Đèo Kéo Phay- Di tích lịch sử hào hùng

Xã Phương Viên được biết đến là mảnh đất anh hùng, từng vinh dự được Bác Hồ đặt tên, nay được coi là 'vựa lúa' của huyện Chợ Đồn. Nơi đây còn được biết đến với những câu chuyện lịch sử, anh dũng từ những năm kháng chiến. Trong đó có dấu mốc rực lửa tại Đèo Kéo Phay- nơi vừa được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh của Bắc Kạn.

 Ông Trần Đình Thất, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (người thứ ba từ trái sang) trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố đối với Di tích lịch sử Đèo Kéo Phay cho cấp ủy, chính quyền địa phương.

Ông Trần Đình Thất, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (người thứ ba từ trái sang) trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố đối với Di tích lịch sử Đèo Kéo Phay cho cấp ủy, chính quyền địa phương.

Di tích lịch sử Đèo Kéo Phay thuộc thôn Nà Quân, xã Phương Viên. Đèo có độ dốc thoải, dài gần 1km. Người già ở đây vẫn bảo, ngày trước ở đây có cây Phay rất to, xanh tốt, bà con liền gọi là đèo Kéo Phay. Đèo còn được coi là ranh giới hành chính giữa thị trấn Bằng Lũng và xã Phương Viên, với địa hình hiểm trở, phức tạp, đây là địa điểm du kích huyện Chợ Đồn phối hợp với bộ phận học viên của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn phục kích đánh quân Pháp ngày 10/10 và ngày 16/10/1947 tại thôn Nà Quân, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn.

Ngày 07/10/1947, binh đoàn quân dù gồm 2.000 tên do Xôvanhắc chỉ huy, lần lượt nhảy dù xuống chiếm thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới (7/10), Chợ Đồn (8/10). Nhảy dù xuống Chợ Đồn, quân Pháp chiếm đóng vị trí đồn cũ ở Phương Viên (châu lỵ cũ) và một bộ phận đóng chốt ở Đông Viên (nay là xã Đồng Thắng) để khống chế con đường Bắc Kạn - Chợ Đồn.

Sau hai ngày càn quét khu vực phía đông Chợ Đồn không kết quả, ngày 10/10/1947, lực lượng quân Pháp hàng trăm tên từ Phương Viên tiến về Yên Thịnh, Bản Thi, khép dần gọng kìm về phía tây. Nắm được hướng hành quân của địch, trung đội du kích thoát ly của huyện phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức phục kích tại đèo Kéo Phay.

 Đèo Kéo Phay, xã Phương Viên.

Đèo Kéo Phay, xã Phương Viên.

Đoạn đường từ Phương Viên lên đèo Kéo Phay dài chừng 1km, vừa hẹp lại quanh co khúc khuỷu, đèo không cao lắm, nhưng từ chân đèo đến đỉnh đèo, hai bên đường là núi cao, rừng rậm, phía bên kia đèo cũng không kém phần hiểm yếu. Dựa vào địa hình hiểm trở, hạn chế khả năng quan sát xa và ứng phó kịp thời của địch, quân ta đã bố trí trận địa mai phục ngay sát đỉnh đèo, là vị trí lợi thế, có khả năng quan sát quân địch, và cũng dễ triển khai trận địa, khi cần thì rút lui an toàn. Đúng vào lúc quân địch lọt vào trận địa mai phục, quân ta nhất loạt nổ súng, diệt tại chỗ 2 tên. Bị đánh bất ngờ, quân địch vừa nổ súng loạn xạ, vừa tháo chạy qua đèo. Trận thắng đầu tiên vừa thể hiện thắng lợi về sự hiệp đồng tác chiến giữa quân du kích với bộ đội chính quy, vừa cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.

