Dệt thổ cẩm của người Khmer ở An Giang

Trong sinh hoạt đời thường cũng như trong lễ hội, đồng bào Khmer luôn có ý thức giữ gìn và phát triển những truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Một trong những nét văn hóa đặc trưng, thể hiện rõ tính độc đáo, không thể lẫn với bất kỳ một dân tộc nào khác, đó là bộ trang phục của người Khmer. Để tạo ra một bộ trang phục hoàn chỉnh là quá trình công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế, sáng tạo của người thợ dệt. Hiện nay, tại vùng núi Bảy Núi của tỉnh An Giang, chỉ duy nhất bà con ở ấp Srây Sakốth, xã Văn Giáo, huyện biên giới Tịnh Biên còn giữ được nghề dệt thổ cẩm Khmer (còn gọi là Khmer Silk). Không đơn thuần chỉ là sinh kế, nghề dệt thổ cẩm tại đây vẫn đang âm thầm gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của người Khmer Nam bộ.

Một sản phẩm hoàn chỉnh mang thương hiệu “Khmer Silk” Văn Giáo. Ảnh: Thủy Lê

Một sản phẩm hoàn chỉnh mang thương hiệu “Khmer Silk” Văn Giáo. Ảnh: Thủy Lê

Rộn ràng tiếng khung cửi

Từ thành phố Châu Đốc, men theo tỉnh lộ 948 ngược về dãy Thiên Cấm Sơn khoảng chừng gần 30km là đến làng dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, tọa lạc tại ấp Srây Sakốth, xã Văn Giáo. Bên dưới những nếp nhà đơn sơ là những người chị, người mẹ đang miệt mài bên khung dệt hoặc nong tằm, nong kén. Tiếng thoi đưa khung cửi rộn ràng khắp vùng.

Bà Neáng Nhây là người cao niên nhất và cũng là nghệ nhân có tay nghề cao nhất trong ấp cho biết, xã Văn Giáo có 4 ấp: Đây Cà Hom, Mằng Rò, Srây Sakốth, Văn Trà. Trong đó, ấp Srây Sakốth có 100% đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống. Cũng như làng nghề dệt lụa của đồng bào dân tộc Chăm ở xứ lụa Tân Châu, từ xa xưa, Văn Giáo đã nổi tiếng về trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa, nhà nào cũng có xa quay và khung cửi chạy rầm rập. Ban đầu, nghề dệt thổ cẩm chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ăn mặc trong gia đình, hoặc dùng để may trang phục cho các sư, sãi ở chùa rộng hơn một chút là phục vụ cho nhu cầu của người dân quanh vùng dùng để may lễ phục tham gia trong các dịp lễ tết, hội hè.

Trong thời gian chiến tranh biên giới Tây Nam (năm 1978), bà con Văn Giáo tản mát, ly tán khắp nơi. Người thì chạy về Châu Đốc, Long Xuyên, cũng có người sơ tán đến vùng Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu nên nghề này bị mai một. Nhiều năm sau đó, do cuộc sống khó khăn, nên bà con không mặn mà quay lại nghề truyền thống. Mãi đến những năm đầu của thập niên 1990, bà con mới khôi phục lại nghề dệt truyền thống như trồng dâu, nuôi tằm, nhuộm vải, quay tơ, dệt... Tuy vất vả, nhưng những người thợ rất vui vì góp phần gìn giữ được nét văn hóa của dân tộc. Năm 1998, vải thổ cẩm của người Khmer Văn Giáo lần đầu “xuất cảnh” sang Campuchia với tên gọi “Khmer Silk”. Không lâu sau đó, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo ra đời, chính thức đánh dấu sự trở lại của nghề dệt thổ cẩm tưởng chừng như đã thất truyền ở An Giang.

Năm 2006, Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh An Giang xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Lụa thổ cẩm Văn Giáo”. Năm 2007, nghề dệt thổ cẩm của xã Văn Giáo được UBND tỉnh An Giang công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Đầu năm 2023, sản phẩm dệt thổ cẩm được hội đồng cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm xà rông đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Đây là điều kiện thuận lợi để quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi đến du khách gần xa, góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.

Hiện nay, làng dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo có khoảng hơn 70 hộ, với gần 130 thợ dệt thổ cẩm, trong đó có 2 nghệ nhân, 2 thợ giỏi. Các sản phẩm dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo ngoài tiêu thụ ở các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, còn được xuất khẩu sang các nước: Thái Lan, Campuchia, Myanmar... Đồng thời, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, như: Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... với thương hiệu Khmer Silk. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết, không tồn đọng. Thu nhập của xã viên ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho phụ nữ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số Khmer.

