Xu hướng chia cổ tức tiền mặt lan rộng trong ngành ngân hàng

Sau một giai đoạn ưu tiên giữ lại lợi nhuận để củng cố bộ đệm vốn và hỗ trợ nền kinh tế, xu hướng chi trả cổ tức bằng tiền mặt đang quay trở lại và ngày càng rõ nét tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, bên cạnh phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Việc các ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc chia cổ tức tiền mặt diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2024 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực và nền tảng tài chính của các nhà băng ngày càng vững chắc hơn. Làn sóng chia cổ tức tiền mặt đã bắt đầu quay lại rõ rệt hơn trong khoảng hai năm gần đây, sau khi chủ trương khuyến khích các tổ chức tín dụng giữ lại lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn Covid-19 được nới lỏng.

Thống kê cho thấy, trong năm 2024, đã có 9 ngân hàng thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, bao gồm VIB, ACB, HDBank, MB, VPBank, Techcombank, Eximbank, SHB và TPBank. Tổng lượng tiền mặt mà các nhà băng này chi ra để trả cổ tức trong năm 2024 ước tính vào khoảng 30.000 tỷ đồng, một con số đáng kể và cao hơn hẳn so với năm 2023 cả về số lượng ngân hàng tham gia lẫn quy mô chi trả.

Bước sang mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, nhiều ngân hàng tiếp tục công bố kế hoạch chia cổ tức tiền mặt hấp dẫn cho năm tài chính 2024.

Mới đây nhất, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra ngày 27/3, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) đã thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 7% trên vốn điều lệ tại ngày 31/12/2024 (29.791 tỷ đồng). Ước tính, VIB sẽ chi ra hơn 2.085 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức này. Song song đó, VIB cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 14%) và phát hành 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên (tỷ lệ 0,26%), đưa vốn điều lệ dự kiến lên hơn 34.040 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), ngân hàng dự kiến trình cổ đông tại Đại hội thường niên diễn ra trong tháng 4/2025 phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 với tổng tỷ lệ cổ tức 25%, kết hợp cả hai hình thức. Cụ thể, ACB dự kiến chi khoảng 4.466 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15% nhằm tăng vốn điều lệ.

Tương tự, Ban lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đã hé lộ kế hoạch trình cổ đông phê duyệt phương án chia cổ tức cho năm 2024 với tỷ lệ tối đa lên đến 30% vốn điều lệ, trong đó bao gồm cả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ tối đa 15%. Kế hoạch chi tiết sẽ được công bố chính thức tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới.

Nhìn lại năm 2024, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là một trường hợp đáng chú ý khi đã chi gần 5.300 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, đánh dấu sự quay lại của chính sách này sau 10 năm liên tiếp giữ lại toàn bộ lợi nhuận để phục vụ tái đầu tư và mở rộng kinh doanh. Lãnh đạo Techcombank cho biết đang xây dựng chính sách để duy trì việc chia cổ tức bằng tiền mặt một cách bền vững, với dự kiến mức chi trả hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20% trên tổng lợi nhuận sau thuế.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) cũng duy trì việc trả cổ tức bằng tiền mặt trong hai năm gần đây. Trong năm 2024 và 2023, MB đã lần lượt chi 2.653 tỷ đồng và 2.267 tỷ đồng để thực hiện chia cổ tức tiền mặt với cùng tỷ lệ 5% (tương ứng mỗi cổ phiếu nhận 500 đồng). Nhiều khả năng MB sẽ tiếp tục đề xuất phương án trả cổ tức kết hợp cả tiền mặt và cổ phiếu trong năm 2025.

Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Riêng trong năm 2024, ngân hàng này đã sử dụng 7.934 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%.

Khánh Ly

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/xu-huong-chia-co-tuc-tien-mat-lan-rong-trong-nganh-ngan-hang-81868.html
Zalo