Đề xuất thành lập 1 Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại 2 TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng
Về việc thành lập 1 Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại 2 TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về căn cứ, cơ sở để đề xuất mô hình mới, làm rõ mô hình, mối quan hệ, tính độc lập giữa 2 cơ sở đặt ở 2 nơi.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và nhiều đại biểu cùng tham dự Phiên họp thứ 44. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
Chiều 17/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và nhiều đại biểu cùng tham dự phiên làm việc.
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã nêu rõ cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT tại Việt Nam
Để đảm bảo cách hiểu thống nhất đối với một số thuật ngữ được sử dụng trong dự thảo Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết giải thích từ ngữ “TTTCQT” theo hướng quy định TTTCQT là khu vực địa lý có ranh giới xác định do Chính phủ thành lập đặt tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng, tập trung hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính và dịch vụ hỗ trợ, được áp dụng cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết này. Phạm vi hoạt động của các TTTCQT bao gồm toàn bộ các dịch vụ tài chính (ngân hàng, thị trường vốn, bảo hiểm, quản lý tài sản, fintech...) và các dịch vụ hỗ trợ liên quan trong ranh giới địa lý xác định của TTTCQT. Các chủ thể đáp ứng điều kiện sẽ được đăng ký Thành viên TTTCQT và hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù trong phạm vi Trung tâm.
Định nghĩa về “TTTCQT” như trên là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm định vị TTTCQT tại Việt Nam. Theo đó, trên cơ sở quan điểm xây dựng TTTCQT tại Việt Nam là kết nối, bổ trợ cho mạng lưới TTTCQT toàn cầu và khu vực, TTTCQT tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ phát triển hài hòa, có sự phân công chức năng rõ rệt dựa trên lợi thế từng TP và vùng, đồng thời liên kết chặt chẽ với các TTTC lớn trong khu vực (như Singapore, Hong Kong…). Để tận dụng lợi thế múi giờ, vị trí địa lý của Việt Nam, đón dòng vốn dịch chuyển, tránh trùng lặp chức năng với Singapore hay Hong Kong, TP Hồ Chí Minh có thể tập trung phát triển thị trường vốn và ngân hàng quốc tế, fintech, dịch vụ tài chính chuỗi cung ứng khu vực, tài chính xanh… TP Đà Nẵng có thể định hướng vào các dịch vụ tài chính xanh, tài chính offshore, fintech, kiều hối và quản lý quỹ khu vực (gắn với Khu Thương mại tự do Đà Nẵng).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
Cũng theo Bộ trưởng Thắng, nhằm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực.
Cụ thể gồm chính sách ngoại hối, hoạt động ngân hàng; chính sách tài chính, phát triển thị trường vốn; chính sách thuế; chính sách về xuất, nhập cảnh, cư trú, lao động đối với chuyên gia, nhà đầu tư và chính sách việc làm, an sinh xã hội; chính sách đất đai; chính sách về xây dựng, môi trường và phòng cháy chữa cháy; chính sách thử nghiệm có kiểm soát cho fintech và đổi mới sáng tạo; chính sách ưu đãi theo lĩnh vực và chính sách đối với nhà đầu tư chiến lược; chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; chính sách về xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối hàng hóa, dịch vụ; chính sách về phí, lệ phí; giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định cơ quan, tổ chức thuộc TTTCQT bao gồm: Cơ quan điều hành; Cơ quan giám sát; Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc TTTCQT. Trong đó, Cơ quan điều hành chịu trách nhiệm quản lý, điều hành trực tiếp mọi hoạt động tại TTTCQT; Cơ quan giám sát thực hiện chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động tài chính tại TTTCQT (hai cơ quan này do UBND TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng thành lập); Trung tâm Trọng tài quốc tế được thành lập để giải quyết các tranh chấp thương mại, tài chính phát sinh trong TTTCQT.
Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo về TTTCQT tại Việt Nam về việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội áp dụng đối với Trung tâm nhưng phải kèm theo cơ chế giám sát, quản lý rủi ro, dự thảo Nghị quyết quy định về việc thành lập Cơ quan Giám sát Trung ương thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến TTTCQT.
Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá rõ: Với các nhóm chính sách như tại dự thảo thì đã đủ tiền đề để tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hình thành và vận hành TTTCQT hay chưa? Các quy định đã đủ sức nặng, sức hấp dẫn, bảo đảm tính cạnh tranh? Cần làm rõ đâu là những chính sách được coi là vượt trội, khác biệt riêng có của Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
Về tính cụ thể, vận hành TTTCQT tại Việt Nam là vấn đề mới ở Việt Nam, do vậy, theo Thường trực Ủy ban, Nghị quyết chỉ nên quy định những vấn đề chung, mang tính nguyên tắc và những nội dung đã rõ, mang tính ổn định cao. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền ban hành hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời; phân cấp cho 2 TP những nội dung gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn địa phương, bảo đảm quyền chủ động, linh hoạt, sáng tạo theo pháp luật.
Về phạm vi áp dụng và nguyên tắc áp dụng pháp luật, để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng pháp luật; tính rõ ràng trong triển khai, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị định để quy định những vấn đề khác với luật, nghị quyết, pháp lệnh với lý do tại Kết luận số 47-TB/TW của Bộ Chính trị về việc xây dựng TTTCQT đã quán triệt yêu cầu: “Báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định những nội dung vượt thẩm quyền”; Chỉ “giao Chính phủ ban hành văn bản phù hợp hướng dẫn chi tiết, xử lý các vấn đề cụ thể, phát sinh”, theo đó, Bộ Chính trị chưa cho phép Chính phủ quy định những vấn đề khác với luật. Tại Văn bản số 178 của Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu kiểm soát quyền lực, bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp trong xây dựng pháp luật. Vì vậy, trường hợp Bộ Chính trị cho phép Chính phủ ban hành các quy định khác với luật, pháp lệnh, quy định những vấn đề mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH thì sẽ giữ quy định như dự thảo Nghị quyết, đồng thời cần bổ sung quy định về trách nhiệm trong việc ban hành các quy định khác với pháp luật hiện hành, bảo đảm nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.
Về thẩm quyền thành lập, Thường trực Ủy ban cho rằng, dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ ràng cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập TTTCQT. Điều 8 của Dự thảo Luật chỉ quy định chung chung: “Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập TTTCQT”. Thường trực Ủy ban đề nghị quy định rõ theo hướng Quốc hội chỉ quyết định chủ trương và ban hành Nghị quyết về chủ trương thành lập TTTCQT tại Việt Nam theo tinh thần Kết luận số 47-TB/TW của Bộ Chính trị; Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Quyết định thành lập TTTCQT tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Về việc thành lập 1 TTTCQT đặt tại 2 TP, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về căn cứ, cơ sở để đề xuất mô hình mới khác với Kết luận 47 của Bộ Chính trị. Làm rõ mô hình, mối quan hệ, tính độc lập giữa 2 cơ sở đặt ở 2 nơi; cơ quan quản lý nhà nước đối với 2 cơ sở này; Căn cứ vào đặc điểm riêng biệt của mỗi thành phố (TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), đề nghị tại Nghị quyết có thể quy định chính sách chung, nhưng tại các văn bản dưới luật cần có quy định tương ứng để phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng biệt của mỗi cơ sở; Có quy định về cơ chế phối hợp để mang lại hiệu quả tổng thể. Trong tổ chức thực hiện, cần nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh…