Đền thờ Bác Hồ tại Cù Lao Dung: Biểu tượng lịch sử của người dân Sóc Trăng
Nằm tại huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), Đền thờ Bác Hồ không chỉ là một công trình tâm linh mà còn là biểu tượng lịch sử, văn hóa của địa phương.
“Ngọn lửa cách mạng” giữa thời bom đạn
Về huyện Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng, vùng đất vừa hiếu khách, vừa kiên cường trong suốt hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, mỗi người trong chúng ta không thể không dừng chân ghé thăm nơi thờ tự thiêng liêng, đó là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Nằm tại xóm 6, ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Đông (trước đây thuộc xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú), ngôi đền là biểu tượng sâu sắc của lòng dân đối với Bác giữa lòng sông nước hiền hòa.

Đền thờ Bác Hồ tọa lạc xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung) là một trong những di tích lịch sử, văn hóa quốc gia của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Soctrang.gov.vn
Cù Lao Dung là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xã An Thạnh Nhì từng là căn cứ địa quan trọng của Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Sóc Trăng. Đến kháng chiến chống Mỹ, nhân dân nơi đây tiếp tục đùm bọc, che chở cán bộ cách mạng trong những giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất. Suốt 21 năm, vùng đất này là căn cứ vững chắc của Huyện ủy, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cả dân tộc.
Trước sự ra đi của Bác Hồ vào năm 1969, nỗi đau lớn đối với toàn dân tộc, người dân Cù Lao Dung đã tha thiết đề xuất được lập đền thờ Bác ngay trên vùng đất của mình. Sau khi có sự đồng thuận của Tỉnh ủy, Huyện ủy Long Phú đã giao nhiệm vụ cho xã An Thạnh Nhì tổ chức xây dựng công trình theo kiến trúc truyền thống Nam Bộ.

Khuôn viên của đền thờ Bác Hồ tại huyện Cù Lao Dung. Ảnh: Soctrang.gov.vn
Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, việc xây đền gặp nhiều khó khăn. Nhưng vượt lên bom đạn, nhân dân An Thạnh Nhì vẫn kiên cường xây dựng với tất cả tấm lòng thành kính. Sau gần ba tháng thi công khẩn trương, công trình được hoàn thành đúng dịp sinh nhật Bác, ngày 19/5/1970, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày khánh thành, hàng ngàn người dân và cán bộ địa phương đã bất chấp hiểm nguy do bom đạn địch, nô nức kéo về tham dự lễ. Ngôi đền được hoàn thành không chỉ bằng công sức của người dân các xã cù lao, mà còn nhờ phần đóng góp tài chính từ các xã, thị trấn vùng đất liền huyện Long Phú, thể hiện sự đoàn kết và tấm lòng son sắt với Bác Hồ.
Trong quá trình tồn tại, đền từng nhiều lần bị địch đe dọa phá hoại. Song nhờ sự quyết liệt bảo vệ của người dân và tâm lý kính sợ của lính địch trước uy linh của Bác, ngôi đền vẫn được gìn giữ nguyên vẹn.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đền được người dân chăm lo bảo vệ, song qua thời gian cũng bị xuống cấp. Năm 1989, tỉnh Sóc Trăng đã quyết định trùng tu, thay thế toàn bộ vật liệu cũ bằng gạch, ngói, bê tông cốt thép… nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc truyền thống. Đến ngày 19/5/1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ, đền được khánh thành sau đợt trùng tu, trở thành điểm đến thiêng liêng cho đông đảo người dân và du khách.
Ngày 28/12/2001, đền thờ Bác Hồ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (là 1 trong 8 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của tỉnh Sóc Trăng).
Đến năm 2010, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đầu tư xây dựng công trình “Tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử đền thờ Bác Hồ” trên diện tích 2,2 ha, với các hạng mục như: Nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, hội trường, sân lễ, ao sen, đường nội bộ, cây xanh... Sau gần 3 năm thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, trở thành niềm tự hào của toàn tỉnh.
