TP.HCM: Thấy gì sau một năm thu phí vỉa hè?

Sau hơn một năm thí điểm cho thuê vỉa hè, nhiều tuyến đường tại TP.HCM trở nên gọn gàng, ngăn nắp hơn, đặc biệt ở quận 1. Tuy nhiên, việc thu phí lại chưa đạt kỳ vọng, dự tính ban đầu thu 1.500 tỷ mỗi năm, nhưng đến nay chỉ thu được 7 tỷ đồng.

Ngăn nắp, gọn gàng hơn

Tại quận 1, nơi tiên phong thí điểm mô hình cho thuê vỉa hè là minh chứng rõ ràng nhất, những con đường từng lộn xộn, nhếch nhác nay đã lột xác, trở nên gọn gàng, ngăn nắp.

Một số tuyến đường có thu phí vỉa hè ở quận 1, TP.HCM được triển khai tốt, vỉa hè khang trang, có lối cho người đi bộ. (Trong ảnh: Vỉa hè đường Nguyễn Trãi, phường Phạm Ngũ Lão, chụp tối 29/3).

Một số tuyến đường có thu phí vỉa hè ở quận 1, TP.HCM được triển khai tốt, vỉa hè khang trang, có lối cho người đi bộ. (Trong ảnh: Vỉa hè đường Nguyễn Trãi, phường Phạm Ngũ Lão, chụp tối 29/3).

Ghi nhận của PV, một số tuyến đường trung tâm quận 1 như: Lê Thánh Tôn, Hàm Nghi, Phan Chu Trinh, Hải Triều... vỉa hè được các hộ kinh doanh sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, tạo lối đi thông thoáng cho người đi bộ.

Chị Thanh Hương, chủ một quán nước trên đường Hải Triều chia sẻ, thuê vỉa hè để buôn bán giúp chị tự tin hơn, kinh doanh ổn định hơn: "Từ khi được cấp phép sử dụng, việc kinh doanh trở nên thuận lợi, khách cũng có không gian ngồi thoải mái mà không ảnh hưởng đến người đi bộ", chị Hương nói.

Không chỉ ở quận 1, một số tuyến vỉa hè khác đã được cho thuê trên địa bàn quận 3, quận 10 cũng rất ngăn nắp, gọn gàng. Trước đây, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh tràn lan khiến người đi bộ gặp nhiều khó khăn. Nhưng hiện nay, các hộ kinh doanh đều tuân thủ quy định về diện tích sử dụng, sắp xếp bàn ghế gọn gàng.

Tuy nhiên, trái ngược với những tuyến đường được quản lý chặt chẽ, một số khu vực khác vẫn còn tình trạng lấn chiếm, buôn bán tràn lan, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Nhiều đường có vỉa hè rộng nhưng không được khai thác hợp lý, có nơi bị chiếm dụng bừa bãi, nơi lại để trống gây lãng phí.

Thu ngân sách hụt xa kỳ vọng

Theo thông tin từ Sở Giao thông Công chánh TP.HCM, hiện có tổng cộng 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên. Trong 2.271 tuyến đường có vỉa hè thì có 929 tuyến có vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên và 1.342 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng dưới 3m.

Trong số các tuyến đường có vỉa hè, chỉ có khoảng 27,47% tuyến đủ điều kiện cho phép sử dụng tạm thời phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông (do cần bảo đảm nguyên tắc dành tối thiểu 1,5m bề rộng vỉa hè cho người đi bộ).

Sau hơn một năm triển khai, TP.HCM mới chỉ có 6/22 quận, huyện thực hiện cấp phép và thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè theo quy định. Các địa phương tiên phong gồm quận 1, 3, 4, 8, 10 và quận 12. Tổng số tiền thu được đến nay vào khoảng 7 tỷ đồng.

Thế nhưng, trong số này có đến 2,5 tỷ đồng thu được từ các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, xe đạp công cộng và trung chuyển rác thải sinh hoạt. Số tiền thu từ các quận thông qua hoạt động kinh doanh dịch vụ trên vỉa hè, mua bán hàng hóa và trung chuyển vật liệu xây dựng chỉ đạt khoảng 4,5 tỷ đồng.

Con số này thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng ban đầu của Sở Giao thông Công chánh, khi đơn vị này từng dự tính thành phố có thể thu hơn 1.500 tỷ đồng mỗi năm.

Đề xuất phê bình những nơi chậm triển khai

Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông Công chánh cho biết, một số quận, huyện vẫn đang rà soát, nghiên cứu, chưa triển khai thu phí.

Ngoài ra, quy định về thu phí còn nhiều vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn. Trong đó, chưa có quy định cách tính diện tích thu phí hoạt động thể thao, trụ biển quảng cáo, công trình tạm; việc quản lý, thu phí lòng đường, vỉa hè thống nhất trên 1 ứng dụng; các khoản mục chi phí phục vụ công tác quản lý, thu phí.

Một số nội dung quy định chưa phù hợp trong điều kiện thực tiễn (số phí tính theo 1/2 tháng cho các hoạt động dưới 15 ngày và tính theo 1 tháng cho các hoạt động trên 15 ngày).

Để giải quyết tình trạng này, Sở Giao thông Công chánh đã kiến nghị UBND TP.HCM giao sở này phối hợp các đơn vị rà soát, đề xuất bãi bỏ Quyết định số 32/2023.

Hiện nay, việc sử dụng lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải thực hiện theo Nghị định 165/2024 của Chính phủ. Do đó, quy định về sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo Quyết định 32/2023 cần sớm được bãi bỏ.

Sở cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Nội vụ xem xét, đề xuất đánh giá công tác thi đua đối với các quận, huyện đã triển khai thực hiện trong năm 2024 (quận 1, 3, 4, 8, 10 và quận 12) cao hơn một bậc so với các quận, huyện còn lại. Đồng thời, phê bình nghiêm khắc các địa phương không triển khai quản lý, thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè, để xảy ra các bất cập.

Thu phí ô tô đỗ cũng lỗ 2,28 tỷ đồng

Từ tháng 8/2018, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong bắt đầu thu phí đỗ ô tô theo giờ trên 23 tuyến thuộc các quận 1, 5 và 10. Mức phí đỗ xe

ô tô ở lòng đường ít nhất 20.000 - 25.000 đồng/giờ và lũy tiến cho các giờ tiếp theo, thay vì chỉ 5.000 đồng/lượt như trước.

Đến nay, có 20 tuyến đường cho đỗ ô tô có thu phí. Trong đó, quận 1 có 12 tuyến, quận 5 có 3 tuyến, quận 10 có 5 tuyến với tổng số 879 vị trí cho xe đỗ.

Theo tính toán, với số vị trí cho đỗ xe như trên sẽ thu được khoảng 6,7 tỷ đồng mỗi tháng (khoảng 80 tỷ đồng mỗi năm). Tuy nhiên, báo cáo cho thấy, tổng phí trông giữ xe ô tô từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2024 là khoảng 22 tỷ đồng. Đáng nói, số chi phí cho công tác tổ chức thu phí là khoảng 24,32 tỷ đồng.

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-thay-gi-sau-mot-nam-thu-phi-via-he-192250331215344814.htm
Zalo