MSB đặt mục tiêu lợi nhuận 8.000 tỷ đồng năm 2025, lên kế hoạch thoái vốn công ty tài chính, mua lại công ty chứng khoán
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB - HOSE) dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 nhiều nội dung quan trọng, bao gồm kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 16%, phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, kế hoạch thoái vốn khỏi công ty tài chính TNEX Finance và chủ trương mua lại công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ.
Theo tài liệu chuẩn bị cho ĐHĐCĐ thường niên 2025, dự kiến diễn ra vào ngày 21/4 tới tại Hà Nội, MSB đặt mục tiêu kinh doanh khá tham vọng cho năm 2025. Cụ thể, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 16% so với kết quả thực hiện năm 2024 (gần 6.904 tỷ đồng).
Các chỉ tiêu tài chính khác cũng được đặt ra với mức tăng trưởng đáng kể: tổng tài sản dự kiến đạt 350.000 tỷ đồng vào cuối năm 2025, tăng 9% so với đầu năm; tổng huy động thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn đạt 202.000 tỷ đồng, tăng 15%; tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay tổ chức kinh tế, cá nhân và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) đạt 212.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20%. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, sau khi trích lập các quỹ và nộp thuế từ lợi nhuận trước thuế gần 6.904 tỷ đồng, MSB còn lại 4.414 tỷ đồng lợi nhuận có thể phân phối. Hội đồng quản trị (HĐQT) dự kiến trình cổ đông thông qua phương án phát hành tối đa 520 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 20 cổ phiếu mới). Nguồn vốn thực hiện lấy từ lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức sau khi trích lập quỹ năm 2024 và lợi nhuận còn lại các năm trước chưa chia tính đến 31/12/2024.
Nếu phương án này được thông qua và thực hiện thành công trong năm 2025 (sau khi có chấp thuận của cơ quan Nhà nước), vốn điều lệ của MSB sẽ tăng từ 26.000 tỷ đồng lên 31.200 tỷ đồng. MSB cho biết việc tăng vốn nhằm củng cố vị thế cạnh tranh, bộ đệm vốn, nâng cao các chỉ tiêu an toàn tài chính, hỗ trợ nguồn vốn tín dụng trung dài hạn và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống.
Một nội dung đáng chú ý khác là kế hoạch thoái vốn khỏi Công ty Tài chính TNHH MTV TNEX (TNEX Finance). Đây là công ty con 100% vốn của MSB (tiền thân là FCCOM), có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Năm 2024, TNEX Finance ghi nhận tổng tài sản 3.807 tỷ đồng, dư nợ cho vay 1.774 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 5 tỷ đồng.
Lý giải cho kế hoạch này, MSB cho rằng thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam có sự cạnh tranh rất lớn, đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ về quản trị rủi ro, công nghệ, sản phẩm và nhân sự để phát triển bền vững. Do đó, MSB dự kiến tìm kiếm đối tác chiến lược để chuyển nhượng một phần vốn và hợp tác lâu dài, hoặc chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn góp tại TNEX Finance cho đối tác có năng lực. Việc này giúp MSB thu về nguồn vốn và thặng dư, tập trung hoàn toàn vào lĩnh vực kinh doanh ngân hàng cốt lõi. HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ giao quyền chủ động quyết định phương án và thực hiện các thủ tục thoái vốn.
Bên cạnh việc thoái vốn khỏi mảng tài chính tiêu dùng, MSB lại thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực chứng khoán và quản lý quỹ. Nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều tiềm năng, đặc biệt với mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2025, MSB xác định lĩnh vực chứng khoán và ngân hàng đầu tư là trọng tâm phát triển tương lai.
Ngân hàng cho rằng việc sở hữu một công ty chứng khoán và/hoặc công ty quản lý quỹ sẽ giúp mở rộng sang mảng ngân hàng đầu tư, cung cấp dịch vụ tài chính trọn gói (môi giới, tư vấn, bảo lãnh phát hành, quản lý tài sản), đa dạng hóa sản phẩm đầu tư (quỹ mở, quỹ hưu trí) và tham gia sâu hơn vào thị trường vốn. Do đó, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua chủ trương và giao quyền cho HĐQT tìm kiếm đối tác, quyết định phương án góp vốn/mua cổ phần hoặc mua lại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để trở thành công ty con của MSB.
Ngoài ra, theo quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, MSB cũng sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp ngân hàng được đặt vào tình trạng can thiệp sớm.