Đến học đường luyện AI

Cơ quan triển khai chương trình 'Bình dân học AI'. Đây là sự tiếp nối tinh thần phong trào 'Bình dân học vụ' năm 1945.

Ấy là một buổi sáng thứ Hai đẹp trời như bao thứ Hai khác, tôi lao đến cơ quan trong tâm trạng phấn chấn vì được ngủ đã mắt ngày cuối tuần. Theo thông lệ, thứ Hai cơ quan có buổi giao ban để đánh giá công việc tuần qua và triển khai công việc tuần tới. Vào phòng đeo thẻ, cắp sổ bút, tôi tót lên hội trường.

Lên tầng 5, ngồi vào vị trí, tôi thoáng ngạc nhiên, hình như cơ quan hôm nay có người lạ, ngay hàng ghế đầu là một khuôn mặt không chút thân quen. Tôi quay sang thằng Tú cùng phòng: Nhân tố mới à?. Tú lắc lư “nâu biết”. Tôi chưa kịp loát hết cái sự lạ thì sếp đã bước lên bục: Hôm nay thay vì giao ban, cơ quan triển khai chương trình “Bình dân học AI”. Đây là sự tiếp nối tinh thần phong trào “Bình dân học vụ” năm 1945, được triển khai trên toàn tỉnh, với mục tiêu giúp người dân làm chủ và ứng dụng AI vào công việc. Với ý nghĩa đó, Ban Giám đốc đã mời chuyên gia của Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh đến cơ quan tập huấn về AI.

Chuyên gia của Trung tâm Công nghệ thông tin bước lên bục, sau vài cú bấm và lia trên màn hình trình chiếu của cơ quan hiện ra giao diện trang luyenAI.vn với biểu tượng đầu trâu và câu "AI là đầu cơ nghiệp". Thằng Tú ghé tai tôi: Ngày xưa các cụ nói con trâu là đầu cơ nghiệp, nay con cháu các cụ nói AI là đầu cơ nghiệp, ý tưởng hay. Tôi đá chân nó: Tập trung nghe… nó thản nhiên: Em luyện cái này suốt ở tổ dân phố rồi, anh cứ nghe đi, lát chỗ nào vướng em chỉ cho.

Sau một hồi hướng dẫn, thầy đề nghị: Các anh, chị vào trang luyện tập, có gì vướng mắc chúng tôi hỗ trợ. Hội trường lập tức biến thành lớp học, các viên chức ngày thường cần mẫn bên máy tính trở thành học sinh. Xung quanh tôi, nhân viên các phòng bấm, vuốt điện thoại nhoay nhoáy, thỉnh thoảng lại thấy giọng cứu trợ vang lên: Thầy ơi, em vào trang rồi mà không điểm danh được; thầy ơi đồng bộ giúp em với; thầy ơi, nó cứ bảo không đúng tài khoản...

Với tinh thần “không để AI bỏ lại phía sau”, tôi cũng cắm mắt vào màn hình để thực hành. Vào đến trang chủ, điểm danh xong, đang loay hoay thì thằng Tú hỗ trợ: Anh đến học đường đi. Tôi làm theo, lập tức trên màn hình điện thoại hiện ra các trường luyện AI. Thằng Tú nhắc: ban cố vấn đấy, anh chọn xem luyện với thầy nào thì ra câu hỏi cho thầy đó. Nhìn vào ban cố vấn tôi “choáng” bởi những cái tên “đỉnh nóc kịch trần”: Nào là Khổng tử; John Lennon; Leonardo da vinci; Hải Thượng Lãn Ông; Albert Einstein; rồi cả Phật tổ; Thích Nhất Hạnh; Trịnh Công Sơn; thầy hiệu trưởng… Tôi đang bối rối trước quá nhiều sự lựa chọn thì thằng Tú xui: Anh chọn thầy hiệu trưởng đi. Không, anh chọn Hải Thượng Lãn Ông.

