Trốn chạy cuộc sát thương của kẻ hủy diệt vô hình
Vạt dây chăng ngang ngõ hẻm
Nẻo phố chói gắt tiếng còi xe cứu thương
Giữa những cơn khát sữa thèm cơm
Con lớn
Trong phút dừng nghỉ gấp gáp
Đón chai nước mát lành từ những bàn tay luốc lem
Ăn vội hộp cơm trao cùng ánh mắt cảm thương
Trong lúc chờ cha mẹ duỗi tạm lưng trên vạt đất ven đường
Dưới màn trời mênh mông
Con lớn
Bình minh lên từ phía bình yên
Mẹ cong người ghì chặt con
Cha rạp theo thân xe
Đường thiên lý hôm nay có tên các con
Những em bé vừa đi vừa lớn.
- - -
Dưới cây 50
Lưu Thị Bạch Liễu
Trước mỗi lần ra khỏi nhà
Vợ anh lại cắm một bình hoa
Những bông hoa đồng nội
Thơm mùi thơm đồng nội
Như hương tóc người con gái hay ngồi bên hoa
Mỗi tối tươi cười chờ anh trở về
Mỗi tối anh đẩy cửa vào nhà
Có làn hương quen dụi vào anh khe khẽ
Trước mỗi lần đi xa
Vợ anh bày trên bàn bếp
Mẩu gừng
Cọng hành
Mấy nhánh rau thơm
Như bữa tối còn chưa nấu xong
Như vợ anh đang bận đi đâu rồi trở về nấu nốt
Anh thích căn bếp bề bộn
Nhắc người phụ nữ của anh sắp trở về
Búi tóc cao lên và bắt đầu lau dọn.
- - -
Thái Nguyên yêu dấu
Trường ca Thái Nguyên yêu dấu gồm 7 chương, do nhà báo Minh Hằng sáng tác, đoạt giải C cuộc thi “Đường chúng ta đi” - cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước. Tác phẩm được chị viết với mong muốn dùng con chữ để neo giữ một thời mà người Thái Nguyên đã sống và yêu như thế. Dưới đây là trích Chương 5 mang tên: Thái Nguyên thông minh, đậm đà bản sắc.
Tôi tự hào khoe mình người Thái Nguyên
“Muốn bình yên lên Thái Nguyên mà ở” (1)
Đất quê tôi không nhiều bão lũ
Người quê tôi không gây giông tố.
Bên bờ sông lịch sử
Chúng tôi dựng tượng đài Trung đội dân quân giữ cầu
Các anh vẫn ngày ngày ngắm sông
Ngắm công trình lộng lẫy nối đôi bờ thương nhớ (2)
Cầu Gia Bẩy xưa vẫn đó
Thủy chung như thuở ban đầu
Đỡ bước chân chàng trai sang từ Đồng Bẩm
Hẹn cô gái phố Bến Than
Gặp nhau ở gốc me già.
Tôi đi lạc giữa quê mình,
Phố xá dọc ngang, đô thị xanh ngút mắt
Những tưởng trong mơ
Nay là đời thực
Con người thông minh làm nên thành phố thông minh
Chăm sóc công dân trên hạ tầng số hóa
Người cao tuổi học thêm công nghệ
Mua hàng, đặt vé máy bay không biết mặt
Nỗi đau niềm vui sẻ chia chỉ một cú enter (3)
Người Thái Nguyên chuyển lên không trung hương chè thơm ngát
Việc thật, hàng thật thu phục thị trường qua buổi livestream (4)
Vẫn không quên chè Cánh Hạc của cụ Đội Năm (5)
Nhớ cụ Nguyễn Đình Tuân (6) khai sinh đất chè nức tiếng
Có chàng trai Tân Cương
Xây tượng đài ghi nhớ
Người xưa quẩn quanh đâu đó
Yêu gốc chè nên xui búp trổ thêm…
(1) Câu nói truyền miệng trong nhân dân;
(2) Nhiều cây cầu hiện đại bắc qua sông;
(3) Ký hiệu trên máy vi tính;
(4) Truyền hình trực tiếp;
(5) Cụ Đội Năm là người đầu tiên mang cây chè từ Phú Thọ về trồng trên đất Tân Cương. Năm 1935, cụ mang chè Cánh Hạc do cụ sản xuất đi hội chợ tổ chức ở Hà Nội dự thi và được giải Nhất;
(6) Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân, người có công lập làng Tân Cương và cử cụ Đội Năm đến tỉnh Phú Thọ lấy chè giống về trồng tại Tân Cương.
