'Đi bão' là gì?
'Đi bão' trở thành cách ăn mừng đặc biệt của người Việt Nam mỗi khi đón sự kiện đặc biệt, như chiến thắng của đội tuyển quốc gia trước Thái Lan ở chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024.
Ngày 2/1, sau khi Việt Nam chiến thắng Thái Lan 2-1 ở trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024, các tuyến đường lớn tại TP.HCM và Hà Nội được phủ màu đỏ bởi đoàn người xuống phố "đi bão".
"Bão" là một loại hình thời tiết cực đoan được hình thành từ 3 yếu tố: nhiệt, ẩm và động lực. Thế nhưng, tại Việt Nam, "bão" hay "đi bão" mang một lớp nghĩa khác.
Đây là thuật ngữ được dùng để chỉ hàng triệu người dân đổ ra đường ăn mừng một sự kiện đặc biệt nhằm tạo ra bầu không khí náo nhiệt trên đường phố, điển hình là khi đội tuyển bóng đá Việt Nam giành chiến thắng quan trọng.
Hoạt động "đi bão" thường diễn ra vào buổi tối. Người tham gia "đi bão" di chuyển bằng nhiều loại phương tiện, thường là xe máy và đổ về khu vực trung tâm, đồng thời hô vang khẩu hiệu như “Việt Nam vô địch” và sử dụng còi xe, loa kèn, khiến bầu không khí sôi động.
Hình thức ăn mừng này được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1995, khi đội tuyển Việt Nam giành huy chương bạc tại SEA Games. Nhưng khoảng một thập kỷ trở lại đây, đặc biệt sau loạt "kỳ tích" của bóng đá Việt năm 2018, thuật ngữ "đi bão" trở nên phổ biến và lan rộng.
Ban đầu, phong trào này diễn ra chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, theo thời gian, "đi bão" đã lan rộng ra toàn quốc. Không chỉ là cơ hội để bày tỏ tình yêu với đội tuyển, nhiều người còn tận dụng thời gian này để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ như bán nhà, khóa học...
Dù “đi bão” là biểu tượng của niềm tự hào bóng đá, hoạt động này cũng gây ra nhiều tranh cãi. Việc tập trung đông người trên đường phố có thể dẫn đến ùn tắc giao thông, mất trật tự công cộng.