Độc đáo sản phẩm “Khmer Silk”

Mỗi sản phẩm thổ cẩm “Khmer Silk” Văn Giáo đều mang nét văn hóa truyền thống đặt trưng, không máy móc nào có thể thay thế được, dù chỉ là những công đoạn nhỏ nhất.

Là chủ cơ sở quy mô, đồng thời cũng là người truyền nghề cho nhiều lao động nữ tại địa phương, bà Neáng Chanh Ty cho biết, thổ cẩm Khmer gây ấn tượng bởi màu sắc phong phú và hoa văn cực kỳ tinh xảo. Bên cạnh đó, thổ cẩm Khmer thường có hoa văn thể hiện hình ảnh gần gũi trong đời sống hàng ngày hoặc phỏng theo hình ảnh trong các tuồng cổ, truyện cổ tích Khmer. Hoa văn phỏng theo các tuồng cổ thường rất phức tạp nên đòi hỏi người thực hiện phải có tay nghề cao và tâm huyết.

Từ bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của người phụ nữ Khmer dệt nên tấm thổ cẩm mang thương hiệu “Khmer Silk” Văn Giáo. Ảnh: Thủy Lê

Từ bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của người phụ nữ Khmer dệt nên tấm thổ cẩm mang thương hiệu “Khmer Silk” Văn Giáo. Ảnh: Thủy Lê

Để có một sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh, đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn với thời gian dài. Ngoài tay nghề cao, người làm thổ cẩm còn phải tỉ mỉ, cẩn thận và chăm chút đến từng sợi tơ. Mỗi sản phẩm hoàn chỉnh phải qua 5 công đoạn chính: Nhuộm tơ, phơi nắng, làm bông, nhuộm sợi màu lần 2, đánh sợi và lâu nhất là khâu dệt. Tùy độ khó của các sản phẩm mà thời gian dệt sẽ khác nhau. Trung bình, một người thợ giỏi phải mất 3 đến 5 ngày, thợ thường có thể mất 10 đến 15 ngày mới có thể dệt xong một tấm thổ cẩm, chưa kể thời gian chuẩn bị nguyên liệu, nhuộm tơ, bắt bông... Tơ được sử dụng để dệt phải là tơ có nguồn gốc tự nhiên, kết hợp với phương pháp nhuộm đặc biệt mới có thể cho ra những thước thổ cẩm vừa mềm mại, bóng bẩy, không đổ lông lại có độ bền cao. Theo chia sẻ của các nghệ nhân, phải trải qua đến 17 công đoạn mới có thể cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Mỗi công đoạn đều hết sức tỉ mỉ, vì nếu có bất kỳ sai sót nào cũng coi như hư hỏng, phải làm lại từ đầu.

Điểm đặc biệt của thổ cẩm Khmer không chỉ nằm ở kỹ thuật nhuộm tơ, mà còn ở kỹ thuật dệt 3 lớp với 3 màu khác nhau. Vì thế, nếu nhìn ngang tấm thổ cẩm sẽ có màu xanh, nhìn nghiêng bên trái sẽ có màu cam và nghiêng bên phải sẽ có màu đỏ. Một trong những bí quyết tạo màu sắc đẹp chất lượng cao là các nghệ nhân làng nghề đã dùng chất liệu tự nhiên để chế thuốc nhuộm, nhờ đó làm cho lụa óng ả, mượt mà hơn. Kỳ công trong hầu hết các công đoạn từ se tơ đến thành phẩm nên thổ cẩm có giá khá cao, từ vài trăm ngàn đến vài triệu, thậm chí cả chục triệu đồng một sản phẩm.

Từ sản phẩm truyền thống ban đầu, thợ dệt sáng tạo hoa văn cách điệu, mẫu mã đa dạng, phong phú; màu sắc hài hòa, hoa văn sắc sảo, chủ yếu là mặt hàng xà rông, khăn choàng cổ, phông màn cửa, các loại khác theo đặt hàng. Từ bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của người phụ nữ Khmer, nhiều sản phẩm thổ cẩm Khmer Văn Giao đã có mặt ở nhiều nơi trên đất nước và được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng, Top of Form, từ đó, đã góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/det-tho-cam-cua-nguoi-khmer-o-an-giang-post486293.html
Zalo