DeepSeek vẫn 'sốt' bất chấp nhiều nước 'cấm cửa'
Hàn Quốc vừa trở thành quốc gia mới nhất trên thế giới tạm 'cấm cửa' ứng dụng AI giá rẻ DeepSeek của Trung Quốc, do lo ngại vấn đề an toàn bảo mật. Nhiều nước trên thế giới cũng đang xem xét những tác động khi sử dụng ứng dụng chatbot này.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, được làm việc cho DeepSeek vẫn là ước mơ của nhiều người trẻ nước này. Với thành công bước đầu của DeepSeek, Nga lại càng muốn thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Xu hướng cấm DeepSeek
Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Công nghiệp Hàn Quốc vừa mới đồng loạt chặn quyền truy cập của nhân viên vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo DeepSeek của công ty khởi nghiệp cùng tên đến từ Trung Quốc, do lo ngại về vấn đề an ninh, bảo mật. Theo chính phủ Hàn Quốc, các bộ ngành nước này nên thận trọng với các dịch vụ AI tạo ra, gồm cả DeepSeek và Chat GPT.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Jae-Woong cho biết: “Bộ của chúng tôi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết ở cấp Bộ Ngoại giao, với các bộ phận liên quan xem xét lại vấn đề an ninh tổng thể liên quan đến DeepSeek”.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay cũng thông báo đã chặn quyền truy cập vào DeepSeek trên các máy tính dùng cho mục đích quân sự. Trong khi Bộ Ngoại giao hạn chế quyền truy cập vào DeepSeek trong các máy tính kết nối với mạng bên ngoài.
Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc do nhà nước quản lý cũng đã chặn các ứng dụng AI, bao gồm DeepSeek từ đầu tháng này.
Cơ quan giám sát quyền riêng tư thông tin của Hàn Quốc có kế hoạch yêu cầu DeepSeek (DeepSeek) thông tin về về cách quản lý thông tin cá nhân của người dùng.
Với lệnh cấm này, Hàn Quốc trở thành chính phủ mới nhất đưa ra cảnh báo hoặc áp dụng các hạn chế đối với DeepSeek. Trước đó, hôm 5/2, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành thông báo kêu gọi các bộ và cơ quan công lập thận trọng khi sử dụng các dịch vụ AI bao gồm DeepSeek và ChatGPT trong công việc. Hiện Công ty chủ quản của ứng dụng DeepSeek chưa đưa ra bình luận về quyết định của các cơ quan của Hàn Quốc.
Một số chính phủ khác ở châu Âu, Mỹ và Ấn Độ cũng đang xem xét tác động của việc sử dụng DeepSeek.
Trước Hàn Quốc, Australia và Đài Loan (Trung Quốc) cũng nhận định DeepSeek tạo ra các mối đe dọa về an ninh. Đầu tuần này, Australia đã cấm DeepSeek khỏi mọi thiết bị của chính phủ vì lo ngại những rủi ro về an ninh. Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italy đã chặn Chatbot của ứng dụng DeepSeek sau khi Cơ quan chủ quản của ứng dụng này không giải quyết được những lo ngại của cơ quan quản lý về chính sách bảo mật.
Bộ Tài chính Ấn Độ đã yêu cầu nhân viên tránh sử dụng các công cụ AI bao gồm ChatGPT và DeepSeek cho mục đích chính thức, với lý do có nguy cơ ảnh hưởng đến tính bảo mật của các tài liệu và dữ liệu của chính phủ. Mỹ và các nước châu Âu vẫn đang xem xét những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng DeepSeek. Trong đó Ireland và Pháp cũng đang chất vấn DeepSeek về chính sách bảo mật.
Bộ Thương mại Mỹ cũng đã mở cuộc điều tra xem liệu DeepSeek có sử dụng loại chip của Mỹ bị cấm xuất khẩu cho Trung Quốc hay không?
Xu hướng ủng hộ hoặc lấy cảm hứng từ DeepSeek
Trái ngược với bước đi của nhiều nước, vốn được cho là đồng minh của Mỹ; Nga lại đang tìm kiếm hợp tác với các công ty trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc sau những thành công “bước đầu” của DeepSeek. Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, đang có kế hoạch tiến hành các dự án nghiên cứu chung về AI với các doanh nghiệp từ Trung Quốc.
Dù bị tạm cấm cửa ở một số quốc gia, song cơn sốt DeepSeek vẫn chưa hạ nhiệt. Nhiều gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới vẫn đang lấy DeepSeek như động lực để phát triển những ứng dụng AI mới có tính cạnh tranh về giá và tính hiệu quả. Giống như tuyên bố của Tổng thống Mỹ, DeepSeek chính là lời cảnh tỉnh cho các gã công nghệ. Hôm qua, gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Google đã có câu trả lời với các bản cập nhật cho mô hình ngôn ngữ lớn Gemini, với khả năng lập luận để trả lời câu hỏi phức tạp. Đáng chú ý là phiên bản Gemini 2.0 Flash-Lite có thể coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với DeepSeek.
Dự kiến, DeepSeek cũng sẽ làm nóng hội nghị thượng đỉnh AI toàn cầu tại Paris vào tuần tới. Qua hội nghị, thế giới đang chờ xem liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tìm được tiếng nói chung với Trung Quốc và gần 100 quốc gia khác về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) một cách an toàn hay không.
Trước hội nghị, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Phó Thông (Fu Cong) cho biết: “Những gì chúng ta cần không phải là thêm lệnh cấm hay thêm sự giám sát chặt chẽ hay thêm việc cấm cửa. Hãy nhìn Huawei, TikTok, giờ là DeepSeek. Bạn muốn cấm bao nhiêu nữa? Đối với chúng tôi, cách tiếp cận đúng đắn là hãy mở lòng và hợp tác cả về mặt công nghệ lẫn chính trị nữa. Đừng bao giờ đánh giá thấp sự khéo léo của các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc. DeepSeek đã gây chấn động toàn cầu và cũng gây ra một số hoảng loạn ở một số nơi. Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia tiên tiến nhất về AI, chúng ta có rất nhiều thứ để hợp tác. Theo quan điểm của tôi, chúng ta không thể không hợp tác.”
Hiện các doanh nghiệp Trung Quốc, từ nhà sản xuất chip đến cung cấp dịch vụ đám mây, đang đổ xô hỗ trợ cho mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) của DeepSeek, nhằm giúp công ty này tăng cường khả năng cạnh tranh, với các loại chip đủ tốt của Trung Quốc, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Đông đảo người trẻ Trung Quốc đam mê công nghệ cũng tìm đến DeepSeek để ứng tuyển khi công ty này đang chiêu mộ nhân tài để phát triển hơn nữa.