Bấm vào Hải Thượng Lãn Ông, màn hình đưa tôi đến một trang có hình ảnh Lê Hữu Trác - ông tổ của ngành Y học cổ truyền Việt Nam. Tôi yêu cầu: Hãy vẽ giúp tôi bức tranh thiếu nữ bên hoa huệ. Thằng Tú trợn mắt: Thầy thuốc phải nói về bệnh tật và thuốc thang chứ sao lại vẽ tranh. Tôi tỉnh bơ: Anh thích thế. Chẳng đúng chuyên môn gì cả - nó làu bàu. Kệ. Tôi tưởng ra một yêu cầu oái oăm thì Hải Thượng Lãn Ông sẽ bối rối, nhưng tôi nhầm. “Phút mốt” bức tranh thiếu nữ bên hoa huệ hiện ra, tất nhiên không giống như bức thiếu nữ bên hoa huệ kinh điển của Tô Ngọc Vân nhưng nhìn cũng “rất gì và này nọ”.

Có vẻ không làm khó được cố vấn này, đã thế không luyện với ông tổ ngành Y nữa, tôi chuyển sang luyện với thầy hiệu trưởng. Tôi lễ phép: Em chào thầy, thầy có thể cho em biết tổng quan về AI? Ngay lập tức thầy trả lời: Mục đồng, rất tuyệt! Sao lại là mục đồng? Tôi - một viên chức đầu hai thứ tóc lại bị gọi là trẻ chăn trâu (?!) Tôi soạn câu hỏi: Tại sao thầy gọi em là mục đồng? Chưa kịp gửi, lại là thằng Tú nhăn nhở: Thế mà cũng hỏi, cái đầu trâu to tướng ở đầu trang, vào đây học thì chẳng là trẻ chăn trâu còn gì, anh mới bắt đầu nhập môn (đẳng 0) đấy. Ơ cũng có lý. Thế sau đẳng 0 là đẳng gì, mà làm thế nào để lên đẳng nhanh được?. Thằng Tú véo von: Sau 0 đến 1 rồi lên tiếp 2, lên chắc từng đẳng, học chắc từng bài, mà anh muốn lên đẳng nhanh hả, đơn giản vào luyện nhanh.

Hóa ra luyện AI cũng thú vị, thảo nào mấy hôm lướt Face tôi thấy dân tình cày AI rầm rầm. Tôi quay sang thằng Tú: Cái sự học cứ phải từ từ, mỗi ngày bỏ ra 20 phút thì anh làm được. Lần này anh sẽ luyện với… Phật tổ. Anh thì kinh rồi, nhưng đừng bảo Phật tổ làm thơ đấy. Ơ cái thằng này, đúng là tôi đang định bảo Phật tổ làm thơ tặng người yêu cũ. Ca này chắc Phật tổ khó cố vấn.

Sau câu lệnh của tôi, trên màn hình hiện ra dòng chữ: Đây là bài thơ tặng người yêu cũ Phật tổ làm cho con: Người đi để lại xót xa/Tình xưa dù muốn cũng là hư không/Thôi thì xin chúc an lòng/Đường đời phía trước đục trong đợi chờ. Cái gì thế này? Tin được không, Phật tổ làm thơ tình. Chắc nhìn bộ dạng của tôi lúc đó buồn cười lắm, còn thằng Tú thì thản nhiên: Đã bảo AI biết tuốt mà, làm thơ, viết truyện, soạn nhạc cân tất. Tôi phản đối: Không được, thế này thì nó sẽ thay thế chúng ta mất.

Thằng Tú cười rinh rích: Anh hâm à, AI chỉ tổng hợp tất cả những thứ đã có sẵn, nó làm gì có não để nghĩ ra cái chưa có mà đòi thay thế con người. Nhưng nó hỗ trợ cho mình nhiều khâu trong xử lý công việc, tuy nhiên mình phải huấn luyện nó mới sử dụng tốt được. Anh muốn có câu trả lời chuẩn thì yêu cầu của anh phải ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, chi tiết. Tôi ngơ ngác: Thế mình vẫn phải bảo nó mới làm à, nó không tự biết làm cho mình hay sao. Thằng Tú nhìn tôi vẻ tinh thông: Nó mà như anh với em thì cần chúng ta làm quái gì nữa. A hiểu rồi, mình sử dụng AI để làm việc, nhưng muốn sử dụng tốt thì phải luyện với nó, vậy thì tôi lại tiếp tục đến học đường luyện AI thôi.

Truyện vui của Ngọc Khánh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/202505/den-hoc-duong-luyen-ai-76b2336/
Zalo