Đề xuất xây dựng nghị định về tư vấn, phản biện xã hội

Sau 10 năm triển khai Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), hoạt động này đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tuy vậy, cơ sở pháp lý của quyết định chưa cao, cần nâng cấp xây dựng thành nghị định.

Tạo nguồn thông tin, tư liệu cho hoạch định chính sách

Tại hội thảo Tổng kết hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2024 của VUSTA và các hội thành viên, diễn ra sáng 24.12, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết, tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nhiệm vụ quan trọng chủ yếu của VUSTA; thông qua đó, góp phần tham mưu, tư vấn đối với cơ quan Đảng và Nhà nước về các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án quan trọng.

Nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội được Chính phủ quy định cụ thể tại Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg (Quyết định 14). Sau 10 năm triển khai, theo Chủ tịch VUSTA, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngày càng đi vào nền nếp và đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước. Thông qua hoạt động này, VUSTA và các hội thành viên đã tập hợp được đội ngũ chuyên gia đa ngành, đa lĩnh vực tâm huyết với đất nước, ngành, địa phương. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng cung cấp thêm thông tin, tư liệu khoa học cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan trước khi ra quyết định.

Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội VUSTA Bùi Kim Tuyến bổ sung, giai đoạn 2021 - 2024, mỗi năm VUSTA góp ý 10 - 15 dự thảo về chủ trương, chính sách, đề án, dự án quan trọng theo đề nghị của các cơ quan Trung ương, bộ, ngành; tổ chức 10 - 12 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội gắn với chức năng, nhiệm vụ của VUSTA và các vấn đề được trí thức trong các hội thành viên quan tâm. Hàng năm, VUSTA đã hỗ trợ các hội thành viên, các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai khoảng 15 đề tài và khoảng 20 hội thảo tư vấn, phản biện và giám định xã hội từ ngân sách nhà nước.

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Châu

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Châu

Tại các địa phương, có 44/63 địa phương ban hành quy chế tư vấn, phản biện và giám định xã hội; 47/63 liên hiệp hội địa phương được kiện toàn tổ chức và có bộ phận chuyên môn làm công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội (chiếm 74,6%). Riêng giai đoạn 2021 - 2024, 46 liên hiệp hội địa phương đã chủ trì, phối hợp và tham gia ý kiến đối với 1.431 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội; trung bình mỗi hội thực hiện khoảng 31 nhiệm vụ/năm.

Đối với các hội ngành toàn quốc, thống kê của 38/93 hội cho thấy, giai đoạn 2021 - 2024 đã triển khai trên 1.800 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội; trung bình mỗi hội thực hiện 10 - 12 nhiệm vụ mỗi năm. Bên cạnh đó, trong 4 năm qua, các hội thành viên, chi hội, phân hội của các hội ngành đã thực hiện khoảng 5.300 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo lĩnh vực chuyên môn sâu…

Có được những kết quả này là bởi Quyết định 14 đã thiết lập cơ sở pháp lý rõ ràng, giúp hoạt động này chính danh, minh bạch và có tính hợp pháp cao hơn. Tuy vậy, theo bà Bùi Kim Tuyến, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội hiện còn gặp những khó khăn.

Trong đó, một số quy định tại Quyết định 14 không còn phù hợp, ví dụ: đề án cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội là “các chương trình, dự án lớn, chủ trương quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức”. Quy định này hạn chế phạm vi tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các liên hiệp hội địa phương. Việc quy định các đề án do liên hiệp hội và các hội thành viên đề xuất tư vấn, phản biện và giám định xã hội “được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền” cũng làm giảm sự chủ động của VUSTA và các hội thành viên... Ngoài ra, thời gian lấy ý kiến ngắn cũng gây khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động tư vấn, phản biện.

Tăng định mức chi cho công tác tư vấn, phản biện

Khẳng định vai trò quan trọng của công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đại diện VUSTA đề xuất, cần tổng kết, sửa đổi, bổ sung Quyết định 14. Cụ thể, nên mở rộng phạm vi, đối tượng tư vấn, phản biện và giám định xã hội; thay vì liên hiệp hội và các hội thành viên đề xuất, được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, thì nên giao liên hiệp hội và các hội thành viên được quyền chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội...

“Cần xây dựng và ban hành văn bản mới có giá trị pháp lý cao hơn, theo hướng xây dựng một nghị định về tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Nghị định này không chỉ dành riêng cho VUSTA mà mở rộng phạm vi và đối tượng cả liên hiệp hội, các hội xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ”, Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội VUSTA đề xuất.

Đồng tình với đề xuất trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, việc sửa đổi Quyết định 14 và nâng lên cấp nghị định là cần thiết, để tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Song, trước đó, cần làm rõ các hạn chế trong triển khai Quyết định 14; việc sửa đổi phải xác định rõ địa vị pháp lý, vị trí, vai trò của VUSTA và các hội thành viên.

Còn theo TS. Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch VUSTA, bên cạnh việc nâng cấp thành nghị định, VUSTA cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số luật chuyên ngành để hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được thực hiện thuận lợi và hiệu quả, như: phải có nội dung đề cập đến việc vấn đề gì bắt buộc phải có ý kiến tư vấn, phản biện; loại nào thì phải đặt hàng; cách tiếp nhận và phản hồi ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội…

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện. Hiện, một số định mức chi theo Thông tư số 11/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quá thấp, không phù hợp với thực tiễn, chưa thực sự phản ánh đúng và ghi nhận sự đóng góp quan trọng của các chuyên gia. Chẳng hạn, chủ trì hội thảo tư vấn, phản biện là 200.000 đồng/buổi, chỉ bằng 1/10 mức chi cho người chủ trì hội thảo khoa học công nghệ; tham luận tại hội thảo tư vấn, phản biện là 500.000 đồng/buổi, chỉ bằng 1/6 so với hội thảo khoa học và công nghệ… Do vậy, Bộ Tài chính cần khẩn trương ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 11 theo hướng tăng định mức chi phù hợp với các định mức chi hiện hành của nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/de-xuat-xay-dung-nghi-dinh-ve-tu-van-phan-bien-xa-hoi-post400229.html
Zalo