Độc đáo lễ cúng trưởng thành của người Ê-đê ở Phú Yên

Trên địa bàn 3 huyện miền núi ở Phú Yên có hơn 62.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 7% dân số toàn tỉnh, hầu hết là người Ê-đê, Chăm, Ba na. Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa với nhiều nét độc đáo. Một trong những lễ hội tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là 'Lễ cúng trưởng thành của người Ê-đê'.

1. Trao đổi với PV Chuyên đề ANTG, bà Nguyễn Thị Bích Đào, chuyên viên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết, người Ê-đê tín ngưỡng đa thần, nên quan niệm mọi vật đều có thần linh (A Yang) ngự trị trên trời, dưới đất và trong không gian giữa đất với trời, như thần ánh sáng trong mặt trăng, mặt trời; thần thời tiết trong nắng mưa, gió bão, sấm chớp... Vì thế, trong đời sống sinh hoạt và trồng trọt nương rẫy mùa vụ của người Ê-đê có một số lễ nghi từ khi gieo hạt cho đến lúc thu hoạch cùng những lễ nghi theo vòng đời của mỗi người từ lúc sinh ra cho đến khi từ giã cõi trần với ước vọng thần linh trợ giúp sức khỏe và tuổi thọ.

Nghi thức cúng rượu và heo vào ngày thứ hai trong Lễ cúng trưởng thành của người Ê-đê.

Nghi thức cúng rượu và heo vào ngày thứ hai trong Lễ cúng trưởng thành của người Ê-đê.

Nghi lễ vòng đời với nhiều trình tự như lễ cúng đặt tên, lễ cúng thổi tai, lễ cúng trưởng thành, lễ hỏi chồng, lễ bắt chồng, lễ tiễn đưa, lễ bỏ mã. Theo quan niệm của đồng bào Ê-đê, mỗi người sinh ra và trưởng thành cho đến khi mất đi đều đối diện với A Yang, nên phải làm đủ các lễ cúng vòng đời mới cầu được sức khỏe, phúc lành trong cuộc sống, tinh thần an yên.

Người Ê-đê không tính dòng thời gian năm tháng theo dương lịch hay âm lịch, mà chỉ tính theo mùa vụ nương rẫy, nên lễ cúng cầu mong sức khỏe được tổ chức nhiều lần và lễ vật cũng tăng dần lên.

Ngồi bên tách trà nóng trong tiết trời se lạnh ở miền sơn cước giữa buổi sáng những ngày đầu năm, ông Kpắ Y Káp, trú ở buôn Ly, xã Ea Trol và ông Kso Y Dú, trú ở buôn Chư BLôi, xã Ea Bá, huyện Sông Hinh say sưa nói về các lễ cúng trong vòng đời mỗi người Ê-đê. Nếu làm trọn vẹn thì phải đủ 7 lễ cúng, đầu tiên là cúng đặt tên khi mới sinh ra được gọi là K’DJăp Jun, lễ vật gồm 1 ché rượu, 1 con gà. Kế đến là cúng thôi nôi khi tròn 1 tuổi, gọi là Mă Bôi với lễ vật 3 ché rượu, 3 con gà. Khi đến 12 tuổi thì cúng tạ ơn thần nhà, gọi là Yăng Sal với lễ vật 3 ché rượu, 1 con heo.

Lễ cúng thần chú bác vào năm 15 tuổi, gọi là Mpla Yăng A Miết A Wa. Đến khi thành niên thì cúng trưởng thành, gọi là Pêi M’Pú Kjuh ũn K’reo với lễ vật 7 ché rượu, 1 con heo thiến.
2 lễ cúng còn lại vẫn gọi là cúng trưởng thành, bồi đắp thêm niềm tin A Yang và ước vọng sức khỏe, nên không bắt buộc, mà gia đình nào rủng rỉnh lúa, ngô, heo, bò và rượu ché thì cúng. Lễ cúng 5 ché rượu, 1 con bò đực gọi là Mpla Yăng A Miết A Wa. Còn lễ cúng 7 ché rượu, 1 con bò đực gọi là Mpla Jih Jăng A Yăng hơng A Yang A Miết A wa.

Nghi thức tắm cho người được cúng trưởng thành tại bến nước của buôn làng.

Nghi thức tắm cho người được cúng trưởng thành tại bến nước của buôn làng.

