Đến năm 2030, quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP
Đó là mục tiêu được UBND tỉnh đề ra tại Kế hoạch 163/KH-UBND ngày 9-5-2025 triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột pháphát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Tiềm lực, trình độ KHCN và đổi mới sáng tạo được nâng lên mức khá trong các tỉnh/thành phố trong vùng; năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức khá của quốc gia. Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước. Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) thuộc nhóm 25 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt từ 45% trở lên.
Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 90%. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 30% trong tổng số doanh nghiệp.KHCN và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người trên địa bàn tỉnh, đóng góp vào chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) duy trì trên 0,7. Số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 10%/năm.
Quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Phấn đấu thuộc nhóm dẫn đầu trong cả nước về an toàn, an ninh không gian mạng; an ninh và bảo vệ dữ liệu. Phủ sóng 5G toàn tỉnh. Phát triển tối thiểu 80% công dân số. Triển khai các giải pháp phục vụ xây dựng và phát triển đô thị thông minh đối với 1-2 thành phố, thị xã đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh.
100% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến THPT có tổ chức các môn học giáo dục STEM và kỹ năng số. 100% học sinh phổ thông tiếp cận với STEM. Trên 90% người dân tiếp cận được thông tin y tế, sức khỏe và khám bệnh từ xa. Phấn đấu bố trí tỷ lệ phù hợp cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật trong đội ngũ lãnh đạo từng cơ quan, đơn vị nhà nước, hướng tới tối thiểu đạt 25%...
Đến năm 2045: KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Bình Phước trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước; chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương được cải thiện, nâng lên mức khá.
Bình Phước có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GRDP. Thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các tỉnh trong vùng. Thu hút tổ chức, doanh nghiệp mạnh về công nghệ số đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại tỉnh. Có 2 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các tỉnh trong vùng, khu vực.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh cũng đã đề ra 7 nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…