- - -
Dưới bóng cúc quỳ
Truyện ngắn: Nguyễn Kim Ngân
Thành phố Phù Lâm lên đèn trong tiếng còi xe loang ra, ánh sáng nhá nhem mảnh như sợi khói giữa những tán phượng già cỗi. Giữa lòng đô thị ồn ã, có một căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm trong hẻm sâu, nơi ánh đèn bàn đều đặn hắt lên khung cửa sổ mỗi đêm như thao thức. Đó là nhà của một người đàn bà đã bước qua tuổi bốn mươi, đẹp nhưng trầm mặc. Ký ức và công việc là hai nửa của trái tim người đàn bà ấy không hơn, không kém.
Người ta vẫn gọi Hải Miên là “ngòi bút thép bọc nhung” biệt danh cô cũng không rõ là ngưỡng mộ hay hàm chứa ý nghĩa gì khác nữa. Chỉ biết, nhiều bài viết của cô từng vạch trần các góc khuất của cuộc sống. Người coi cô là ân nhân cũng lắm mà kẻ coi cô là thù cũng nhiều.
Hào quang trong công việc của cô dường như ai cũng thấy, nhưng chỉ Hải Miên biết, đằng sau ánh sáng là không ít bóng đêm. Những đêm mưa, khi tiếng mưa đập vào mái tôn lộp bộp lại như nhắc cô phải nghĩ về điều gì đó đã mất. Một người chồng. Một gia đình. Một khoảng trời bình yên mà lẽ ra cô xứng đáng có được.
Không ai biết lý do cuộc hôn nhân của cô tan vỡ, người ta chỉ biết nó rất ngắn mà thôi. Trong những đêm lặng như nín thở, cô thường nhìn vào bức di ảnh cũ đã ngả màu của cha, một phóng viên chiến trường và từ thẳm sâu trong ký ức lại dội về những câu chuyện mà mẹ cô từng kể. Cô đang đi tiếp trên hành trình mà năm xưa cha cô đã từng đi.
Căn nhà của Hải Miên đầy ắp báo, những giải thưởng mà cô đã nhận được trong sự nghiệp của mình. Tháng Mười Một về, khi những cơn gió đầu đông len lỏi vào thành phố, Hải Miên nhận đề tài viết về các dấu tích chiến tranh ở huyện Phong Liên. Nhắc đến Phong Liên, trái tim cô rung lên, không phải vì cô biết đó là vùng rừng núi xanh ngắt, nơi hoa cúc quỳ vàng rực phủ kín triền đồi mà đó còn là mặt trận được ghi trong giấy báo tử của cha.
Cô khước từ lời mời dự sinh nhật của một đồng nghiệp, gạt đi buổi hẹn với một người đàn ông vẫn kiên nhẫn theo đuổi cô suốt nhiều năm qua. “Nhiệm vụ này cần kíp” cô giải thích, nhưng thâm tâm cô biết rõ, đó chỉ là lý do để cô trốn chạy khỏi những mối quan hệ mơ hồ.
Trước khi Hải Miên lên đường tác nghiệp, tổng biên tập nhắc: "Kế hoạch có chút thay đổi, trên Phong Liên mới báo, người đi rừng vừa phát hiện về một ông già giữ rừng tự xưng từng ở sư đoàn X, sống ẩn dật mấy chục năm. Đề tài này phải làm trước”. Tổng biên tập nhấn mạnh: “Nguồn tin độc quyền đấy, em hãy xử lý cho tốt!”.
Miên lên đường với vài ba bộ quần áo, chiếc mũ, cuốn sổ tay, laptop và máy ảnh như bao chuyến tác nghiệp khác. Có điều lần này cô mang theo một tấm ảnh của cha. Khi đặt chân đến Phong Liên, cô thấy mình như bước vào một thế giới khác. Không còi xe, không nhịp sống vội vã, chỉ có tiếng gió thì thầm qua kẽ lá và mùi đất nồng nồng. Cô tự hỏi: có phải cha từng đứng ở đây, cũng hít bầu không khí này và nghĩ về đứa con chưa được gặp?
Trèo đèo, lội suối, theo chân người dẫn đường vào sâu trong thung lũng, một căn chòi gỗ cô độc lấp ló dưới tán cây dần lộ ra. Chiếc ba lô trên vai cô bỗng nặng trĩu, không phải vì trọng lượng mà vì một cảm giác vô hình.