“Trong 7 lễ cúng của vòng đời, lễ cúng đặc sắc nhất luôn được tổ chức trang trọng và không thể bỏ qua là cúng trưởng thành, mà người Ê-đê gọi là Pêi M’Pú Kjuh ũn K’reo. Nếu có điều kiện thì làm lễ cúng khi vừa thành niên, còn trở ngại thì đến tuổi trung niên cũng phải cúng. Phong tục tín ngưỡng của người Ê-đê là vậy, nên hiếm lắm mới có trường hợp vì khó khăn cả đời mà đến khi chết vẫn chưa được gia đình cúng lễ trưởng thành” - ông Kso Y Dú chia sẻ.

2. Lễ cúng trưởng thành rất công phu với nhiều việc phải làm trong thời gian dài, từ tu sửa nhà sàn, ủ rượu ché cho đến nuôi heo, bò. Trên bộ ghế K’pan trong nhà phải có 1 dàn chiêng năm, 1 chiếc cồng, 1 chiếc trống lớn và phải tìm thầy cúng được dân làng tôn kính. Lễ cúng diễn ra 5 lần trong 5 ngày. Ngày thứ nhất bày 1 ché rượu, 1 con gà vào buổi tối để xin các A Yang cùng tổ tiên cho phép gia chủ cúng trưởng thành cho con và khẩn cầu các A Yang xua đuổi xấu xa, giữ điều tốt lành suốt lễ cúng. Ngày thứ hai bày 7 ché rượu, 1 con heo thiến, 1 cây nến nhỏ và 1 thanh củi đang cháy khi mặt trời chưa kịp ló dạng và lúc xế chiều để cúng thần bếp lửa cai quản con người cùng mọi việc trong nhà. Ngày thứ ba bày 5 ché rượu cúng buổi sáng và buổi chiều để xin A Yang ban cho sức khỏe. Ngày thứ tư lễ vật là 3 ché rượu buổi sáng, cầu mong A Yang phù hộ mọi việc thuận lợi. Lễ vật ngày thứ năm chỉ 1 ché rượu cúng buổi sáng để tạ ơn, cầu mong các A Yang sông, suối, núi, rừng luôn bảo trợ người trưởng thành, có đủ sức gánh vác việc lớn của gia đình và buôn làng.

Dòng họ và người dân trong buôn làng nhảy múa chúc mừng người được cúng trưởng thành.

Dòng họ và người dân trong buôn làng nhảy múa chúc mừng người được cúng trưởng thành.

Ngoài lễ cúng trong 5 ngày, nếu người được cúng trưởng thành là đàn ông đã có vợ thì sau lễ cúng ngày thứ ba, thầy cúng phải tháo bớt cong đồng đã đeo trong cổ tay tại lễ cúng thứ hai và đưa người này về nhà vợ sau lễ cúng thứ tư. Nếu còn độc thân thì chỉ tháo bớt cong đồng ở cổ tay mà thôi.

Sinh thời, già làng Ma Vi ở buôn Krông, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh đã kể lại nhiều chi tiết độc đáo về cách trưng bày lễ vật, trình tự, khấn vái A Yang. Nếu như ngày thứ nhất, mẹ đẻ người trưởng thành phải cầm ống trúc hút rượu cần từ ché sành ra tô để mời dòng họ thì ngày thứ hai, người trưởng thành bưng tô đồng, cầm quả bầu hồ lô khô đi ra bến nước buôn làng cho thầy cúng tắm gội, xua đuổi ốm đau. Bà con dòng họ bày những ché rượu giữa nhà, ra trước sân đốt lửa thui heo, làm gà, giã gạo... Thầy cúng mặc áo đen, đầu quấn khăn đen, treo tấm vải đỏ ở cửa sổ phía Đông, rồi dựng khiêng, đao, sắp đặt nồi đồng chứa rượu cần, bầu hồ lô chứa nước, bày cơm, canh, rau, thịt để cúng. Ngày thứ ba, ngoài nghi lễ chính do thầy cúng khấn vái, người trưởng thành phải lấy rượu cần ra tô mời dòng họ, bà con dân làng rồi mang đùi heo, lòng heo, bầu hồ lô chứa nước đi theo thầy đến nhà phía vợ làm lễ cúng trước khi về nhà riêng vui chơi, múa hát, uống rượu cần. Ngày thứ tư và thứ năm lễ nghi đơn giản hơn nhưng vẫn do thầy cúng khấn vái cầu xin A Yang ban cho người trưởng thành sức khỏe, an lành, hạnh phúc.

