Đề xuất tháo gỡ những bất cập trong quy định về xây dựng nông thôn mới

Qua thực tế triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương, ông Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy (Nam Định), chia sẻ một số vướng mắc, bất cập từ các quy định, tiêu chí, chỉ tiêu cần kịp thời tháo gỡ.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh (thứ 2 bên phải) và ông Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy - Nam Định (thứ 3 bên trái) cùng đoàn đi kiểm tra một số công trình hạ tầng ở xã Giao Phong. Ảnh PVH

Mới đây, bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, thành viên Tổ Công tác về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Hội LHPN Việt Nam, dẫn dầu Đoàn công tác giám sát đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Nam Định.

Chia sẻ một số kết quả nổi bật và kinh nghiệm thực tế triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao trên địa bàn, ông Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy (Nam Định), chia sẻ:

Năm 2017, huyện Giao Thủy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 3 năm. Không dừng lại ở đó, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu một cách đồng bộ, quyết liệt. Đến nay, huyện có 22 xã, thị trấn đạt nông thôn mới nâng cao. 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, xã Giao Phong được chọn là một trong những địa bàn cấp xã triển khai nông thôn mới thông minh.

Huyện Giao Thủy hướng tới năm 2023 có thêm 5 xã nữa đạt nông thôn mới kiểu mẫu. 2 thị trấn của huyện đạt đô thị văn minh. Huyện đã đăng ký với tỉnh mục tiêu về đích nông thôn mới nâng cao năm 2025. Trong đó, xây dựng nông thôn mới nâng cao là tiền đề để huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao.

Ông Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy (Nam Định)

Ông Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy (Nam Định)

PV: Qua thực tế triển khai xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao, những yếu tố chính nào để đạt được những kết quả nổi bật như trên, thưa ông?

Ông Cao Thành Nam: Để thực hiện xây dựng nông thôn mới, chúng tôi dựa trên các quan điểm, cụ thể là: Sự "quyết tâm" của cả hệ thống chính trị, từ cấp lãnh đạo đến từng người dân cùng vào cuộc. "Đoàn kết" của cả nhân dân, thôn xóm, cả các chức sắc, tôn giáo cùng vào cuộc. "Thiết thực" - người dân được thụ hưởng những kết quả, giá trị cụ thể, sát sườn với đời sống bà con trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó là sự "minh bạch" các nguồn lực của nhà nước và nhân dân trong đầu tư xây dựng nông thôn mới… là những tiền đề quan trọng để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao.

Những tuyến đường khang trang, sạch đẹp tại xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, Nam Định. Ảnh PVH

Những tuyến đường khang trang, sạch đẹp tại xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, Nam Định. Ảnh PVH

PV: Quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, thực tế triển khai có phát sinh những khó khăn, bất cập ra sao cần có sự tháo gỡ?

Ông Cao Thành Nam: Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khi triển khai xây dựng ở địa phương cụ thể, có những đặc thù khác nhau, sẽ có phát sinh những vấn đề chưa phù hợp. Cụ thể, có chỉ tiêu quy định: Không có công dân cư trú trên địa bàn phạm tội nghiêm trọng. Đây sẽ là quy định gây khó cho các địa phương xây dựng nông thôn mới. Lực lượng công an ở địa phương chủ động, tích cực lập chuyên án, đấu tranh với tội phạm nghiêm trọng như tội phạm ma túy, để giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn, nhưng khi xét tiêu chí nông thôn mới thì lại "không đạt tiêu chí" vì có người phạm tội nghiêm trọng.

Hoặc nội dung xếp loại, "có đồng chí từ cấp phó phòng của huyện trở lên bị kỷ luật" là không đạt tiêu chí. Thực tế trên địa bàn huyện Giao Thủy thời gian qua chủ động đấu tranh với hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên, kỷ luật cách chức cán bộ cấp phòng của huyện. Nếu theo quy định, để đạt nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao, thì sẽ phải thỏa hiệp với hành vi vi phạm, không xử lý cán bộ vi phạm pháp luật - đây chính là bất cập rất lớn cần tháo gỡ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Người dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh PVH

Người dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh PVH

Theo đánh giá của UBND tỉnh Nam Định, những năm qua, Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới như hiến đất làm đường, xây dựng các công trình công cộng; phát động phong trào thi đua "Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025".

Gắn thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" với cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; thí điểm xây dựng "Gia đình 5 có, 3 sạch" và triển khai các hoạt động vun đắp giá trị gia đình Việt Nam "An toàn, trách nhiệm, thịnh vượng, bình đẳng"; triển khai thực hiện khâu đột phá nhiệm kỳ 2021-2026 "Phát huy nội lực, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ toàn tỉnh, tham gia xây dựng NTM đô thị văn minh".

Đồng thời, các cấp Hội của tỉnh Nam Định đã phát động và triển khai các công trình, phần việc tiêu biểu, sáng tạo của phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đô thị văn minh giai đoạn 2022-2026.

Đặc biệt là tiêu chí 17.8 về "Môi trường và an toàn thực phẩm"; tiêu chí 18.7 trong bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cả vật chất và tinh thần của chính bản thân người phụ nữ và người dân, thực hiện bình đẳng giới.

Hiện nay, số sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao do phụ nữ là chủ thể và tham gia chiếm 50% tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-xuat-thao-go-nhung-bat-cap-trong-quy-dinh-ve-xay-dung-nong-thon-moi-20230516120648547.htm
Zalo