Đến đình chùa là dịp nhắc mình sống tử tế để xứng đáng với tiền nhân

Theo TS Dương Hoàng Lộc, đến đình chùa, ngoài việc lễ lạy, cúng kính thì quan trọng hơn là dịp nhắc mình tử tế, khép mình trong suy nghĩ, lời ăn tiếng nói, cách sống... để xứng đáng với tiền nhân, không hổ thẹn với thần Phật.

Mỗi dịp đầu năm mới, nhiều người lại bận rộn cúng bái với hy vọng có thể giải trừ hạn ách, đón nhận may mắn, tài lộc. Không ít người vì quá cuồng tín mà rơi vào cảnh trầm mê, hao tốn tiền của, ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần của bản thân và cả gia đình.

VietNamNet mở diễn đàn Cầu cúng đầu năm: Giữ tín ngưỡng, tránh mê tín để độc giả cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Bài viết liên quan gửi về địa chỉ email: Bandoisong@vietnamnet.vn

Chia sẻ với VietNamNet trong diễn đàn Cầu cúng đầu năm: Giữ tín ngưỡng, tránh mê tín, TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo - đạo đức, Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TPHCM, nói thêm về sinh hoạt cầu cúng đầu năm của người Việt:

Đầu năm đi chùa để cầu an, bày tỏ các ước vọng đối với trời Phật, thánh thần theo niềm tin của mỗi người là điều giúp cho con người có điểm tựa tinh thần để bắt đầu một năm mới.

Khởi đầu thuận lợi thì mọi việc sẽ hanh thông, như ý, cả năm gặp may mắn. Chính quan niệm này cùng với tâm lý "đầu xuôi đuôi lọt" nên đầu năm, mọi người tập trung vào làm các việc phước thiện, từ trong nhà đến chốn tâm linh để có năng lượng tích cực, lấy đó làm động lực phấn đấu cho cả năm.

Tuy nhiên, thực hiện việc này phải trong tinh thần hiểu biết, không dựa dẫm dẫn tới mê tín, tránh các hoạt động mà các ngành chức năng cũng như các tổ chức tôn giáo khuyến cáo không nên làm.

Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc. Ảnh NVCC

Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc. Ảnh NVCC

- Thưa tiến sĩ, việc giữ gìn, phát huy nét đẹp này cùng với tâm thế cầu cúng đầu năm nên được nuôi dưỡng, thực hiện như thế nào?

Đi chùa hay cầu cúng đầu năm không phải chỉ dừng lại ở hình thức cho có hoặc không hiểu biết khi thực hiện. Có nhiều người đến chùa và cầu xin đủ thứ, với lòng ham muốn của bản thân thì cũng không được.

Đức Phật dạy về luật nhân quả, muốn đạt được điều gì phải có sự gieo trồng, đủ nhân đủ duyên mới có kết quả. Theo đó, muốn có đời sống bình an thì phải tập sống thiện lành mỗi ngày, không phải chỉ cầu cúng là xong, là được ban cho.

Hiểu không đúng cũng biến trời Phật thành thần ban phúc giáng họa, rồi từ đó cầu không được lại càng khổ hơn.

Có những đình làng hay nơi thờ các vị khai quốc công thần, có công với đất nước, địa phương bị người dân biến thành chốn thiêng cầu nguyện những điều tư lợi. Điều này không đúng với ý niệm kiến lập đình thờ các vị từ ban đầu - với tinh thần biết ơn, từ đó giáo dục lòng yêu nước, noi theo các vị trong đời sống hiện tại.

- Tiến sĩ có lời khuyên nào cho mọi người trong việc cầu cúng đầu năm?

Đối với người đi chùa, cầu an, cúng kính tại các địa chỉ tâm linh, đầu tiên phải tuân thủ các quy định về hình thức như trang phục kín đáo, phù hợp, văn minh.

Đến đình chùa, ngoài việc lễ lạy, cúng kính thì quan trọng hơn là dịp nhắc mình tử tế, khép mình trong suy nghĩ, lời ăn tiếng nói, cách sống... để xứng đáng với tiền nhân, không hổ thẹn với thần Phật. Trong lòng đầy tham, sân, si thì đi "gặp" các vị ấy coi không được.

Đối với cơ sở tôn giáo như đình, chùa... cần có hướng dẫn cụ thể cho người dân về ý nghĩa của từng việc làm; khuyến cáo những việc không nên làm và giúp việc thực hành cầu an, cúng bái có lợi lạc.

Ngoài ra, có thể tổ chức các hoạt động hướng tới các giá trị tích cực như cho chữ đầu năm, tặng lộc với những lời khuyên hướng thiện, câu kinh kệ mang lại lợi lạc tinh thần, gieo trồng sự bình an cho người nhận...

- Xin cảm ơn ông!

Lưu Đình Long

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/den-dinh-chua-la-dip-nhac-minh-song-tu-te-xung-dang-voi-tien-nhan-2370197.html
Zalo