ĐHĐCĐ MIC: Lợi nhuận mục tiêu tăng 75%, đầu tư nhiều hơn vào cổ phiếu, trái phiếu
Bảo hiểm Quân đội (MIC) dự kiến dịch chuyển cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng tăng cổ phiếu và trái phiếu có tiềm năng tốt, với với kỳ vọng VN-Index ở mức 1.300 - 1.500 điểm, cùng động thái khuyến khích đầu tư công của Chính phủ.
Sáng 31/3/2025, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC,mã MIG - sàn HoSE) tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2025 với 36 cổ đông và người được ủy quyền đại diện cho 79% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
Tỷ lệ chi phí kết hợp tăng do trích lập dự phòng theo quy định mới
Năm 2024, MIC đứng ở vị trí top 4 thị phần, tăng 1 bậc so với năm 2023. Tổng doanh thu năm 2024 đạt 5.384 tỷ đồng, tăng trưởng 7,1%. Lợi nhuận trước thuế đạt 308 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra, MIC hoàn thành 82% kế hoạch doanh thu và 70% kế hoạch lợi nhuận. Tỷ lệ chi phí kết hợp ở mức 103,6%, cao hơn 7,6% so với kế hoạch đề ra đầu năm trước. Tỷ lệ bồi thường thuộc mức trách nhiệm giữ lại đạt 31,6%, giảm 3,2% so với năm 2023.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về nguyên nhân khiến tỷ lệ chi phí kết hợp tăng mạnh trong năm 2024 dù tỷ lệ bồi thường giảm, chi phí quản lý giảm, ông Đinh Như Tuynh, Tổng giám đốc MIC cho biết mức tăng trên chủ yếu do thay đổi quy định pháp luật về trích lập dự phòng đối với phí chưa được hưởng từ các hợp đồng có thời hạn 1 năm trở xuống tại Thông tư số 67/2023/TT-BTC ngày 2/11/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, chi phí dự phòng tăng thêm 158 tỷ đồng so với năm trước. Nếu loại trừ thay đổi trên, tỷ lệ chi phí kết hợp năm 2024 là 96,3%.
Báo cáo thêm về ảnh hưởng của cơn bão Yagi, Tổng giám đốc Đinh Như Tuynh cho biết đã có 1.900 vụ do tổn thất từ cơn bão này với mức bồi thường khoảng 500 tỷ đồng. MIC dự kiến giải quyết cơ bản xong toàn bộ với khách hàng vào tháng 6/2025. Toàn bộ chi phí bồi thường cho Yagi đã được trích lập 100% bao gồm hồ sơ đã và đang giải quyết. Bão Yagi làm tỷ lệ bồi thường chung tăng 10%. Tuy nhiên, nhờ cấu trúc tái bảo hiểm phù hợp, tỷ lệ không phải quá lớn.
“Tổng công ty sử dụng 112 tỷ đồng quỹ dự phòng giai đoạn lớn do thực hiện bù đắp tổn thất tài chính từ thảm họa. Nếu không dùng quỹ này, tỷ lệ bồi thường là 35,9% thay vì mức 31,6% như báo cáo”, ông Tuynh cho biết.
Theo phương án trình và được cổ đông thông qua, MIC chi trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 10%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu. Với phương án chi trả cổ tức 5% bằng cổ phiếu, MIC sẽ phát hành thêm hơn 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nguồn vốn lấy trên lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Thời gian dự kiến phát hành vào quý II-III/2025 sau khi được các cơ quan nhà nước chấp thuận.
Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 75%, tập trung nhiều hơn vào
Theo kế hoạch trình đại hội, năm 2025, MIC đặt mục tiêu giữ vững thị phần, doanh thu bảo hiểm tăng trưởng 25%, lợi nhuận tăng trưởng 75%, tỷ lệ cổ tức tối thiểu 10%.
Sau khi tăng trưởng mạnh gần 17% năm 2022, doanh thu phí thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng chững lại khi chỉ đạt 5% năm 2023 và phục hồi năm 2024 với mức tăng trưởng 12%. Theo Tổng giám đốc Đinh Như Tuynh, công ty dự báo thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng doanh thu phí năm 2025 xấp xỉ 10%. Giai đoạn 5 năm tới, dự báo tăng trưởng thị trường bình quân 10-13%/năm.