Kiến trúc của đền sử dụng các vật liệu gỗ và ngói truyền thống, mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam. Mái ngói đỏ và cột gỗ lớn tạo nên vẻ trang nghiêm, bền vững cho đền thờ, vừa cổ kính vừa gần gũi. Mái nhà có dạng uốn cong với đầu đao vươn cao, là biểu tượng đặc trưng của các ngôi đình chùa Việt Nam, tạo nên vẻ đẹp truyền thống và cổ kính cho công trình.
Từng chi tiết kiến trúc đều được chú trọng, từ những hoa văn khắc chạm trên cột gỗ đến các câu đối tôn vinh công lao và tư tưởng của Bác Hồ. Tất cả đều tạo nên không gian thanh tịnh và thiêng liêng, nơi mà người dân đến thăm có thể bày tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn sâu sắc với Người.
Trung tâm giáo dục truyền thống và điểm đến văn hóa - du lịch tiêu biểu
Không chỉ là nơi thờ tự, Đền thờ Bác Hồ tại Cù Lao Dung đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, giáo dục lý tưởng sống cho các thế hệ trẻ. Hằng năm, vào những ngày lễ lớn như ngày sinh nhật Bác (19/5), Quốc khánh (2/9), ngày thành lập Đảng (3/2), đông đảo người dân, học sinh, đoàn viên, cán bộ từ khắp nơi trong và ngoài huyện đều về đây dâng hương, tưởng niệm và tham gia các hoạt động ý nghĩa. Các chương trình kể chuyện, chiếu phim tư liệu, thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ được tổ chức thường xuyên, góp phần đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thắp hương tưởng nhớ Bác. Ảnh: Soctrang.gov.vn
Đặc biệt, nơi đây đã trở thành điểm đến tâm linh của nhiều gia đình địa phương. Không ít phụ huynh chọn đền làm nơi giáo dục con cháu về lòng yêu nước, tinh thần nhân ái và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Bằng việc đưa trẻ đến dâng hương, nghe kể chuyện về Bác, các thế hệ được tiếp thêm lý tưởng sống, động lực học tập, và hình thành nhân cách tốt đẹp từ những giá trị giản dị mà cao quý của Người.
Đền thờ Bác Hồ không chỉ giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần mà còn góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng cho Cù Lao Dung. Là điểm đến tiêu biểu trong các tour du lịch sinh thái, lịch sử của tỉnh Sóc Trăng, đền được lồng ghép vào hành trình khám phá thiên nhiên rừng bần, thưởng thức trái cây miệt vườn và trải nghiệm đời sống sông nước Nam Bộ. Chính quyền địa phương đang định hướng phát triển khu vực này thành một điểm du lịch xanh, thân thiện, kết hợp giữa giá trị truyền thống và trải nghiệm sinh thái bền vững.
Lãnh đạo xã An Thạnh Đông cho biết: “Hiện nay, Đền thờ Bác Hồ là ‘ngọn lửa thiêng’ lan tỏa truyền thống cách mạng. Những ngày lễ lớn, địa phương đều tổ chức các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống và báo công dâng Bác; sáng thứ Hai đầu tuần, Đảng bộ xã tổ chức chào cờ tại đền thờ Bác. Noi gương Bác, các cán bộ, đảng viên và nhân dân xã An Thạnh Đông luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương”.
Ngày nay, đền thờ Bác Hồ tại Cù Lao Dung là một địa chỉ đỏ - nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động dâng hương, tưởng niệm của người dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thế hệ đoàn viên, thanh niên. Đây không chỉ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, mà còn là địa điểm tìm hiểu về quá trình đấu tranh, hy sinh và bảo vệ ngôi đền giữa thời chiến. Nơi đây còn tái hiện rõ nét những chiến công vang dội của quân dân Long Phú và vùng cù lao sông nước trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Giữa nhịp sống hiện đại, sự hiện diện của đền thờ Bác Hồ như một lời nhắc nhở sâu sắc về truyền thống uống nước nhớ nguồn, về đạo lý làm người và về lý tưởng sống cao đẹp. Nơi đây không chỉ lưu giữ hình ảnh của một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn khơi gợi tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên và tinh thần đoàn kết trong mỗi con người Việt Nam.