ĐHĐCĐ LPBank: Chia cổ tức 25%, Chủ tịch mong muốn cổ tức các năm 'càng cao càng tốt'
Ngày 27/4, Ngân hàng Lộc Phát (LPBank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.

Ban lãnh đạo LPBank tại ĐHĐCĐ Ngân hàng
Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 22,2%
Theo báo cáo tại Đại hội, kết thúc năm 2024, LPBank đạt lợi nhuận trước thuế cao nhất lịch sử (12.168 tỷ đồng), tăng trưởng tới 73% so với năm trước, nằm trong nhóm ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng cao nhất hệ thống.
Chỉ số sinh lời ROA và ROE của LPBank lần lượt đạt mức 2,18% và 25,1%, thể hiện hiệu quả vượt trội so với mức bình quân ngành ngân hàng.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm từ 36,86% năm 2023 xuống còn 29,15%, cho thấy hiệu quả trong quản lý chi phí.
Tổng tài sản của LPBank năm 2024 đạt hơn 508,3 nghìn tỷ đồng, tăng 32,8% so với cuối năm trước. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 20,4%, đạt 331,6 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng cũng tăng mạnh 19,3%, đạt mức 283,1 nghìn tỷ đồng.
Nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp (1,51%) cho thấy quản trị rủi ro hiệu quả.
Cùng với kết quả kinh doanh tích cực, năm 2024 cũng đánh dấu bước ngoặt trong hành trình chuyển đổi số của LPBank. Việc triển khai thành công hệ thống Core Banking T24 – được ghi nhận là nhanh nhất châu Á – không chỉ nâng cấp nền tảng công nghệ lõi mà còn mở đường cho hàng loạt dịch vụ tài chính số hiện đại.
Các sản phẩm như LPBank Biz và tổng đài không phím bấm… đã giúp Ngân hàng gia tăng đáng kể trải nghiệm khách hàng. Đây là tiền đề quan trọng để LPBank củng cố vị thế trong kỷ nguyên số hóa toàn diện của ngành tài chính.
Năm 2025, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.868 tỷ đồng, tăng 22,2% so với kết quả thực hiện năm 2024. Tín dụng thị trường 1 tăng 15,8%, huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế và tình hình thị trường. Tổng tài sản tăng 3,5%.
Liên quan đến chiến lược trung và dài hạn, ông Hồ Nam Tiến – Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT – cho biết LPBank đặt mục tiêu trở thành Ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại khu vực nông thôn và đô thị loại 2, đồng thời lọt vào Top 5 về dịch vụ ngân hàng ưu tiên tại các đô thị lớn.
Đối với khu vực nông thôn, LPBank hướng đến việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu của khách hàng tại các khu vực này, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại thành thị, Ngân hàng tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của khách hàng với các dịch vụ chất lượng cao và đa dạng.
Ngân hàng đặt mục tiêu tiếp tục tinh gọn quy trình và hệ thống nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và kinh doanh. Trong đó, LPBank sẽ đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, xây dựng hạ tầng số hiện đại nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa quy trình hoạt động.
Mong muốn chia cổ tức hàng năm càng cao càng tốt
Cũng tại Đại hội, HĐQT LPBank trình kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên đến 25% - là mức chia cổ tức tiền mặt cao nhất thị trường tính đến thời điểm hiện tại. Theo đó, LPBank sẽ chi 7.468 tỷ đồng chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Tỷ lệ trả cổ tức của LPBank qua các năm
Trả lời câu hỏi cổ đông về kế hoạch chia cổ tức những năm tới, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank cho biết Ngân hàng luôn muốn mang lại lợi ích tối đa cho khách hàng, cổ đông và đối tác.
“Chúng tôi mong muốn chia cổ tức hàng năm càng cao càng tốt. Tuy nhiên do diễn biến tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam rất khó lường, nên chúng tôi sẽ thực hiện trình Đại hội đồng cổ đông chia cổ tức căn cứ vào kết quả kinh doanh thực tế hàng năm" – ông Nguyễn Đức Thụy nói.
Chủ tịch LPBank cũng hé lộ năm sau, ngân hàng có thể chia mức 20% bằng tiền và 5-7% bằng cổ phiếu.
Cổ đông cũng chất vấn lãnh đạo LPBank về việc không đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ năm nay. Ông Hồ Nam Tiến cho biết, tính đến cuối năm 2024, LPBank đang có quy mô vốn điều lệ 29.873 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 45.000 tỷ đồng, hệ số an toàn vốn (CAR) 13,81% (quy định của NHNN tối thiểu 8%).
“Theo tính toán của HĐQT và Ban điều hành LPBank, dù không chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, hệ số CAR và các chỉ tiêu an toàn khác của LPBank vẫn đảm bảo, đủ khả năng xếp hạng ở mức gần tối đa theo xếp hạng của Thông tư 52/2018/TT-NHNN” – ông Hồ Nam Tiến cho hay.
Tại Đại hội, LPBank cũng trình cổ đông thông qua phương án thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank AMC), với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng, do LPBank sở hữu 100%.
Theo ông Bùi Thái Hà – Phó Chủ tịch HĐQT, AMC sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý nợ xấu, đồng thời trở thành công cụ linh hoạt để khai thác tài sản và tăng cường năng lực tài chính cho ngân hàng. “AMC không chỉ là công cụ giảm tải cho Ngân hàng mà còn là đòn bẩy chiến lược giúp LPBank tăng cường vị thế cạnh tranh, mở rộng hoạt động trong dài hạn”, ông Hà nhấn mạnh.
Dự kiến, doanh thu của LPBank AMC trong ba năm đầu hoạt động lần lượt đạt 177 tỷ đồng (nửa cuối 2025), 426 tỷ đồng (2026) và 511 tỷ đồng (2027); lợi nhuận trước thuế tương ứng là 97 tỷ, 257 tỷ và 328 tỷ đồng.