Hồi còn khỏe mạnh, minh mẫn, nhà văn Y Điêng - già làng văn học Tây Nguyên, trú ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh kể rằng, mỗi lễ cúng có văn khấn khác nhau. Ví như, ngày thứ nhất, thầy cúng khấn rằng: “Ơ Yang! Hôm nay gia đình sắm lễ vật 1 con gà, 1 ché rượu cho Yang Hra. Tôi mời thần ông Cọp và các vị Yang Lăn (thần đất), Yang Ea (thần nước), Yang Chứ (thần núi) uống rượu, ăn gan gà, phù hộ gia đình ngày mai cúng 7 ché rượu và 1 con heo”.

Đến ngày thứ hai, thầy cúng lại khấn: “Ơ Yang! Tôi gọi thần hướng Đông, thần hướng Tây, thần hộ mệnh, thần nuôi dưỡng. Gọi ông bà, tổ tiên người chết, người sống và các vị Yang Ea (thần suối), Yang Hnoh (thần sông), Yang Krong (thần núi) ăn cơm, uống rượu... Người này hôm qua, hôm kia ở chòi đã yên, về nhà đã lành, biết làm ra lúa, nay đã lớn khôn, trồng chuối thì tốt, trồng mía thì ngọt, trồng mít chín thơm. Nay, nhờ thần giúp cho người trưởng thành bền như gang, dẻo như đồng, cứng như sắt, sức mới, hơi thở mới, con người luôn mạnh khỏe, bình yên”.

Dân làng nhảy múa chào đón người được cúng trưởng thành trở về nhà.

Dân làng nhảy múa chào đón người được cúng trưởng thành trở về nhà.

Ngày cúng trưởng thành thì khấn: “Ơ Yang! Hôm nay gia đình A mí, A ma cúng cho đứa con... Mời các A Yang sông suối, núi non chứng kiến đứa con đã lớn tại bến nước của làng... cho nó tắm rửa cái xấu xa, dơ bẩn... trôi đi, cầu mong cho nó mạnh khỏe, nên người”. Và, khi khấn vái, thầy cúng gõ trống chiêng, múc rượu mời A Yang.

Không gian văn hóa lễ cúng trưởng thành của người Ê-đê ở Phú Yên là nhà sàn nằm trong buôn làng, gần bến nước ở vùng đất mênh mông đại ngàn. Bên cạnh trống, cồng, chiêng và những ché rượu cần nồng nàn thơm ngon, được ủ bằng bí quyết truyền thống, lễ cúng không chỉ là sản phẩm tinh thần đặc sắc, mà còn là nghi thức bắt buộc đối với người Ê-đê ở độ tuổi trưởng thành - trung niên. Trong tâm tưởng của họ, lễ cúng trang trọng, tôn nghiêm bao nhiêu thì người trưởng thành được A Yang che chở, phù hộ bấy nhiêu. Cho dù lịch sử mỗi vùng đất thăng trầm từng thời kỳ, nhưng giá trị văn hóa truyền thống ấy đã thấm đẫm vào máu thịt, hơi thở đời sống của người Ê-đê ở Phú Yên.

Nhịp điệu cồng chiêng của người Ê-đê trên buôn làng miền núi Phú Yên.

Nhịp điệu cồng chiêng của người Ê-đê trên buôn làng miền núi Phú Yên.

“Lễ cúng trưởng thành nói riêng và các nghi lễ vòng đời nói chung là bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, tiêu biểu của người Ê-đê Phú Yên. Sau lễ cúng các bậc cha mẹ luôn cảm nhận an tâm hơn vì con mình được A Yang che chở, bảo bọc, đó chính là giá trị nhân văn. Ở góc nhìn khoa học, “Lễ cúng trưởng thành của người Ê đê” ở Phú Yên là nguồn dữ liệu phong phú để nghiên cứu văn hóa, nghi lễ, phong tục, tập quán của các tộc người, làm cơ sở xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương” - bà Nguyễn Thị Bích Đào cho biết thêm.

Với giá trị tiêu biểu, “Lễ cúng trưởng thành của người Ê đê” ở Phú Yên đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 4/9/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhiều năm qua, di sản văn hóa này đang được chính quyền cùng các cơ quan chức trách và cộng đồng người Ê-đê ở Phú Yên nỗ lực bảo tồn, phát triển bằng nhiều biện pháp tích cực nhưng rút ngắn thời gian lễ cúng để tránh lãng phí, ảnh hưởng công việc của dòng tộc, dân làng.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, lưu giữ, sử dụng nhạc cụ trống, cồng, chiêng, trang phục truyền thống và khôi phục nghề dệt thổ cẩm, đẽo tượng, ủ rượu cần... cũng được quan tâm chú trọng đầu tư.

Phan Thế Hữu Toàn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/doc-dao-le-cung-truong-thanh-cua-nguoi-e-de-o-phu-yen-i758234/
Zalo