Ông Vi Văn Vóc, người dân thôn Nà Quân, năm nay đã ở tuổi xưa nay hiếm (ông sinh năm 1934), tóc bạc trắng, bước chân có phần chậm rãi, vậy mà khi nhắc về con đèo lịch sử, ông trở nên bồi hồi: "Năm 1947, khi đó tôi được 13 tuổi. Tôi còn nhớ khi chúng nhảy dù xuống đã chiếm đóng vị trí đồn cũ ở Phương Viên và xây dựng sân bay tại đó (nay là cánh đồng sau trụ sở UBND xã). Tại đây, nhân dân đã di tản vào núi sâu sinh sống, quân Pháp không đạt được mục tiêu nên đã đốt phá làng bản… Sau khi càn quét ở đây không đạt kết quả, chúng kéo quân từ Phương Viên về Yên Thịnh, Bản Thi, khi đến địa phận đèo Kéo Phay ngày 16/10/1947 thì bị quân ta phục kích".

"Khi đó bộ đội chủ lực của ta (gần 20 chiến sĩ) do Chính trị viên Đồng Văn Tạ chỉ huy, kết hợp cùng với du kích xã Phương Viên đã bố trí sẵn lực lượng và phương án phục kích. Tôi còn nhớ tại địa điểm phục kích ngay trên đỉnh đèo, bộ đội ta đặt 2 khẩu trung liên dọc hai bên đường, cứ cách khoảng 10-20m có 1 hầm trú ẩn cá nhân của bộ đội ta. Theo tôi được biết thì hầm trú cũng như trận địa lúc đầu được đặt dưới chân dốc Đèo đoạn km 179. Nhưng do trước đó bị giặc phát hiện nên ta đã di chuyển lên đỉnh đèo và bố trí lại trận địa".

"Trận địa phục kích của ta bị lộ, quân địch tấn công dữ dội, ông Tạ anh dũng hy sinh. Tuy nhiên sau đó bộ đội ta tổ chức phản công lại, tiêu diệt 5 tên địch, buộc địch phải rút lui. Sau khi trận đánh kết thúc, ngày hôm sau tôi cùng các cụ ông lớn tuổi trong địa phương đi chợ ngang qua đèo, tại lưng đèo đoạn khe nước tôi thấy có 2 xác chết của địch nằm ở ven đường, về sau hai xác chết đó chôn cất hay di chuyển đi đâu thì tôi cũng không rõ".

 Ông Vi Văn Vóc chỉ vị trí xác địch bị ta diệt, nằm lại ven đường sau trận đánh.

Ông Vi Văn Vóc chỉ vị trí xác địch bị ta diệt, nằm lại ven đường sau trận đánh.

Sau trận đánh tại Đèo Kéo Phay và nhiều trận khác, quân Pháp đều thất bại nặng nề, ngày 13/11/1947 chúng rút lui khỏi Chợ Đồn, vị trí đồn của chúng và sân bay được chúng xây dựng ở Phương Viên cũng bị phá bỏ. Sau khi quân Pháp rút lui khỏi nơi đây, nhân dân địa phương quay về làng bản sinh sống và khôi phục đời sống kinh tế.

Hiện nay, Quốc lộ 3B đã chạy qua Đèo Kéo Phay, đây là trục đường chính để phục vụ việc giao lưu, vận chuyển hàng hóa. Cũng vì lý do đó nên các dấu tích của sự kiện lịch sử về trận phục kích tại đèo Kéo Phay giữa bộ đội ta và quân Pháp năm 1947 hiện nay đã biến mất hoàn toàn.

Ngày 25/11/2024, UBND huyện Chợ Đồn và xã Phương Viên trang trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Đèo Kéo Phay. Ông Nguyễn Trung Tính, Bí thư Chi bộ thôn Nà Quân chia sẻ: "Tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của địa phương, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của Di tích Đèo Kéo Phay cho người dân, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Mong rằng Di tích sớm được được đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phục dựng để nhiều người biết đến"./.

Bích Phượng

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/deo-keo-phay-di-tich-lich-su-hao-hung-post67717.html
Zalo