Đề xuất thêm ưu đãi cho nhà giá rẻ
Tăng nguồn cung nhà giá rẻ sẽ giúp cân bằng cung - cầu trên thị trường, góp phần điều tiết giá nhà…, thế nhưng nguồn cung sản phẩm này đang rất thiếu hụt.
Báo cáo tổng quan thị trường bất động sản 2024 của hãng tư vấn bất động sản Avison Young công bố mới đây cho thấy, cả TP.HCM và Hà Nội đều vắng bóng căn hộ giá dưới 40 triệu đồng/m2. Giá bán bình quân căn hộ sơ cấp ở TP.HCM đang tiệm cận phân khúc cao cấp, trung bình từ 72 triệu đồng/m2, con số này ở Hà Nội vào khoảng 70 triệu đồng/m2.
Thiếu hụt nguồn cung nhà ở, đặc biệt là nhà giá rẻ, làm mất cân đối cung - cầu, đẩy giá nhà tăng cao và theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, điều này không chỉ tạo ra một gánh nặng lớn cho người dân, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra “bong bóng” bất động sản. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, bong bóng này có thể bung vỡ, gây tổn thất nặng nề cho thị trường và nền kinh tế.
Thực tế, Chính phủ đã nhận thức rõ điều này và liên tục có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tìm cách tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, về vốn cho các dự án, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội.
Năm 2024, Chính phủ giao chỉ tiêu hoàn thành hơn 130.000 căn nhà ở xã hội cho Bộ Xây dựng và các địa phương.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, mục tiêu này chưa hoàn thành. Bởi vậy, năm 2025, mục tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội do Chính phủ đề xuất chắc chắn không thể trì hoãn, khi đây là 1 trong 8 nội dung trọng tâm, đột phá của năm bản lề bước vào “kỷ nguyên mới” 2025.
TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cho rằng, khúc mắc chính trong việc phát triển nhà giá rẻ nằm ở kỳ vọng của thị trường và doanh nghiệp. Trong khi người dân mong muốn căn hộ giá rẻ nhưng chất lượng cao, còn doanh nghiệp là phải giảm tối đa chi phí để có giá rẻ.
“Thực tế, doanh nghiệp phải mua đất giá cao (giá thị trường) và tốn nhiều công sức, chi phí để hoàn thiện pháp lý triển khai dự án, nên không thể làm căn hộ giá rẻ mà chất lượng cao, đầy đủ tiện ích, bởi như vậy chắc chắn sẽ lỗ. Còn người lao động cũng không muốn mua nhà giá rẻ nhưng lại ở quá xa trung tâm, hạ tầng, tiện ích thiếu thốn”, ông Hiển phân tích.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, việc ban hành gói tín dụng ưu đãi lãi suất là cần thiết, song vẫn chưa đủ để kích thích phát triển nhà ở xã hội.
Thay vào đó, cần dùng nhiều công cụ của các bên liên quan để cùng giải quyết vấn đề như đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các dự án để tối ưu chi phí, giúp cho giá nhà rẻ hơn…Việc áp dụng cũng cần khuyến khích cả với loại hình nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhưng ở mức độ thấp hơn.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, ngoài giải quyết vướng mắc cho nhà ở xã hội, Nhà nước cần có chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền, đặc biệt là về quỹ đất, tài chính và nguồn vốn.
Chẳng hạn, có chính sách ưu tiên quỹ đất cho phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền hơn với một số loại hình và phân khúc khác, mức ưu tiên có thể chỉ sau nhà ở xã hội…
Được biết, đầu năm 2025, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về đề xuất UBND cấp tỉnh được chấp thuận thí điểm nhà ở thương mại vừa túi tiền. Theo HoREA, hiện có 2 phương thức tiếp cận đất đai qua đấu giá và qua Nghị quyết thí điểm thực hiện thực hiện dự án nhà ở thương mại mà không phải là đất ở.
Do đó, để đảm bảo các phương thức vận hành hiệu quả, đặc biệt với Nghị quyết thí điểm, HoREA đề xuất bổ sung thêm một điều/khoản vào dự thảo Nghị định cho UBND cấp tỉnh được ưu tiên chấp thuận dự án thí điểm đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đề xuất thực hiện dự án nhà ở thương mại trung cấp, hoặc dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Theo HoREA, khi được phân cấp, các địa phương có thể chủ động hơn trong việc xây dựng các phương án triển khai dự án nhà ở vừa túi tiền trên địa bàn, từ đó tái cấu trúc thị trường nhà ở thương mại để phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững hơn.