Căn nhà không đóng cửa, một người đàn ông râu tóc đã bạc, ánh mắt như gỗ mục, nhìn cô trong sự lạnh lùng. Người dẫn đường nói nhỏ với cô đây là ông Tám. Bàn tay ông chai sần, run run khi đưa cô bát nước nấu bằng loại lá cây nào đó. "Cháu từ thành phố Phù Lâm đến", cô chủ động giới thiệu. Ánh mắt ông dại dại, chòm râu khẽ lay lay theo nhịp lắc đầu của ông xem chừng ông không hiểu. Cô hỏi ông bao nhiêu tuổi, quê ở đâu, ông ở đây từ khi nào… ông đều lắc đầu.
Nhưng khi cô nhắc đến những địa danh chiến sự, ông lại đọc vanh vách từng tọa độ, như thể chiến tranh vừa mới ở đây ngày hôm qua. Ông không hề mất trí như người đi rừng đồn đoán, có lẽ ông chỉ bị lạc một phần ký ức nào đó. Giọng khàn đục của ông trong dần, càng nói càng mạch lạc. Hải Miên nghe chăm chú, cô biết đây có thể là câu chuyện độc đáo nhất trong sự nghiệp của cô, một câu chuyện mà bất cứ người làm báo nào cũng mong gặp được.
Đêm đó về chỗ nghỉ, cô lật tập hồ sơ, dò tìm danh sách liệt sĩ. Cô dụi mắt liên hồi khi nhìn thấy dòng tên Nguyễn Văn Tám, hy sinh năm 1972, mộ phần nằm tại nghĩa trang Trường Sơn. Liệt sĩ này với ông Tám mà cô mới gặp có phải là một người? Cô chợt nhận ra bản thân mình đã thôi nghĩ như một phóng viên săn tin, trong đầu cô hiện lên biết bao câu hỏi về một con người đứng trước bí ẩn của số phận và lịch sử. Cô quyết định trở lại thăm ông vào ngày hôm sau.
Khi cúc quỳ cháy vàng dưới ánh trăng mỏng như sợi tơ, ông Tám kể về một phóng viên chiến trường đã bám trụ cùng ông giữa bom đạn. Cô thấy mình run lên. Có phải đây là sự thật cô tìm kiếm, hay chỉ là ảo ảnh của một ký ức được chắp vá?
"Ông ấy có đôi mắt giống cô lắm. Hay cười. Chụp hình, viết bài gửi về mà chẳng bao giờ ký tên thật. Ông ấy cũng là người cuối cùng tôi nhìn thấy trước khi bị vùi trong đất đá. Hình như tên là... Trường”.
Trái tim Hải Miên khẽ thắt lại. Cổ họng cô nghẹn đắng. Lẽ nào ông đang kể về cha. Cô đã nghe về cha qua bao nhiêu câu chuyện, nhưng đây là lần đầu tiên cô nghe kể từ người có thể đã đứng cạnh ông trong những phút cuối cùng. Trường, tên khai sinh của cha. Mẹ cô từng kể, ngày ông ra đi chỉ để lại mỗi lá thư được gửi về kèm giấy bảo tử. Trong thư ông nói về giới hạn của sự thật kèm lời dặn “Khi nào con mình lớn, nếu nó làm báo, chắc sẽ hiểu điều bố nói".
Trở về, cô thức trắng đêm, câu nói của ông Tám vẳng bên tai cô: Tôi không cô đơn, nhà này đâu phải chỉ có mình tôi, đồng đội tôi vẫn về chơi mà, cả anh Trường nữa, lần nào về anh ấy cũng mang theo chiếc máy ảnh.
Lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, cô đứng trước hai lựa chọn, một là đưa câu chuyện này lên mặt báo, có thể sẽ gây tiếng vang lớn, hai là gói ghém tất cả, để ông già ấy được yên bình trong thế giới riêng của mình.
Trở về Phù Lâm, cô không cố gắng giải mã ông Tám là ai. Có thể ông chỉ là người lính sống sót với ký ức lẫn lộn, có thể là nhân chứng cuối của một sự kiện nào đó đã đi vào lịch sử. Cô nhận ra, thứ đo lường giá trị của một nhà báo đâu chỉ là giải thưởng, là giá trị thông tin của mỗi bài viết mà còn đôi khi còn là giới hạn khi phơi bày sự thật.
Hải Miên không viết loạt bài phóng sự như kế hoạch ban đầu. Cô gửi tòa soạn một truyện ngắn không ký tên kèm một bản tường trình gửi Ban Biên tập.
Người ta khen truyện cảm động. Có người bảo văn giống cô Hải Miên, nhưng mềm mại hơn, giống mà lại không giống.
Bên cửa sổ căn nhà nhỏ, Hải Miên nâng niu bức ảnh cũ, hình cha chụp ngày cuối ở mặt trận, nắng vàng chạy dọc vai áo rách của cha. Cô khẽ thầm thì: Cha ơi, con đã hiểu rồi!