Đề xuất sớm khôi phục tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh
Tuyến đường sắt Đông Nam Bộ từ Sài Gòn đi Lộc Ninh (Rubber line) từng là một trong những tuyến đường sắt được chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng từ đầu thập niên 30 của thế kỷ XX để phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là vận chuyển mủ cao su xuất khẩu. Vì nhiều lý do, tuyến đường sắt này đã bị ngưng chạy hoàn toàn từ năm 1960, nhưng giờ đây sắp có cơ hội hồi sinh khi có chủ trương, quyết sách của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc đầu tư phát triển đường sắt để đa dạng phương thức vận tải, giảm chi phí hàng hóa, qua đó tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu từ khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu cả nước.
Lộc Ninh nhớ tiếng còi tàu
Cùng với việc thiết lập các đồn điền trồng cao su là sự ra đời của các nhà máy chế biến mủ cao su xuất khẩu sang châu Âu, về Pháp quốc nên người Pháp đã xây dựng và đưa vào khai thác tuyến đường sắt Đông Nam Bộ ngay từ năm 1933, trước khi hoàn thành tuyến đường sắt Bắc - Nam 3 năm. Cách đây ít năm, chúng tôi có dịp trở lại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước để tìm lại dấu vết xưa cũ của tuyến đường sắt và thật sự ngưỡng mộ cách người Pháp làm kinh tế. Đường ray không chỉ đến ga cuối Lộc Ninh mà được kéo dài thêm khoảng 300m đến tận kho hàng của Công ty cao su Lộc Ninh ngay cạnh đường ray để những tấm mủ tờ nặng được chất lên tàu (cùng với đó là gỗ quý) cũng theo đường sắt vận chuyển về ga Sài Gòn, nằm ở trung tâm Quận 1, gần các cảng Ba Son, Khánh Hội. Sau đó, theo tàu viễn dương về Pháp và tỏa đi các nước châu Âu, góp phần làm nên thương hiệu cao su thiên nhiên xuất khẩu trứ danh của vùng đất Đông Nam Bộ, trong đó nhiều nhất vẫn là từ 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Và đến tận bây giờ, mặt hàng mủ tờ màu cánh gián đặc trưng vẫn được khách hàng châu Âu tin dùng.

Đầu máy xe lửa Tự lực chế tạo năm 1966 đặt tại Khu tượng đài truyền thống nhà máy toa xe lửa Dĩ An tỉnh Bình Dương
Theo chỉ dẫn của một bậc cao niên, chúng tôi tìm theo dấu xưa của đoạn đường sắt từ ga Lộc Ninh về nhà máy chế biến cao su nhưng dấu vết còn lại chỉ là một cây cầu sắt hoen gỉ bên ngoài nhà máy và nền đường sắt ở trong cổng nhà máy. Khi vào bên trong tham quan thì chúng tôi càng bất ngờ hơn khi toàn bộ việc vận chuyển mủ thành phẩm ngày xưa được người Pháp dùng bằng goong đường sắt hoặc xe đẩy trên đường ray để kết nối các công đoạn sản xuất với kho hàng mà không phải dùng sức người nhiều.

Một cầu sắt còn sót lại trên tuyến đường sắt Sài Gòn Lộc Ninh (đoạn từ ga Lộc Ninh đến nhà máy cao su Lộc Ninh)
Ngoài vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, nặng thì con đường này cũng ghi dấu kỷ niệm với không ít người dân địa phương dọc tuyến đường khi đi học, du lịch, đi công cán, chữa bệnh ở Sài Gòn rất thuận tiện, rẻ tiền, lúc mà đường bộ chưa được mở mang, phát triển nhiều và các loại phương tiện chưa hiện đại như sau này.
Kiến nghị triển khai đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Lộc Ninh giai đoạn 2025-2030
Những năm gần đây, hạ tầng giao thông được nhận diện là điểm nghẽn phát triển lớn nhất của cả vùng Đông Nam Bộ, trong đó có Bình Phước. Việc thiếu hệ thống đường sắt nội vùng trong khi đường bộ liên tục quá tải đã làm tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông gia tăng khiến hàng hóa tốn thêm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp. Điều đó vô tình làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa các loại, nhất là hàng hóa xuất khẩu. Tỉnh Bình Dương đã đầu tư ngân sách để làm đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn nhằm giải quyết nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao của các khu công nghiệp trên địa bàn và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, con đường nhanh chóng quá tải chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng càng cho thấy tầm quan trọng của đường sắt trong phát triển dài hạn.