Động lực cho mức tăng trưởng này, theo ông Tuynh, đến từ việc tỷ lệ thâm nhập của bảo hiểm tại Việt Nam còn thấp hơn trung bình các nước trong khối ASEAN. Trong khi thu nhập người dân dự báo sẽ được cải thiện lớn. Nền kinh tế phát triển ổn định cũng là cơ sở gia tăng các nghiệp vụ bảo hiểm, nhất là nghiệp vụ tài sản kỹ thuật do tăng đầu tư công hay lĩnh vực FDI giúp nghiệp vụ tài sản, con người, hàng hóa tăng trưởng tốt. Cùng đó, hoạt động chuyển đổi số được thúc đẩy, môi trường pháp lý với các quy định ngày càng chặt chẽ tạo nền tảng minh bạch vững chãi cho công ty bảo hiểm.
Cạnh tranh trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ cũng là mối quan tâm lớn của các cổ đông. Tổng giám đốc MIC thừa nhận tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt với 33 công ty thành viên và tăng thêm 1 thành viên trong năm 2024. Theo ông Tuynh, cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang dịch chuyển từ phí chuyển sang chất lượng dịch vụ, tạo sự thuận tiện trong chuỗi dịch vụ bảo hiểm. Cùng đó, việc hệ thống pháp lý hoàn thiện là tiền đề để thị trường hoạt động minh bạch rõ ràng.
“Chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận tích hợp hệ sinh thái lớn, có ngân hàng là cổ đông lớn, có công nghệ tốt là nền tảng để phân phối sản phẩm bảo hiểm, cùng việc có năng lực tài chính tốt… sẽ là công ty bảo hiểm có cơ hội gia tăng thị phần. Trong khi đó, nhóm công ty có danh mục sản phẩm kém đa dạng, tập trung vào sản phẩm có chi phí bán hàng, chi phí bồi thường cao; hay các doanh nghiệp thiếu chú trọng đầu tư công nghệ sẽ có khả năng mất thị phần”, CEO Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội cho hay.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về mức tăng trưởng lợi nhuận mục tiêu 75% đề ra cho năm 2025, ông Hưng cũng nhấn mạnh MIC sẽ cân đối tỷ trọng sản phẩm phù hợp theo cơ cấu, tập trung vào nghiệp vụ có lợi nhuận cao, tăng cường nghiệp vụ tài sản kỹ thuật, hàng hải thông qua ký với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ tăng doanh thu, đưa ra sản phẩm có thể may đo tới khách hàng.
Liên quan đến hoạt động đầu tư trong bối cảnh lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm như hiện nay, Chủ tịch HĐQT Uông Đông Hưng cho biết hoạt động đầu tư là mảng chính đóng góp vào lợi nhuận. MIC dự kiến sẽ dịch chuyển trong cơ cấu danh mục đầu tư với với kỳ vọng VN-Index ở mức 1.300 - 1.500 điểm, cùng động thái khuyến khích đầu tư công của Chính phủ. Danh mục đầu tư sẽ dịch chuyển theo hướng tăng đầu tư cổ phiếu và trái phiếu có tiềm năng tốt, lựa chọn mã cổ phiếu để bù đắp được ảnh hưởng lãi suất thấp, cải thiệu hiệu quả lợi suất từ tiền gửi.

Bảo hiểm Quân đội thay 3/5 thành viên HĐQT tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2025.
Cũng tại cuộc họp, đại hội đồng cổ đông cũng thống nhất thông qua đơn từ nhiệm của vị trí Chủ tịch và đồng thời thôi giữ vai trò thành viên HĐQT của ông Uông Đông Hưng. Lý do được đưa ra là vấn đề cá nhân. Cùng với ông Hưng, hai thành viên HĐQT khác là bà Nguyễn Thị Thủy và bà Ngô Bích Ngọc cũng trình đơn xin từ nhiệm vì lý do tương tự.
Danh sách ứng viên trình ĐHĐCĐ bầu bổ sung thành viên HĐQT gồm ông Trần Minh Đạt, bà Vũ Thái Huyền và ông Chu Hải Công. Danh sách ứng viên trình ĐHĐCĐ bầu bổ sung thành viên BKS bao gồm bà Lê Thị Thu Trang và bà Nguyễn Thị Tươi.
Các ứng viên đã được bầu bổ sung vào hội đồng quản trị. Các tờ trình đều được thông qua.
Trong năm 2024, MIC thực hiện chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt và hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm 259 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng thêm 28,6 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên.
Ngày hôm nay (31/3/2025), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) chấp thuận niêm yết bổ sung 25.908.843 cổ phiếu MIG. Qua đó, tổng số lượng cổ phiếu MIG đang niêm yết trên HoSE sẽ tăng từ 172.725.618 cổ phiếu lên 198.634.461 cổ phiếu. Với việc niêm yết bổ sung số cổ phiếu trên, vốn điều lệ của Bảo hiểm Quân đội cũng chính thức tăng thêm từ mức 1.727,25 tỷ đồng lên 1.986,34 tỷ đồng.