Đến năm 2030, cảng biển Quảng Nam thông quan hàng hóa từ 8,5 - 10,3 triệu tấn
n năm 2030, hệ thống cảng biển Quảng Nam sẽ có 6 bến cảng, 10 cầu cảng, thông quan hàng hóa từ 8,5 - 10,3 triệu tấn, thông qua hành khách từ 34.000 – 54.000 lượt khách.
Theo Quy hoạch phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt tại Quyết định số 310/QĐ-BXD ngày 25/03/2025, hệ thống cảng biển Quảng Nam bao gồm các khu bến: Tam Hiệp, Tam Hòa; Kỳ Hà, Tam Giang và các khu neo đậu, chuyển tải, tránh, trú bão.

Đến năm 2030, hệ thống cảng biển Quảng Nam sẽ có tổng cộng 6 bến cảng, 10 cầu cảng, thông quan hàng hóa từ 8,5 - 10,3 triệu tấn.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Quảng Nam có tổng số 6 bến cảng gồm 10 cầu cảng với tổng chiều dài 2.283m, thông quan hàng hóa từ 8,5 - 10,3 triệu tấn (trong đó hàng container từ 0,6 - 0,8 triệu TEU); thông quan hành khách từ 34.000 – 54.000 lượt khách (tuyến Hội An - Cù Lao Chàm).
Cụ thể, khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa có tổng số 4 bến cảng, 7 cầu cảng với tổng chiều dài 1.724m, thông qua hàng hóa từ 7,5 triệu – 9,0 triệu tấn, thông quan hành khách từ 20.000 - 30.000 lượt khách. Khu bến Kỳ Hà, Tam Giang có 2 bến cảng, 3 cầu cảng với tổng chiều dài 559m, thông qua hàng hóa từ 1 triệu - 1,3 triệu tấn, thông quan hành khách từ 14.000 - 24.000 lượt khách.
Quy hoạch cũng xác định xây dựng khu neo đậu, khu chuyển tải và khu tránh bão tại Cù Lao Chàm và Kỳ Hà - Chu Lai cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn, khu neo đậu trú bão tại vịnh An Hòa cho tàu trọng tải đến 20.000 tấn và các khu neo đậu tránh trú bão khác đủ điều kiện.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 120ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics… gắn liền với cảng), tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 11.490ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải).
Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Quảng Nam đến năm 2030 khoảng 5.236 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 3.612 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 1.624 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Về tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng biển Quảng Nam sẽ tiếp tục phát triển các bến cảng mới, hoàn thành đầu tư các khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa phục vụ cho khu kinh tế mở Chu Lai và các ngành công nghiệp khác, từ đó đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5%/năm -5,5%/năm; thông quan hành khách với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,7 %/năm - 1,8 %/năm.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên đầu tư 2 nhóm dự án. Một là đầu tư xây dựng tuyến luồng Cửa Lở cho tàu đến 50.000 tấn (bao gồm hệ thống đê, kè chỉnh trị, báo hiệu hàng hải, vùng đón trả hoa tiêu…); Đầu tư khu neo đậu tránh, trú bão, đài thông tin duyên hải, hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS); Xây dựng bến công vụ, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành. Hai là đầu tư xây dựng các bến cảng tại khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa phục vụ cho khu kinh tế mở Chu Lai cho tàu đến 50.000 tấn.