Nền đường sắt tuyến Sài Gòn - Lộc Ninh (đoạn qua thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước còn khá tốt)
Với Bình Phước, tỉnh có vị trí tiếp giáp với Bình Dương và từng thuộc tỉnh Sông Bé (cũ), nếu có tuyến đường sắt cặp theo quốc lộ 13 lên tới Lộc Ninh và Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư tìm đến khi hàng hóa làm ra tại các khu công nghiệp ở Chơn Thành, Hớn Quản, Đồng Xoài, Đồng Phú… không tốn nhiều chi phí chở bằng container mà sẽ xuôi theo đường sắt về các cảng của TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để đến các tỉnh, thành trong nước và ra nước ngoài, trong đó có các nước ASEAN qua Campuchia.
Nhận thấy tầm quan trọng của vận tải hàng hóa bằng đường sắt từ các tỉnh Đông Nam Bộ qua Trung Quốc, từ ngày 21-2-2024, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã khởi hành chuyến tàu liên vận (với 21 toa hàng) qua ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) để tăng lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đến và đi từ Trung Quốc. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu sẽ theo tuyến đường sắt liên vận vào Việt Nam, xuống hàng ở Bình Dương và ngược lại hàng hóa xuất khẩu, nhất là nông sản sẽ theo tuyến đường sắt liên vận đi sâu vào nội địa Trung Quốc và qua các nước châu Âu, giảm đáng kể chi phí vận chuyển so với đi bằng đường bộ.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ) có quy hoạch tuyến TP. Hồ Chí Minh - Lộc Ninh, từ ga Dĩ An (Bình Dương) đến điểm nối ray biên giới Việt Nam - Campuchia (Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư). Dự án là một phần của dự án đường sắt xuyên Á kết nối mạng lưới đường sắt quốc gia Bắc - Nam với Campuchia thông qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Theo quy hoạch, dự án có lộ trình đầu tư sau năm 2030.
Tại Phụ lục II kèm theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 4-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ), có dự kiến phân kỳ triển khai các dự án quan trọng của vùng: “Các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ, đường sắt kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; tuyến đường bộ ven biển theo quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt”.
Tại hội nghị điều phối vùng Đông Nam Bộ tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào đầu tháng 12-2024, tỉnh Bình Phước và Bình Dương kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) xem xét, ưu tiên sớm xúc tiến đầu tư dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Lộc Ninh; triển khai thủ tục đầu tư tuyến đường sắt này ngay trong giai đoạn 2025-2030, đồng thời sớm tổ chức cắm tim hướng tuyến và bàn giao hướng tuyến ngoài thực địa đối với đoạn qua địa bàn tỉnh nhằm giúp địa phương quản lý quỹ đất quy hoạch dự trữ phục vụ công tác đầu tư xây dựng sau này.
Được biết, từ năm 2013, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã phê duyệt quy hoạch khôi phục lại tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh. Tuyến đường sắt mới cách nền cũ khoảng 200m, dự kiến dài 128,5km. Điểm đầu kết nối với đường sắt Thống Nhất tại ga Dĩ An và kết thúc tại Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), với tổng mức đầu tư khoảng 438 triệu USD. Nhưng vì nhiều lý do, đến nay tuyến đường sắt này vẫn chỉ là quy hoạch trên giấy và nhiều lần được điều chỉnh.
Với Quyết định số 1769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19-10-2021 về “Phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã vạch ra lộ trình đầu tư, tạo cơ hội cho việc khôi phục lại tuyến đường sắt này. Theo đó, cả nước sẽ có 9 tuyến đường sắt được xây dựng mới, trong đó có tuyến TP. Hồ Chí Minh - Lộc Ninh, từ ga Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đến điểm nối ray trên biên giới Việt Nam - Campuchia (Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư) với khổ đường 1,435m. Trong đó, đoạn Dĩ An - Chơn Thành đường đôi và đoạn Chơn Thành - Lộc Ninh đường đơn.
Theo các chuyên gia lĩnh vực giao thông công chánh, nếu khôi phục, làm mới tuyến đường sắt này thì nên tận dụng tuyến đường sắt cũ đã có sẵn nền đường và cơ bản hành lang đường sắt vẫn được các địa phương giữ khá tốt nên sẽ đỡ mất thời gian thi công, giảm chi phí giải phóng mặt bằng và chỉ nên nắn tuyến để kết nối với các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, giảm áp lực cho giao thông đường bộ.