Đề xuất tổ chức giải thưởng văn học cấp quốc gia
Trong nhiều nội dung được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) dự kiến đề xuất Chính phủ tại dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học có đề xuất tổ chức giải thưởng văn học cấp quốc gia do Bộ VHTTDL tổ chức. Dự thảo Nghị định này được Bộ VHTTDL lấy ý kiến trong nhân dân từ cuối tháng 1 đến ngày 24/3.
Cụ thể, theo dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ VHTTDL cho rằng, hiện nay, bên cạnh những thành quả đã đạt được, hoạt động văn học vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, trong đó có những vướng mắc trong việc tổ chức các cuộc thi, trại sáng tác, giải thưởng văn học cấp quốc gia…
Theo Bộ VHTTDL, hiện nay chưa có quy định về giải thưởng văn học cấp quốc gia do Bộ VHTTDL tổ chức. Thực tế trong lĩnh vực nghệ thuật định kỳ đều tổ chức cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp, các nghệ sĩ, diễn viên tham gia có thành tích xuất sắc đều được tặng Giải Vàng, Giải A, Giải Nhất do các cơ quan quản lý nhà nước trao tặng, còn đối với lĩnh vực sáng tác văn học thì chưa có các cuộc thi, giải thưởng của cơ quan quản lý nhà nước trao tặng cho các nhà văn, tác giả sáng tác văn học gây sự bất bình đẳng giữa các nhà văn hay tác giả sáng tác tác phẩm văn học, thiệt thòi cho các nhà văn khi tham gia xét tặng giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
Tại dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học, Bộ VHTTDL đề xuất quy định Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án giải thưởng văn học quốc gia theo định kỳ từ 2-3 năm một lần. Giải thưởng văn học quốc gia đối được tổ chức đối với từng thể loại nhằm tôn vinh những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, có hiệu quả tích cực đối với xã hội và độc giả. Tác phẩm tham gia Giải thưởng văn học quốc gia là tác phẩm đã đạt giải thưởng tại các cuộc thi do bộ, ngành, đoàn thể trung ương, hội văn học chuyên ngành trung ương, địa phương tổ chức. Tác giả có tác phẩm đạt giải được nhận bằng chứng nhận và tiền thưởng, được cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn để đại diện cho văn học Việt Nam tham gia các cuộc thi quốc tế và được hỗ trợ xuất bản để giới thiệu, quảng bá tác phẩm trong và ngoài nước.
Ngoài vấn đề trên, dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ VHTTDL cũng đồng thời chỉ ra nhiều vấn đề bất cập khác như chưa có quy định cụ thể về tiêu chí chọn đối tượng tham gia, quy chế, hội đồng chuyên môn trại sáng tác dẫn đến chất lượng các tác phẩm có từ các trại sáng tác chưa cao; chưa quy định cụ thể thống nhất về việc tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, lý luận, phê bình văn học sử dụng ngân sách nhà nước.
Việc giới thiệu quảng bá và xúc tiến phát triển văn học chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tổ chức giới thiệu, quảng bá với các tác giả sáng tác văn học dẫn đến đạt hiệu quả chưa cao; nhiều cá nhân, tổ chức tự lựa chọn tác phẩm văn học để quảng bá ra nước ngoài, dẫn đến chưa phản ánh toàn diện văn học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay ở nước ngoài. Dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài và văn học nước ngoài vào Việt Nam đang bị mất cân bằng, có hiện tượng “nhập siêu văn học”, hầu như các đầu sách bán chạy trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam ngược lại sách văn học Việt Nam xuất hiện còn khá kiêm tốn trên thị trường sách thế giới, chưa tương xứng với những giá trị của văn học Việt Nam.
Việc phổ biến văn học trên môi trường không gian mạng là một xu thế tất yếu của sự phát triển, tại Việt Nam đã có nhiều nhà văn chủ yếu sử dụng không gian mạng để công bố trích đoạn, thu hút sự quan tâm của công chúng và từ đó, quảng bá cho ấn phẩm khi được xuất bản, tạo cơ hội để nhà văn đến gần với độc giả nhanh hơn, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thực tế văn học trên không gian mạng vẫn có nhiều tác phẩm kém chất lượng về tư tưởng nghệ thuật, đạo đức, trái thuần phong mỹ tục văn hóa con người Việt Nam...
Theo Bộ VHTTDL, ban hành Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết. Dự thảo Nghị định này gồm 7 Chương và 34 Điều, quy định những nội dung cơ bản bao gồm: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chính sách của nhà nước về khuyến khích phát triển văn học (trong đó khẳng định Nhà nước hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động sáng tác tác phẩm văn học; tổ chức trại sáng tác văn học; tổ chức cuộc thi sáng tác văn học; giải thưởng văn học quốc gia; giới thiệu, quảng bá văn học; dịch văn học; phổ biến văn học); những nội dung cơ bản về quản lý nhà nước đối với văn học; dừng tổ chức các hoạt động văn học, thu hồi giải thưởng…